Người Vân Kiều bắt nhịp với 'Tiếng máy vùng biên'

Với việc từng bước cơ giới hóa trong sản xuất và đời sống hằng ngày, đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được giải phóng sức lao động, từ đó không ngừng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả công việc. Mô hình 'Tiếng máy vùng biên' của Đồn Biên phòng Làng Mô (BĐBP tỉnh Quảng Bình) đã góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng nơi biên giới.

Từ Dốc Mây thăm thẳm

Bản Dốc Mây chỉ cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 20km, nhưng để tới được bản phải mất 5 giờ đồng hồ lội suối, trèo đèo. Trước năm 2020, Dốc Mây vẫn ở tình trạng không đường, không điện lưới và không có sóng điện thoại nên không có bất cứ máy móc hiện đại nào hoạt động. Hình ảnh những người phụ nữ Vân Kiều chiều chiều giã gạo bên những chiếc cối đá đã khiến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô trăn trở. “Phải làm gì để giúp người phụ nữ bớt cơ cực, vất vả”. Và, chiếc máy xát đầu tiên đã được người lính Biên phòng “cõng” về Dốc Mây trong sự vui mừng khôn xiết của đồng bào Vân Kiều.

Từ ngày có máy xát của mô hình “Tiếng máy vùng biên”, đồng bào Vân Kiều ở Trường Sơn không còn phải giã gạo bằng tay.

Trẻ con thì cứ như ngày hội, cười đùa nhìn những hạt gạo trắng tinh tuôn ra từ máy xát. Tập quán của đồng bào Vân Kiều đó là người phụ nữ phải lo việc nhà, vì thế, cả ngày trên nương rẫy làm việc, về nhà lại phải lo giã gạo, nấu cơm khiến họ không còn thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Thế nên, nhờ có chiếc máy xay xát gạo lại có thể nghiền ngô, sắn do những người lính Biên phòng mang tới, phụ nữ trong bản Dốc Mây không còn mất quá nhiều thời gian cho những việc này.

Sau 3 tháng thử nghiệm đem lại hiệu quả tốt ở bản Dốc Mây, Cấp ủy, chỉ huy Biên phòng Làng Mô thống nhất sẽ tiếp tục kết nối, kêu gọi sự tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau và trích lương của mình để mua thêm máy xay, nghiền đa năng, máy tuốt lúa, máy cày, để tặng cho 11 bản trên địa bàn xã Trường Sơn. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc làm này, nhiều nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm chủ động được cùng đồng hành. Và, cái tên “Tiếng máy vùng biên” có từ đấy. Điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là những phương tiện cơ giới này không chỉ giúp cho bà con đỡ vất vả trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, mà còn là nguồn động lực lớn, khuyến khích cho bà con tích cực lao động, mở rộng sản xuất.

Năm 2021, Đồn Biên phòng Làng Mô trao tặng cho bản Chân Trôộng 1 chiếc máy cày, 1 máy tuốt lúa và 2 bộ lồng gặt từ mô hình “Tiếng máy vùng biên”. Nhờ vậy, lúa vừa gặt xong, người dân tuốt ngay tại ruộng, sau đó chở thóc về nhà phơi, những thứ còn lại sẽ được tận dùng làm phân cải tạo đất. Nếu như niềm vui của bà con ở bản Chân Trôộng là có máy tuốt lúa thì niềm vui của bà con ở bản Sắt là được Đồn Biên phòng Làng Mô tặng chiếc máy xay xát và nghiền ngô, khoai, sắn. Từ ngày có máy, bà con trong bản mừng lắm. Bản Sắt là bản có diện tích lúa nước lớn nhất ở xã Trường Sơn, được đầu tư hệ thống tưới tiêu và người dân trồng giống lúa năng sất cao. Bây giờ, đến bất cứ bản nào của xã Trường Sơn, người ta cũng thấy có ít nhất một loại máy cơ giới hóa để phục vụ lao động sản xuất.

Nhờ mô hình “Tiếng máy vùng biên”, phụ nữ Vân Kiều đã biết sử dụng máy cày.

