Người về bóng đổ đường quê

'Gập ghềnh xuống biển lên non Con đường tình nghĩa người còn nhớ chăng' (ca dao)

Đường làng - con đường của những cung bậc cảm xúc, nơi chứng kiến bao số phận người quê, lặng lẽ và song hành. Ngày ấy, con đường rợp bóng tre xanh, rợp bóng xoan đâu, cây thị, cây bưởi... Tinh mơ, ta đã nghe râm ran tiếng nói cười ở phía đường làng cùng nhau ra đồng cho kịp thì vụ. Vụ cày cấy đến gặt hái đều tất bật, lam lũ. Niềm vui khi được mùa, nỗi buồn lúc thất bát, nghe tiếng bước chân cũng hiểu được nỗi lòng. Đó là con đường của lễ nghi, hiếu nghĩa. Ngày Tết, giỗ chạp, mẹ soạn cho chị gánh cỗ đơm cơm để dâng cúng từ đường họ tộc. Là lúc mẹ dắt con sang thăm hỏi, chúc Tết ông bà. Đó là con đường bao toan lo của mẹ cha với đàn con tấn ăn, tấn lớn. Con trâu, chiếc rìu theo cha lên rừng đốn củi để về xuôi đổi gạo. Quang gánh cùng mẹ với lúa gạo, ngô khoai bán mua, giá công buổi tháng ba ngày tám. Đó là con đường hân hoan niềm vui khi nhà ai đón dâu hiền, rể thảo. Con đường thấm đẫm nước mắt, não nề kèn trống khi tiễn một người về đất mẹ. Con đường rộn rã tiếng ve, ríu rít tiếng chim ngày hè. Con đường râm ran tiếng ếch nhái, rỉ rả tiếng côn trùng ngày mưa. Con đường trầm ngâm, tê tái, hun hút trong mùa đông xám ngoét. Con đường tả tơi hoa xoan, ngát thơm hương bưởi tháng ba; rực vàng và lúc lỉu trái cây tháng tám. Con đường gồ ghề khi vừa đổ sỏi, con đường êm ái rạ rơm thơm những ngày mùa... Tất cả như một bức tranh rực rỡ màu sắc, rộn rã âm thanh và ngọt ngào hương vị của thân thuộc, yêu thương.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đường làng - con đường của sum họp và chia li, nơi chứng nhân cho muôn nỗi người quê. Người ta có trăm hướng để ra đi nhưng chỉ có một lối để quay về. Đó là quê hương. Con đường quê vẫn mãi ở yên đó, lặng lẽ trong lớp lớp dấu vết thời gian. Những dẫu trầm tích thời gian có bị chìm khuất đến đâu, thay đổi như thế nào thì vẫn tươi nguyên trong kí ức như tự thuở ban đầu những bước chân son. Con đường làng là nơi các mẹ, các chị tiễn đưa chồng con ra trận. Tổ quốc bên bờ sóng đằng đẵng những cuộc chiến chinh: “Khi có giặc người con trai ra trận. Người con gái trở về nuôi cái cùng con” (Nguyễn Khoa Điềm). Có người mãi mãi tuổi đôi mươi chẳng tìm đâu mộ chí. Có người trở về mà di chứng chiến tranh còn hành hạ lúc trái gió trở trời. Người nặng ơn cưu mang lúc sinh tử mà ở lại quê người; người trở về sống bình dị, lặng thầm với ruộng đồng, đường quê ngõ xóm.

Tên làng mình đầy trên bia Tổ quốc ghi công. Đường làng nơi xuất phát những ước mơ của trai gái quê thoát khỏi chân bùn tay lấm, muốn thoát ra khỏi lũy tre làng. Những cô Tấm, Thạch Sanh mang theo giọng quê và sự tần tảo làm công nhân xí nghiệp khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí bôn ba ở tận xứ người. Đường làng còn vang vọng tiếng khóc thút thít của đứa em khi chị theo chồng về làm dâu xứ lạ. Nơi mẹ thu vén cả gia tài vào ba lô, bà dấm dúi mấy đồng tiền lẻ dụm dành cho cháu ngày ra thị thành để học. Đường làng bỗng trở nên dằng dặc, hun hút ngày ta đau đớn tiễn cha về với đất. Sự tích kiếp người thành nấm cỏ lặng lẽ góc nghĩa địa làng. Đường làng còn rơi rớt đâu đây tiếng rao khó nhọc của người bán hàng rong. Tiếng rao đã khuất ngõ mất hút mà hình ảnh người bán mồ hôi đẫm áo, rướn người lên dốc đọng mãi niềm thương...

Con đường làng, con đường của rộn rã tiếng cười tuổi thơ, nơi lũ trẻ quê xưa bày bao trò nghịch ngợm. Con đường lồi lõm ổ gà, chi chít dấu chân người, chân trâu ấy là nơi ta đặt bước đi chập chững đầu tiên cho đến khi chân cứng đá mềm để bước xa hơn, đi dài hơn trên nẻo đường đời. Con đường mẹ dắt ta đến trường trong buổi sáng mùa Thu. Kỷ niệm không còn nhớ rõ trong kí ức những mỗi lần nghe câu thơ “Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay” (Đỗ Trung Quân) là rưng rưng xúc động. Con đường là nơi lũ bạn cùng tụ họp trong những buổi trưa hè. Mỗi đoạn đường in dấu một trò chơi: nào đánh trận giả, nào đánh đáo, đánh khăng, nào đá bóng, nhảy dây, đánh thẻ, chọi gụ, bắn bi... tất cả như đang tươi rói vẹn nguyên trong ký ức trẻ trâu hồi ấy. “Lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu” - đó là những buổi chăn trâu trên đồng, trời tối mịt trâu đã về chuồng mà người thì mê mải tát cá bắt cua khiến cha phải đi tìm. Con đường dệt mộng đêm trăng cho lũ trẻ tung tăng. Con đường tối om, rậm rịt đêm cuối tháng, đầy đom đóm, ma trơi và cả tiếng cú kêu khiến ta chẳng dám ra khỏi nhà, tưởng tượng những câu chuyện quỷ ma đầy ám ảnh. Con đường đầy bụi đỏ, ta chẳng ngại bẩn lăn lóc vật nhau. Con đường nhão choẹt ngày mưa vẫn hò hét tắm mưa rồi lấy đó, đăng bắt cá. Con đường quê đã nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ quê lớn lên hồn nhiên, tự nhiên và bình yên như thế.

Làng quê giờ cuộc sống đã khác hẳn. Những con đường đất đã được bê tông, nhựa hóa. Những lũy tre, hàng cây đã bị chặt đi, thay vào những bờ tường xây. Người sống ở quê còn hụt hẫng huống chi người xa quê lâu về. Lòng đường được rộng mở và ao ước lòng người cũng rộng mở để xây dựng và gìn giữ bản sắc của làng quê.

Bê tông bỏng rát, ta chẳng thể chân trần mà chạy nhảy trên khắp đường làng như xưa. Ta cũng không còn là đứa trẻ lon ton chạy ra đầu ngõ ngóng mẹ đi chợ về ở phía đường làng. Vậy nhưng có những giây phút thảnh thơi, được thả bộ trên đường làng, lòng lại thấy bình yên và yêu quê đến lạ. Ta nghĩ ngợi và mường tượng hình ảnh của mình cùng lũ bạn thuở ấy đang tung tăng chạy theo tiếng kèn bọp... bi... bọp của chú bán kem...

ĐINH HẠ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202309/nguoi-ve-bong-do-duong-que-3956070/