Người truyền lửa hát Trống quân

Đến xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội, nhắc đến làn điệu hát giao duyên Trống quân, hẳn người làng, người xã sẽ chỉ ngay đến Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy. Là một trong số ít những người am tường loại hình nghệ thuật này, nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy tựa như một kho 'tư liệu sống' về Trống quân. Ở tuổi 85, nhưng bà vẫn minh mẫn và sẵn sàng trao truyền làn điệu dân ca đặc sắc cho những ai mong muốn được nghe, được học.

Hình thức hát giao duyên độc đáo

Mê đắm những di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội, tôi từng không ít lần cùng đồng nghiệp ngược lên Ba Vì tìm kiếm những điệu chiêng Mường cổ, cũng có khi ngẩn ngơ ở Đan Phượng chỉ để nghe đôi lời ca của Chèo tàu Tân Hội, những luyến láy đầy sức cuốn hút của Ca trù Thượng Mỗ.

Lần này cũng vậy, trong hành trình đi tìm lại những di sản văn hóa phi vật thể đang trên đà bị mai một, tôi tìm về thôn Đan Nhiễm - địa phương ít ở Hà Nội còn lưu giữ làn điệu Trống quân.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy trò chuyện về hát Trống quân. Ảnh: Đinh Luyện

Hỏi thăm Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy, dù được người dân nhiệt tình hướng dẫn nhưng phải qua không ít những quanh co tôi mới tìm được đến nhà bà. Ấy nhưng, thật chẳng may mắn khi chiếc cổng nhỏ đóng im lìm. Bà Vẫy đi vắng.

Thấy có khách ghé, người con trai bà tên Nguyễn Văn Ghiên, nhà ở ngay kế bên bảo, bà bận lên xóm trên để dự một đám vui của người làng. Anh Ghiên kể, mẹ anh tính độc lập nên dù con cái quần tụ xung quanh nhưng bà không chọn ở chung với bất kỳ ai. Những sinh hoạt thường nhật như nấu nướng, giặt giũ… bà vẫn tự làm. Ngay như chuyện con cái đòi lấy xe đưa bà đi xóm trên, xóm dưới để dự các đám trong làng bà cũng “không mượn”.

Bà thích đi bộ, cũng là để tranh thủ tập thể dục và giao lưu với người làng. Bà vẫn thường bảo với con cháu, còn khỏe là còn tự lo, không muốn con cái vì mình mà phiền lụy. Nghe chuyện bà Nguyễn Thị Vẫy như vậy, đâu đó ở bà vẫn còn những nét chân chất, độc lập của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ, phần khác tôi cũng thấy mừng. Mừng vì bà được “lộc” sức khỏe, và mừng hơn khi chỉ chốc lát nữa tôi sẽ được nghe bà hát, bà kể về Trống quân.

Trong câu chuyện sẻ chia sẻ lúc chờ đợi bà Vẫy, anh Ghiên bảo, hát Trống quân là nét độc đáo của mảnh đất này mà ít nơi có. Có lẽ điệu Trống quân ra đời là do vùng này nằm êm đềm ven bờ sông Nhuệ mà người xưa bật thốt ra. Cũng có khi điệu hát ra đời trong chính trong những đêm trăng thanh gió mát khi người già thì dùng để giải trí, người trẻ thì dùng để chọn nhân duyên. Khi tôi ngỏ lời bảo anh ca thử một điệu, Ghiên vội chối. Anh bảo hát Trống quân không dễ. Gần gũi nhưng khó.

Đang dở cuộc chuyện thì bà Vẫy về. Như để có nơi trút tiếng lòng mình, bà chìa tấm căn cước công dân còn mới cứng ra bảo với tôi, người ta làm “nhầm” năm sinh khiến bà “non” mất 2 tuổi chứ tuổi thực thì nhiều hơn. Bộn bề quanh những câu chuyện cuộc sống chỉ gác lại khi tôi đề cập đến hát Trống quân. Nói đến điệu hát, người nghệ nhân già như có sự thay khác rõ nét. Bà Vẫy ngâm nga: “Thuyền ai (rằng) đi ngược về xuôi/Có về (thời) Đan Nhiễm với tôi thì về/Đan Nhiễm có bóng cây tre/Có sông (thời) tắm mát, có nghề chẻ nan…”

Lời ca, điệu hát như đưa nghệ nhân hát Trống quân Nguyễn Thị Vẫy trở về ký ức của cái thời cách đây hơn 60 năm, thời điểm bà còn xuân trẻ. Thời đó, hát Trống quân rộn ràng khắp thôn làng. Cứ vào dịp sáng trăng, nam thanh nữ tú trong làng Đan Nhiễm lại rủ nhau ra bờ sông Nhuệ cùng đối nhau câu hát giao duyên. Có những khi các đội hát say mê đến tận gần sáng mới trở về nhà, bị cha mẹ mắng, nhưng hôm sau vẫn không ai bỏ điểm hẹn.

