Người Việt lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, chung tay hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa

'Người Việt Nam mình vốn có truyền thống tương thân tương ái... điều này đã thôi thúc tôi hành động'- anh Dương Nam Phương chia sẻ sau khi kêu gọi gần 60 thùng hàng quần áo, lương thực hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua thảm họa.

Rạng sáng 6-2, trận động đất 7,8 độ richter xảy ra đã làm rung chuyển biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây là một trong những trận động đất mạnh nhất tại khu vực này trong gần một thế kỷ qua.

Theo số liệu cập nhật từ Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất kinh hoàng đã ảnh hưởng tới 13 triệu người tại 10 tỉnh của đất nước này và số người thiệt mạng trong thảm họa đã vượt qua con số 28.000 người (số liệu đến ngày 11-2).

Một người phụ nữ đứng trước tòa nhà đổ nát sau trận động đất ở TP Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 7-2. Ảnh: REUTERS

Cú sốc lớn sau thảm họa

Sống ở TP Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ hơn 8 năm qua, chị Nguyễn Thị Nga (32 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng sau thảm kịch. Chị cho biết, TP Mersin cách trung tâm động đất hơn 150 km nhưng ngày xảy ra thảm kịch chị vẫn cảm nhận được rung chấn mạnh mẽ.

“4 giờ sáng hôm 6-2, khi gia đình tôi đang ngủ thì cảm nhận được rung chấn lần đầu. Do có kinh nghiệm từ trước nên chúng tôi lập tức chạy ra khỏi nhà. Đến chiều cùng ngày, tôi lại cảm nhận được rung chấn lần thứ hai. Sợ tòa nhà đổ sập vì động đất nên gia đình tôi phải trú tạm trên xe ô tô”- chị nhớ lại.

Từ ngày lấy chồng là người Thổ Nhĩ Kỳ và định cư tại đây, chị Nga thường xuyên “trải nghiệm” nhiều trận động đất từ lớn đến nhỏ, có lúc chỉ từ 3 - 5 độ richter và lớn nhất chỉ khoảng 6 độ richter. Khi đó đồ đạc và nhà cửa chỉ rung lắc một lúc rồi dừng lại chứ không gây ra nhiều thiệt hại hay thương vong.

“Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một thảm kịch lớn đến vậy tại đất nước này. Hiện nơi đây đang bị bão tuyết nên công cuộc cứu trợ gặp nhiều khó khăn, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã vận động người dân đến trại tập trung ở TP khác và hỗ trợ 10.000 lira (gần 530 USD) cho các gia đình ”- chị Nga chia sẻ.

Công tác cứu nạn vẫn đang được triển khai tích cực. Ảnh: AP

Cách trung tâm thảm họa hơn 1.500 km, chị Phương Anh (27 tuổi, ngụ TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết bản thân không cảm nhận được rung chấn nhiều. Như mọi ngày, gia đình chị xem thời sự lúc 7 giờ sáng và bàng hoàng khi biết tin động đất tại khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi lập tức gọi hỏi thăm tình hình một người bạn hiện đang ở khu vực chịu ảnh hưởng và nghe tin ba mẹ, anh trai cô ấy đã qua đời. Thật đau xót khi nhiều người dân nơi đây đang phải hứng chịu thảm kịch do động đất và mất đi gia đình”- Chị Phương Anh nói.

Chị chia sẻ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang để quốc tang và không khí nơi đây ảm đạm hơn mọi khi, người dân ở các TP khác đang cố gắng gom đồ, quần áo và chi phí để hỗ trợ các nạn nhân khu vực thiên tai.

Anh Dương Nam Phương (33 tuổi, ngụ TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) tâm sự người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang chịu cú sốc lớn sau thảm họa.

“Bầu không khí ảm đạm bao trùm cả đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngay lúc này. Trên tàu điện, tôi cảm nhận một bầu không khí im lặng đến lạnh gáy, không ai nói chuyện trên khoang, mọi người chỉ chăm chú theo dõi trên điện thoại về cuộc giải cứu các nạn nhân sau thảm họa”- anh Phương kể.

Cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ chung tay hỗ trợ

Anh Dương Nam Phương hiện đang là quản trị viên nhóm cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Anh cho biết, có hơn 150 người Việt đang sinh sống tại đất nước này. Ngay sau thảm họa, mọi người liên tục nhắn tin hỏi thăm, động viên nhau và may mắn tới thời điểm hiện tại, không có người Việt nào chịu thương vong.

Anh Dương Nam Phương (đầu tiên từ phải qua) đưa hàng cứu trợ của cộng đồng cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đến điểm tập kết tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: NVCC

Anh chia sẻ bản thân đến Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009 theo dạng du học sinh, sau đó lấy vợ và định cư tại đây gần 15 năm, đối với anh Phương, đất nước này là dân tộc thứ hai.

“Khi nghe tin động đất và con số thương vong, tôi rất bàng hoàng và xót xa, ngẫm lại người Việt Nam mình vốn có truyền thống tương thân tương ái, hỗ trợ đồng bào khi xảy ra hoạn nạn, điều này đã thôi thúc tôi hành động, kêu gọi sự hỗ trợ, quyên góp”- anh Phương tâm sự.

Ngay sau đó, anh đăng thông tin lên trang Cộng đồng người Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ để kêu gọi quyên góp và được nhiều người ủng hộ. Đợt hàng đầu tiên, anh gom được bốn thùng quần áo với hơn 700 bộ quần áo mùa đông và giao cho Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD).

Những thùng hàng được dán hình 2 lá quốc kỳ cùng dòng chữ "Sớm khỏe nhé, Thổ Nhĩ Kỳ!". Ảnh: NVCC

“Khi tôi trao hàng ủng hộ cho AFAD, họ ngỡ ngàng hỏi tôi đến từ đâu, vì sao lại nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ tốt thế. Tôi chia sẻ bản thân đến từ Việt Nam và quê hương tôi vốn có truyền thống tương thân tương ái từ xưa đến nay. Sau đó họ đã gửi lời cảm ơn người Việt và bày tỏ rất vui khi nhận được sự ủng hộ của người dân quốc tế”- anh Phương kể.

Sau đợt hỗ trợ đầu tiên, một số công ty, tổ chức biết thông tin nên tiếp tục tìm đến nhóm của anh Phương đề nghị làm đầu mối hỗ trợ các nạn nhân của thảm họa. Tính đến ngày 10-2, anh đã nhận được 50 thùng hàng thực phẩm, 4 thùng quần áo người lớn dành cho mùa đông do cộng đồng quyên góp.

“Toàn bộ 54 thùng hàng đã được giao cho chính quyền quận Bakirkoy, TP Istanbul để chuyển về hỗ trợ các nạn nhân khu vực thảm họa. Hành động này hoàn toàn xuất phát sự chân thành, từ trái tim và niềm vui khi được tiếp sức cho những người khó khăn của đồng bào ta”- anh Phương nhấn mạnh.

Vừa qua, 100 chiến sĩ công an nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn người trong vụ động đất.

Trong đó có 24 cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an và 76 quân nhân thuộc Bộ Quốc Phòng. Cụ thể, 30 người thuộc Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần; 30 người thuộc Đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh; 9 huấn luyện viên và chỉ huy và 6 chó nghiệp vụ thuộc Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; Bộ phận chỉ huy và cơ quan gồm 7 người.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-viet-lan-toa-tinh-than-tuong-than-tuong-ai-chung-tay-ho-tro-tho-nhi-ky-sau-tham-hoa-post719533.html