Nguồn nhân lực cho vùng khó - Giải pháp kịp thời và đồng bộ, Bài 2: Nghịch lý thừa và thiếu

Mặc dù Thái Nguyên đã triển khai, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ nhưng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn.

Giao dịch tại Bộ phận Một cửa xã Cúc Đường, huyện vùng cao Võ Nhai.

Giao dịch tại Bộ phận Một cửa xã Cúc Đường, huyện vùng cao Võ Nhai.

Những năm trở lại đây, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã. Tại các thành phố, số hồ sơ tham gia thi tuyển khá cao. Ví dụ, TP. Thái Nguyên, năm 2022, tuyển dụng 29 chỉ tiêu vào 5 chức danh, thì tỷ lệ "chọi" là 1/4, các thí sinh dự thi đều có trình độ đại học chính quy và sau đại học.

Trong khi đó, tại các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khi có nhu cầu tuyển dụng cán bộ, tỷ lệ "chọi" thấp hơn hẳn. Minh chứng rõ nhất là tại huyện Võ Nhai, năm 2022 tuyển dụng 15 chỉ tiêu vào 5 chức danh tương tự TP. Thái Nguyên (văn phòng - thống kê, văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán; địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường). Tuy nhiên, tỷ lệ "chọi" chỉ ở mức 1/1, thấp hơn nhiều so với TP. Thái Nguyên. Đáng nói, trong số hồ sơ dự tuyển không xuất hiện các ứng viên có trình độ sau đại học.

Ông Phạm Hữu Hoàn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phú Lương, nhận định: Hiện nay, việc thu hút người trẻ, có trình độ sau đại học về các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm việc rất khó. Với tâm lý phát triển sự nghiệp phải ở khu vực trung tâm, sau khi tốt nghiệp đại học hoặc cầm tấm bằng thạc sĩ, nhiều bạn trẻ không ngại ngần lựa chọn làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng, thay vì về công tác tại các xã vùng khó với mức lương bắt đầu từ hệ số là 2,34…

Đặc biệt, trình độ cán bộ, công chức cấp xã ở các thành phố và các huyện miền núi, vùng cao cũng có sự chênh lệch, tương phản lớn. Ví như tại TP. Thái Nguyên, hiện có trên 600 cán bộ, công chức, thì hơn 90 người có trình độ thạc sĩ, trên 450 người có trình độ đại học. Nhiều phường như Đồng Quang, Tân Thành, Hoàng Văn Thụ, Phú Xá…, đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao (từ 95-100%). Về trình độ lý luận chính trị, trên 20 người có trình độ cao cấp và cử nhân, hơn 460 người có trình độ trung cấp.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Định Hóa, sau những nỗ lực về chuẩn hóa cán bộ, đến nay, trong số 448 cán bộ, công chức cấp xã (23 xã, thị trấn), chỉ có 7 người có trình độ chuyên môn thạc sĩ; 325 người có trình độ đại học, 32 người có trình độ cao đẳng và vẫn còn 84 người có trình độ trung cấp.

Các địa phương có cán bộ, công chức trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên đạt cao là xã Đồng Thịnh 18/19 người; xã Kim Phượng 26/33 người và cao nhất là thị trấn Chợ Chu với 18/18 người, nhưng trong đó cũng chỉ có 1 người trình độ thạc sĩ. Về trình độ lý luận chính trị, chỉ có 4 người có trình độ cao cấp, cử nhân; 325 người có trình độ trung cấp; 70 người có trình độ sơ cấp.

Về đào tạo, Thái Nguyên là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 toàn quốc với 9 trường đại học. Trong đó, Đại học Thái Nguyên có các trường thành viên: Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm, Đại học Y - Dược, Đại học Khoa học, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Công nghệ thông tin vàTruyền thông, Trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật.

Trên địa bàn tỉnh còn có Trường Đại học Việt Bắc; Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề... Thái Nguyên đang đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hàng năm đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề đáp ứng được yêu cầu lao động kĩ thuật cho tỉnh và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Thực tế trên cho thấy, hiện nay, yêu cầu cao và cấp bách nhưng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Nghịch lý thừa ở đô thị, thiếu ở nơi rất cần là địa bàn khó khăn đã tồn tại nhiều năm chưa được cải thiện.

