Nguy cơ đi tù vì cho người khác mượn xe

Nếu cho người không đủ điều kiện mượn xe, chủ phương tiện có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý, nhất là trong trường hợp xảy ra tai nạn chết người.

Ngày 23/2, Công an TP. Phủ Lý, Hà Nam đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Văn Dũng (SN 2004, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Cơ quan công an lấy lời khai Trần Văn Dũng. Ảnh: CACC

Theo điều tra, tối ngày 23/12/2023, Trần Văn Dũng uống rượu cùng Nguyễn Ngọc H. (SN 2007) và 4 người khác tại đám cưới. Sau đó, Nguyễn Ngọc H. mượn xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter, không đeo biển số của Dũng đi đón bạn.

Quá trình di chuyển, H. điều khiển xe mô tô đi không đúng phần đường quy định đã tự đâm vào gốc cây bên đường khiến H. tử vong. Theo kết luận giám định của lực lượng chức năng, nồng độ cồn trong máu của H. là 92,04mg/100ml máu.

Tại cơ quan công an, Trần Văn Dũng khai nhận, biết rõ H. đã sử dụng rượu, không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhưng vẫn giao xe cho H. sử dụng.

Trước đó, ngày 21/2, Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến (23 tuổi, trú trên địa bàn) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Bùi Văn Tuyến bị khởi tố vì cho người khác mượn xe rồi gây tai nạn chết người. Ảnh: CACC

Căn cứ vào kết quả điều tra, tối ngày 3/2, Tuyến cùng nhóm bạn ngồi nhậu, lát sau một người trong nhóm mượn xe máy của Tuyến để đi đón bạn.

Trên đường, người này va chạm với một người đi xe máy khác, khiến cả hai tử vong. Công an xác định trong máu của người mượn xe của Tuyến có nồng độ cồn, Tuyến biết người này không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn cho mượn xe, dẫn đến tai nạn giao thông chết người.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện là người không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện mà gây ra tai nạn chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên, chủ phương tiện có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, quy định tại khoản 1 điều 264 Bộ Luật hình sự.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 điều 264 Bộ Luật hình sự, mức hình phạt cao nhất của tội danh Giao cho người khác không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có thể tới 7 năm tù.

Do đó, để tránh trường hợp bị vướng vào vòng lao lý về tội danh này và để đảm an toàn giao thông đường bộ nói chung, mọi người nên cẩn trọng trước khi giao phương tiện cho người khác.

"Nếu phải cho mượn xe, chủ phương tiện cần phải chắc chắn rằng người mượn đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như đủ tuổi, có giấy phép lái xe, trạng thái tinh thần tỉnh táo, không uống rượu bia trước khi lái xe…

Ngoài ra, chủ phương tiện cũng cần trao đổi về trách nhiệm đôi bên nếu xảy ra sự cố, đồng thời nên cân nhắc về độ tin cậy của người mượn", luật sư Nam nhấn mạnh.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-di-tu-vi-cho-nguoi-khac-muon-xe-16924022614295386.htm