Người về thắp lửa, sáng niềm tin

Ngày đó, dân bản Pác Bó nhà nhà ăn đói, mặc rách, oằn lưng làm lụng quanh năm mà không đủ tiền nộp sưu, thuế cho bọn quan Tây. Cường hào đến bản cướp bóc, đánh đập, bắt người đi phu, đi lính nên vợ lìa chồng, cha lìa con. Ai chống lệnh quan trên chúng liền đánh đập đòn roi… Những ngày cuối năm 1940, tôi thấy pá (cha) mình thường đón mấy người bạn tồng (anh em kết nghĩa) về nhà ăn cơm, rồi vội vàng ra đi...

Gần Tết năm 1941, trời rét buốt như kim châm vào da thịt, mấy người bạn tồng của pá đến nhà bàn bạc rất lâu. Pá bảo chị cả và tôi nắm cơm cho mấy bạn tồng của pá ra đi trong đêm rét buốt. Mấy người bạn tồng đi rồi, tôi thấy pá đêm đêm thường ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, lo lắng đứng ngồi không yên. Khi đó, tôi đâu biết pá đã được giác ngộ cách mạng, đang lo cho mấy đồng chí cán bộ đi đón một người “Thượng cấp” ở bên kia biên giới về bản. Mấy ngày Tết, tôi thấy pá ra đi rồi trở về cùng người khách lạ (đồng chí Lê Quảng Ba) nói với chị gái và tôi: “Pá có người bạn tồng tốt bụng đang ở tạm trên rừng đầu nguồn suối Giàng (suối Lê Nin). Hai chị em nấu cơm đem lên cho bạn tồng của pá nhé!”.

Nghe vậy, hai chị em tôi lo lắng hỏi pá: “Ngày Tết trời lạnh buốt thế này, sao bạn tồng của pá không đến nhà mình mà lại ở trên rừng rậm hoang vắng, nhiều thú dữ…?”. Pá tôi vẻ mặt trầm tư nói: “Hai con cứ bí mật làm như pá dặn, rồi sau này các con sẽ hiểu”. Đang ngày Tết nên hai chị em đồ ít xôi và làm món thịt treo gói vào lá chuối, rồi theo đồng chí Lê Quảng Ba đi lên đầu nguồn suối Giàng. Trong rừng rậm nơi đầu nguồn suối, chị em tôi gặp ông Ké người gầy xanh, đôi mắt rất sáng. Ông Ké nói tiếng Nùng giọng ấm áp, giới thiệu mình tên Già Thu và ân cần hỏi thăm dân bản sống cực khổ thế nào? Hai chị em tôi khóc, kể lại cuộc sống cực khổ của dân bản. Ông Ké nghe xúc động và ôn tồn giải thích: “Bọn quan lại tay sai và thực dân Pháp bắt dân ta nộp sưu cao thuế nặng và bắt người đi phu, đi lính, không cho dân ta đi học… Chúng bóc lột, đán áp dân ta đến cùng cực, không cho dân đi học để thực hiện chính sách ngu dân. Người dân không hiểu biết, không dám đấu tranh để chúng dễ cai trị, bóc lột và đánh đập. Các cháu có muốn cho dân bản ai cũng được tự do, cơm no, áo ấm? Muốn dân bản hết khổ cực, chúng ta học chữ mở mang hiểu biết, phải đoàn kết cùng nhau đứng lên đấu tranh lật đổ bọn chúng…”.

Cụ Hoàng Thị Khìn (ở giữa), lão thành cách mạng, 100 tuổi, người đưa cơm cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những ngày mới về nước hoạt động cách mạng.

Về nhà, hai chị em tôi vui mừng kể cho pá nghe những điều mà ông Ké ở trong rừng giảng giải. Pá vui mừng động viên theo lời ông Ké, hai chị em tôi thay nhau nấu cơm, cháo ngô đem vào rừng cho ông Ké và các cán bộ cách mạng. Ông Ké tặng hai chị em tôi cuốn sách "Việt Minh Ngũ tự kinh" và dặn: "Các cháu nhớ học chữ để đọc hiểu cuốn sách này. Hiểu biết rộng để làm cách mạng, sau này đứng lên giành độc lập, tự do thì Bác mới trả được hết công lao các cháu".

Nghe ông Ké giảng giải, mọi người thêm hiểu sức mạnh cách mạng đánh đổ đế quốc thực dân phong kiến chính là sức mạnh từ mỗi người cùng biết đoàn kết lại. Ông Ké phân công đồng chí Cao Hồng Lĩnh phụ trách lên lớp dạy học chữ, còn Người trực tiếp lên giảng bài về đạo đức người cán bộ cách mạng. Biết chữ, đọc được sách, nghe ông Ké và cán bộ cách mạng giảng bài, đầu óc tôi và dân bản sáng ra.

Phong trào cách mạng ngày càng lên cao, thu hút đông đảo dân bản xã Trường Hà, Sóc Hà, Lục Khu… đi theo con đường mà ông Ké chỉ lối. Từ năm 1941 đến 1944, châu Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An và nhiều châu khác trở thành châu Việt Minh hoàn toàn, đánh bại nhiều cuộc truy quét, lùng sục các tổ chức cán bộ cách mạng và những khủng bố dã man của quân địch.

Tháng 5-1945, tôi cùng dân bản Pác Bó tiễn ông Ké từ Pác Bó đi Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), Người động viên dân bản đoàn kết, chờ thời cơ cùng đồng bào cả nước đứng lên đấu tranh cách mạng, giành chính quyền về tay.

80 năm đã qua đi, nhưng trong ký ức của tôi, tình cảm của ông Ké vẫn còn mãi trong lòng dân bản Pác Bó, như núi Các Mác hùng vĩ, suối Lê-nin rì rào chảy hát mãi lời ca về Người.

Cụ HOÀNG THỊ KHÌN (100 TUỔI), LÃO THÀNH CÁCH MẠNG

TRƯỜNG HÀ (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/chuyen-ve-nguoi/nguoi-ve-thap-lua-sang-niem-tin-661251