Phục dựng và trao truyền

Theo chia sẻ của người nghệ nhân già, hát Trống quân là nghi thức văn hóa không thể thiếu ở Đan Nhiễm vào các dịp hội, các cuộc tiễn bộ đội lên đường… Nhạc điệu của hát Trống quân có điểm đặc biệt ở chỗ, có thể lên bổng xuống trầm tùy hứng và đầy sáng tạo. Câu hát, điệu đối thơ hay những dụng cụ gọi là thanh nhạc của hát Trống quân cũng rất đỗi dân dã. Chỉ đơn thuần là chiếc trống bằng đất, dây mây già kết hợp với nhau là có thể tạo ra dụng cụ tạo âm thanh trầm bổng… Sự dí dỏm, giản dị và gần gũi của Trống quân giúp đưa người nghe thảnh thơi về với lũy tre, giếng nước, với hò hẹn yêu đương…

Khi nghe tôi hỏi hát Trống quân khó không, bà Vẫy bảo chẳng hề khó. Bà kể, bản thân “nghiện” hát Trống quân từ nhỏ. Bà “học mót” cách nhả điệu, nhả từ ngay bên những sọt tre, hom cá mẹ đan. Nghe mẹ hát và dần thuộc làu. Cứ thế, điệu hát Trống quân ngấm vào bà lúc nào chẳng hay. Chẳng thế mà, bà có thể ca khi sáng dậy, khi tối về và hát cả trong lúc làm các công việc đồng áng. Đến tuổi thiếu nữ, bà cũng thường trốn nhà để ra bờ sông cùng các tốp nam nữ trong làng hát đối đáp.

Lúc thiếu nữ, bà Vẫy cũng là cây văn nghệ nức tiếng khi đi hát Trống quân trên đài truyền thanh xã. Bà và những người bạn của mình thường xuyên tham gia biểu diễn ở đình hay trong các dịp hội của làng. Giọng hát của bà chinh phục được nhiều người trong làng, ngoài xã. Giờ đã có tuổi song bà Vẫy bảo, bản thân bà yêu hát Trống quân và không thể bỏ được. Khi chứng kiến điệu hát dần ít được người ta biết đến, bà Vẫy đã động viên con cháu tham gia Câu lạc bộ hát Trống quân của xã Khánh Hà.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy là 1 trong 5 nghệ nhân đầu tiên của Câu lạc bộ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Không chỉ tích cực tham gia hoạt động của Câu lạc bộ, bà còn dành thời gian, tâm huyết để truyền dạy nghệ thuật hát Trống quân cho thế hệ trẻ.

Với điệu hát Trống quân, rất khó để xác định rõ “mốc” thời gian ra đời. Tuy nhiên, điều chắc chắn là hát Trống quân ở Bắc Bộ nói chung có nguồn gốc gắn liền với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc và gắn với cuộc sống dung dị đời thường. Minh chứng dễ thấy là, hát Trống quân thường có nội dung đề cập đến các sự kiện lịch sử, địa danh làng xã, tục cưới hỏi, sản vật quê hương…

Nói cách khác, có thể coi nội dung các câu hát là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã, có tính giáo dục cao trong cách thức ứng xử, ca ngợi cái đẹp, phê phán cái xấu. Theo lời bà Vẫy, điều đẹp đẽ mà hát Trống quân mang lại là sự thoải mái trong tâm hồn khi góp phần giải tỏa những lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống, sản xuất của cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung.

Nhìn Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy say sưa trong điệu Trống quân, tôi chợt nghĩ, hẳn chẳng ai đi đong đếm công sức bỏ ra cho những điều tâm huyết. Bởi vậy mới có những người chẳng hề toan tính mà tích cực ươm mầm và truyền lửa cho loại hình dân gian độc đáo Trống quân. Ngồi bên bà Vẫy trong căn phòng đơn sơ, chứng kiến bà cất giọng say sưa, tôi có thể cảm nhận nhiều hơn nữa niềm hạnh phúc lan tỏa từ những người truyền lửa đáng quý...

Trước khi ra về, bà Vẫy vẫn nắm chặt tay tôi bảo, dù tuổi đã cao, không thể đi truyền dạy hát Trống quân như trước nhưng những ai yêu thích, muốn học hát Trống quân tìm đến nhà, bà luôn sẵn sàng truyền dạy.

Đ.Luyện - P.Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-truyen-lua-hat-trong-quan-147617.html