Nguy cơ điện thoại bí mật thu thập thông tin người dùng

(ĐTTD) Vụ việc một số điện thoại bí mật tổng hợp gửi thông tin gửi dùng về máy chủ ở Trung Quốc mới đây đã (lại một lần nữa) làm nóng lên chủ đề bảo mật dữ liệu cá nhân và “hành vi đạo đức” của các hãng công nghệ.

Lỗ hổng bảo mật trên 900 triệu thiết bị Android được vá lỗi

Apple treo thưởng 200.000USD cho ai tìm ra lỗ hổng bảo mật trên iOS

“Smartphone Pixel có mức độ bảo mật ngang ngửa iPhone”

Cách đây vài ngày, tờ New York Times tại Mỹ đã đăng một thông tin gây chấn động: một số smartphone có được thiết lập một “cửa hậu” (backdoor) bí mật, từ đó bí mật thu thập thông tin của người dùng và gửi dữ liệu về máy chủ đặt tại Trung Quốc. Cụ thể hơn, hai hãng điện thoại được chỉ “đích danh” trong bài báo là Huawei và BLU.

Gần như ngay lập tức, cả hai hãng nói trên đã đưa ra những phản hồi và cho biết các ứng dụng trong thu thập dữ liệu trái phép trên các mẫu smartphone của họ đều thuộc một bên thứ ba không phải là đối tác chính thức của Huawei hay BLU. Cả hai hãng đều nhấn mạnh sự an toàn và bảo mật dành cho các khách hàng luôn là ưu tiên cao nhất của mình, và họ sẽ không ngừng nỗ lực để bảo đảm sự an toàn và bảo mật đó.

Tuy nhiên, những phản hồi này chưa hẳn đã làm yên lòng toàn bộ người dùng và các chuyên gia công nghệ, nhất là trước đây những cáo buộc tương tự đã từng xảy ra. Hồi đầu năm nay, một số dòng máy tính của Lenovo đã bị phát hiện cài đặt sẵn phần mềm có tên “Lenovo Service Engine” (LSE) vào bo mạch - phần mềm này bị xem là có nguy cơ đe dọa an toàn an ninh hệ thống thông tin mạng và đã khiến một số cơ quan hành chính tại Việt Nam phải đưa ra những cảnh báo và khuyến nghị bảo mật. Hồi tháng 7, trình duyệt cũng Maxthon cũng bị tố cáo bí mật gửi các thông tin cá nhân của người dùng về máy chủ của công ty phát triển tại Trung Quốc.

Thực tế, tình trạng bí mật thu thập thông tin của người dùng không chỉ xảy ra với các hãng công nghệ Trung Quốc. Từ lâu, Google và Facebook cũng đã bị cáo buộc thực hiện hành vi này nhằm mục đích phân tích và tối ưu các nội dung quảng cáo. Phần lớn người dùng thường bỏ qua vấn đề này bởi những tiện ích trên các thiết bị và dịch vụ mà họ đang sử dụng, tuy nhiên nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng việc thu thập thông tin người dùng là một hành vi không chính đáng, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Nghiêm trọng hơn, các thông tin bị thu thập có thể được sử dụng vào mục đích gián điệp, hoặc nếu chúng lọt vào tay những hacker có ý đồ xấu, người dùng có thể gặp nguy hiểm.

Trong số các hãng công nghệ hiện nay, Apple được xem là một trong những công ty quan tâm nhất đến vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Cả Steve Jobs và Tim Cook đều đã hơn một lần khẳng định hãng này sẽ không bao giờ bí mật thu thập thông tin của khách hàng vì mục đích lợi nhuận. Hồi đầu năm nay, Apple đã đối đầu với các cơ quan hành pháp ở Mỹ trong vụ việc mở khóa chiếc iPhone của nghi phạm vụ khủng bố ở San Bernardino, bởi họ cho rằng điều này sẽ gây nên những hậu quả tai hại cho chức năng bảo mật trên các thiết bị iPhone trong tương lai.

Trúc Phong

Tổng hợp

Nguồn ĐTTD: http://dientutieudung.vn/ca-fe/nguy-co-dien-thoai-bi-mat-thu-thap-thong-tin-nguoi-dung/