Kiên trì đồng hành

Để tiết kiệm chi phí, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô còn chịu khó học hỏi, cải tiến máy móc để thuận lợi hơn cho việc sản xuất. “Chiếc máy gặt” bà con Vân Kiều ở Trường Sơn đang sử dụng được cải tiến từ chiếc máy cắt cỏ lắp thêm chiếc lồng gặt nên giá thành rẻ nhưng vẫn vô cùng hữu ích. Thực tế cho thấy, một chiếc máy mặt bình thường sẽ vừa to (chưa kể giá thành đắt) không thể áp dụng với những thửa ruộng nhỏ của đồng bào nơi đây. Đồn Biên phòng Làng Mô cũng chủ động mua loại máy xay xát dạng nhỏ, gọn, nhưng có nhiều công dụng và cũng rất thuận tiện trong việc vận hành khi chạy được cả bằng điện hay bằng xăng nên rất phù hợp với địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn về điện.

Nhờ mô hình “Tiếng máy vùng biên”, đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Sơn đã có thể tuốt lúa ngay tại ruộng.

Ông Hồ Vai, già làng bản Khe Cát phấn khởi cho biết: “Ngày trước người Vân Kiều phải tuốt từng bông rồi chuyển sang liềm. Mỗi khi đến mùa vụ là phải huy động toàn bộ nhân lực của gia đình dậy từ sáng sớm tinh mơ để làm cho kịp các công việc của ngày mùa. Những vụ lúa chín gặp thời tiết mưa bão thì vất vả lắm vì vừa phải gặt, vừa phải vận chuyển thật nhanh về nhà kẻo trời mưa xuống, nước các con suối dâng cao thì mọi công sức đều bằng không.Thế nhưng giờ đây, bà con có máy gặt rồi tuốt ngay tại ruộng. Nhờ có cán bộ Biên phòng, có các mạnh thường quân mà dân bản Khe Cát được biết đến các máy móc hiện đại và đã giúp bà con tiết kiệm được sức lao động”.

Hằng năm, thông qua Đồn Biên phòng Làng Mô, UBND xã Trường Sơn, đặc biệt là với sự kêu gọi, vận động của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn, có rất nhiều đoàn thiện nguyện đã tới ủng hộ, tặng quà cho nhân dân. Tuy nhiên, đồn Biên phòng, chính quyền địa phương chủ động đề nghị tặng cây, con giống, công cụ lao động sản xuất thay vì nhu yếu phẩm. “Chúng tôi không muốn tiếp nhận nhiều nhu yếu phẩm vì sẽ gây ra tâm lý ỷ lại, trông chờ. Việc tặng sinh kế cho bà con đã tạo ra không khí người dân háo hức, hăng say lao động, sẵn sàng tiếp nhận cây, con giống mới. Đàn gia súc (chủ yếu là dê, lợn), gia cầm (ngan, gà, vịt) ngày càng tăng. Sắp tới chúng tôi sẽ mua sắm thêm máy thái sắn, thái rau để hỗ trợ cho bà con”- Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô phấn khởi cho biết.

Thay vì tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Sơn đã chủ động, tích cực đầu tư cho sản xuất.

Thực tế thấy, những máy móc, phương tiện sản xuất do Đồn Biên phòng Làng Mô, nhà hảo tâm trao tặng đã tạo nên bước tiến mới, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất cho đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Sơn. Chủ động được khâu sản xuất chính là bước đi quan trọng để đồng bào tộc tộc thiểu số ở Trường Sơn ổn định và nâng cao đời sống, hơn cả là tạo thêm động lực để bà con tích cực trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống từ đó tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Theo Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô, thông qua mô hình “Tiếng máy vùng biên”, đơn vị đã phối hợp hỗ trợ 26 máy cày, xay xát, nghiền trị giá hơn 236 triệu đồng cho các thôn, bản, thông qua đó đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất, động viên bà con áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả, năng suất lao động. Riêng năm 2023, đơn vị đã trao tặng 4 máy cày, 1 máy nghiền, 1 máy tuốt, 3 máy cắt lúa, 65 bộ lồng gặt, 10 máy cắt chuối phục vụ chăn nuôi cho bà con các thôn bản. Bên cạnh đó, đơn vị cũng giúp người dân khắc phục hỏng hóc, qua đó giúp bà con sử dụng lâu bền. Sự đồng hành của các nhà hảo tâm, sự nỗ lực và ý thức vươn lên của người dân đã làm thay đổi vùng đất biên cương từng ngày.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/chinh-sach-phat-trien/nguoi-van-kieu-bat-nhip-voi-tieng-may-vung-bien-749372