Nguy cơ hỏa hoạn cao ở các làng nghề

Hà Nội hiện có khoảng hơn 250 làng nghề, các cơ sở sản xuất với quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động trên mặt bằng chật hẹp, nằm đan xen lẫn nhau trong khu vực dân cư. Nguồn nước chữa cháy thiếu nghiêm trọng nhất là vào mùa khô nên nguy cơ cháy lây lan từ cơ sở sản xuất sang nhà dân và ngược lại là rất cao.

Thời điểm hiện nay đang là mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới trên 40oC. Điều này đã và đang đặt ra những mối lo tiềm ẩn khôn lường đối với các khu vực tập trung nhiều cơ sở, làng nghề kinh doanh sản xuất. Bởi thực tế cho thấy, công tác phòng chống cháy nổ của một số cơ sở làng nghề hiện nay vẫn đang bị bỏ ngỏ… Một lần vào "thăm" làng nghề Chiều 24/7, PV Báo CAND đã có mặt tại cung đường Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) nơi có nhiều cơ sở sản xuất chỉ khâu, tơ dệt, tái chế phế liệu. Tiến sâu vào trong xã Tân Triều, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hàng chục bao tải nén chặt phế liệu (nhựa) nằm ngổn ngang trong các con ngõ nhỏ. Phải cố lắm chúng tôi mới lách qua được. Song, nhiều đoạn đường, xe của chúng tôi phải dừng lại bởi phía trước mặt bị án ngữ bởi những chiếc xe cải tiến, xích lô chất ngang đầu người các bao tải hàng. Không chỉ có các bao tải phế liệu mà lông chim, lông gà, vịt cũng được nhiều hộ dân phơi kín con đường gần trụ sở UBND xã Tân Triều. Trao đổi với chúng tôi, ông Giang Nguyên Dục - Phó trưởng Công an xã Tân Triều cho biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng 60 cơ sở, công ty, hợp tác xã sản xuất chế biến sợi, mác quần áo, dây chun… và hàng trăm hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ khác. Do ảnh hưởng của đợt khủng hoảng kinh tế nên số hàng (phế liệu, vật liệu gia công…) thu mua về nhiều trong khi hàng tái chế xuất đi thì chững lại. Cũng theo ông Dục, sản phẩm mà các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao, nhất là vào thời điểm hiện nay đang là mùa hè nắng nóng. Trong khi trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của xã còn hạn chế. Những cái khó thường trực ở làng nghề này cũng là tình trạng chung giống nhiều cơ sở làng nghề khác. Số lượng cơ sở sản xuất đông, nằm lẫn trong khu dân cư ngõ vào nhỏ hẹp. Chỉ riêng hệ thống các họng nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn xã Tân Triều hiện cũng chưa có. Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng hơn 1.200 làng nghề. Trong đó có hơn 240 làng nghề truyền thống tập trung chủ yếu tại các huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ như: Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai… Đáng chú ý, trong số những làng nghề này, lượng cơ sở sản xuất được trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy chỉ chiếm phần nhỏ. Điều này kéo theo sự hạn chế trong nhận thức về công tác phòng cháy chữa cháy của một số khu làng nghề. Trở lại buổi trao đổi với chính quyền xã Tân Triều, ông Giang Nguyên Dục cũng cho biết: Hiện vẫn còn nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất chưa thấy được hết tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy. Còn tồn tại suy nghĩ : "Kinh doanh, sản xuất từ trước đến giờ có thấy cháy lần nào đâu mà phải lo(?!)". Ngoài 3 trục đường chính dẫn vào trụ sở UBND xã, ôtô có thể vào được thì các con đường ngõ nhỏ còn lại xe cứu hỏa không thể nhích vừa. Theo Phòng Cảnh sát PCCC - Công an TP Hà Nội, hiện có khoảng hơn 250 làng nghề, các cơ sở sản xuất với quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động trên mặt bằng chật hẹp, nằm đan xen lẫn nhau trong khu vực dân cư; nhà xưởng xây tạm, dây chuyền sản xuất lạc hậu, thiếu khoảng cách an toàn. Nguồn nước chữa cháy thiếu nghiêm trọng nhất là vào mùa khô nên nguy cơ cháy lây lan từ cơ sở sản xuất sang nhà dân và ngược lại là rất cao. Ngay từ bây giờ chính quyền địa phương - nơi có làng nghề hoạt động cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống cháy nổ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/7/117036.cand