Lớp cán bộ, công chức công tác tại các xã chủ yếu là “người cũ”. Nhiều người sau khi tham gia vào các hoạt động đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…) đã chủ động đi học và chuẩn hóa trình độ nên được cất nhắc vào những vị trí chủ chốt ở địa phương.

Anh Phùng Văn Đăng, 44 tuổi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Định (Định Hóa), là 1 ví dụ. Năm 2003, anh Đăng từ Bí thư Chi đoàn xóm được bầu vào chức danh Phó Bí thư Đoàn xã Điềm Mặc (Định Hóa). Một năm sau, anh vừa đi học, vừa đi làm để có tấm bằng cử nhân Kinh tế, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (năm 2008). Sau khi tốt nghiệp, anh được tín nhiệm bầu vào chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên xã.

Năm 2015, anh Đăng được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã và được bầu vào chức danh Chủ tịch UBND xã năm 2019. Sau một thời gian gắn bó với địa phương, anh được điều chuyển công tác về xã Thanh Định. Sự kiên trì trong rèn luyện, phấn đấu, ham học hỏi chính là nền tảng để anh Đăng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, theo anh Đăng, các xã miền núi, vùng cao rất cần có lực lượng cán bộ, công chức trẻ, trình độ chuyên môn cao về làm việc. Người trẻ tiếp thu được nhiều tri thức mới, thường năng động, dám nghĩ, dám làm, sẽ giúp ích rất nhiều cho phong trào ở địa phương.

Anh Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Thanh Định (Định Hóa): Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã. Đến nay, hầu hết cán bộ đã cập chuẩn. Dù vậy, việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút những cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn cao về tuyến xã sẽ mang lại “luồng sinh khí mới” trong giải quyết công việc, góp phần làm thay đổi diện mạo miền núi, vùng cao…

Anh Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Thanh Định (Định Hóa): Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã. Đến nay, hầu hết cán bộ đã cập chuẩn. Dù vậy, việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút những cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn cao về tuyến xã sẽ mang lại “luồng sinh khí mới” trong giải quyết công việc, góp phần làm thay đổi diện mạo miền núi, vùng cao…

Có thể thấy, giữa địa bàn thành phố và miền núi của tỉnh đang có độ “vênh” lớn về chất lượng nguồn nhân lực cấp xã. Đây là một trong những rào cản lớn trong giải quyết công việc ở các địa phương. Thực tế cho thấy, khi đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, chuyên môn cao, nhiều vướng mắc ở cơ sở được tham mưu giải quyết kịp thời, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều vụ việc tranh chấp đất đai; giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân ở các xã miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số chưa được tham mưu giải quyết triệt để, kịp thời ngay từ cơ sở dẫn đến khiếu kiện vượt cấp…

Chị Ngô Thị Đạt, cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ), không ngại vượt qua những cung đường đầy gian nan để đến tận hộ người dân tộc Mông (bản Lân Quan) tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình.

Chị Ngô Thị Đạt, cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ), không ngại vượt qua những cung đường đầy gian nan để đến tận hộ người dân tộc Mông (bản Lân Quan) tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình.

Đến nay, Thái Nguyên mới có 150 trạm y tế tuyến xã có bác sĩ. Như vậy, toàn tỉnh còn 27 xã “trắng” bác sĩ, tập trung chủ yếu ở các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Riêng Định Hóa, hiện có 6/23 xã chưa có bác sĩ. Đặc biệt, do không tuyển được nhân sự nên Định Hóa là địa phương duy nhất trong 9 huyện, thành của tỉnh không có phòng y tế.

Lãnh đạo huyện Định Hóa cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này là do hiện nay nguồn nhân lực còn thiếu, các bác sĩ trẻ không muốn về trạm y tế xã để công tác vì phải đi xa, chế độ đãi ngộ thấp, tay nghề bị mai một.

Hay như tại Hợp Tiến (Đồng Hỷ), nơi có đông đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng… sinh sống, Trạm Y tế xã này cũng chưa có bác sĩ. Nằm cách xa trung tâm huyện nên khi ốm đau, người dân đều trông cả vào y tế tuyến xã. Tuy nhiên, do không có bác sĩ nên nhiều trường hợp bị ong đốt, Trạm vẫn phải chuyển lên tuyến trên, khiến người dân đi lại vất vả.

Còn theo y sĩ Lâm Xuân Hiền, phụ trách Trạm Y tế xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), địa phương có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống: Do Trạm không có bác sĩ nên không thể chỉ định điều trị các bệnh như thần kinh, cao huyết áp… Thực tế này cũng gây nhiều bất tiện cho nhân dân địa phương. Một bộ phận bà con phải đi cả quãng đường dài chỉ để khám một số bệnh đơn giản mà lẽ ra bác sĩ ở tuyến cơ sở có thể xử trí được. Sự thiếu hụt bác sĩ tuyến xã sẽ khiến cho y tế tuyến trên vất vả hơn...

Bác sĩ Lê Thị Thảo, Trạm Y tế xã Thần Sa (Võ Nhai): Tuy đã có những chế độ đãi ngộ, ưu tiên nhưng mức lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở miền núi, vùng cao vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân.

Bác sĩ Lê Thị Thảo, Trạm Y tế xã Thần Sa (Võ Nhai): Tuy đã có những chế độ đãi ngộ, ưu tiên nhưng mức lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở miền núi, vùng cao vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân.

Giải thích về lý do trạm y tế tuyến xã thiếu bác sĩ, Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, nói: Cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế chính là nguyên nhân chưa thu hút được bác sĩ về tuyến xã. Với thời gian đào tạo dài (6 năm), sau khi ra trường, về tuyến xã làm việc, bác sĩ trẻ được hưởng hệ số lương bậc 1 của đại học là 2,34 cùng phụ cấp ưu đãi nghề, nhưng tổng thu nhập cũng chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương và các cơ sở y tế tư nhân, nhiều đơn vị đang có chính sách thu hút bác sĩ bằng mức lương khá cao. Không thiếu những cơ sở y tế sẵn sàng “đón chào" bằng mức lương thưởng từ 25 đến 50 triệu đồng (tùy vào xếp loại bằng tốt nghiệp như trung bình, khá, giỏi…) cho những bác sĩ được đào tạo chính quy, mới tốt nghiệp về đơn vị công tác (một điển hình là Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên).

Không riêng gì ngành Y tế, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng đang lâm vào tình trạng thiếu giáo viên. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, đầu năm học 2023-2024, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 4.200 biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong đó, bậc học mầm non thiếu nhiều nhất với trên 1.500 biên chế, tiếp đến là khối THCS và tiểu học.

Đơn cử như Trường Mầm non Phú Đình, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, năm học này có gần 400 trẻ. Theo quy định, Nhà trường phải có 34 cán bộ, giáo viên và nhân viên thì mới đảm bảo việc dạy học, nhưng hiện chỉ có 26 biên chế. Bước vào năm học mới, Nhà trường vẫn còn thiếu 8 giáo viên. Để đảm bảo công tác giảng dạy và học tập, Nhà trường ký hợp đồng khoán với 8 giáo viên. Tuy nhiên, các giáo viên trong diện hợp đồng khoán chỉ được hưởng mức lương 6 triệu đồng/tháng, bản thân phải tự đóng bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc chỉ 10/12 tháng nên họ không yên tâm công tác. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục ở vùng khó.

Khảo sát cho thấy rất nhiều trường ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đang thiếu giáo viên. Trong khi đó, hàng nghìn giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh đang làm việc trái nghề là thực tế đáng suy ngẫm...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202310/nguon-nhan-luc-cho-vung-kho-giai-phap-kip-thoi-va-dong-bo-bai-2-nghich-ly-thua-va-thieu-6a316ac/