'Người trong cuộc' nêu nghịch lý tuyển sinh ngành Công nghệ chế biến lâm sản

Trường ĐH Nông lâm, Đại học Thái Nguyên đã chính thức tạm dừng tuyển ngành Công nghệ chế biến lâm sản trong năm học 2023 - 2024.

Sau ghi nhận về khó khăn trong tuyển sinh ngành Công nghệ chế biến lâm sản tại Trường Đại học Lâm nghiệp, tìm hiểu tiếp tại một số trường đại học khác trong nước có đào tạo ngành này, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Đáng chú ý, dù số lượng các trường đại học có đào tạo ngành Công nghệ chế biến lâm sản trong nước không nhiều, tuy nhiên số lượng sinh viên viên lựa chọn theo học vẫn rất thấp, điều này khiến một số trường đứng trước nguy cơ phải đóng ngành. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên đã chính thức tạm dừng tuyển ngành học này trong năm học 2023 - 2024.

Lãnh đạo Khoa Lâm nghiệp lo lắng về tương lai ngành Công nghệ chế biến lâm sản

Chia sẻ thêm về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tiến - Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Theo chuẩn mới về đội ngũ giảng viên cơ hữu để đảm bảo điều kiện duy trì hoạt động ngành trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện chúng tôi đang không đáp ứng được.

Nếu tuyển dụng thêm giảng viên đáp ứng các điều kiện để ngành hoạt động thì chúng tôi vẫn có thể làm được. Tuy nhiên, trong tình cảnh ngành không có người học, tuyển sinh mãi không có sinh viên thì chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để hoạt động và kinh phí chi trả cho giảng viên nên không dám tuyển dụng thêm. Vì thế, hiện giờ chúng tôi đành phải chấp nhận tạm dừng tuyển sinh dù mình cũng rất tâm huyết".

Lãnh đạo Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái nguyên lo ngại, nếu việc tuyển sinh với ngành Công nghệ chế biến lâm sản không khả quan, trong tương lai có nguy cơ phải đóng ngành. Ảnh minh họa: fanpage Khoa Lâm nghiệp

Qua đó, vị này cũng bày tỏ tiếc nuối vì lực lượng giảng viên chủ trì ngành hiện có của trường đều có chất lượng cao. Một phần trong số giảng viên đó được đào tạo bài bản từ nước ngoài về. Điều kiện cơ sở vật chất cũng được nhà trường đầu tư, nâng cấp để thu hút sinh viên.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực, quyết tâm đó không tránh khỏi ảnh hưởng của "guồng quay" của xu thế phát triển và nhận thức xã hội về ngành nghề trong bối cảnh hiện nay.

"Trong việc này, chúng tôi hy vọng quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đội ngũ giảng viên cơ hữu sẽ được xem xét theo hướng hài hòa và tạo điều kiện để có thể duy trì ngành. Với những ngành đang gặp khó trong tuyển sinh nếu không được hỗ trợ và có cơ chế đặc thù thì "nút thắt" này không biết bao giờ mới được tháo gỡ.

Nói rộng hơn, nếu tình hình tuyển sinh không được cải thiện và cơ chế không thông thoáng, trong tương lai ngành Công nghệ chế biến lâm sản của những trường đại học hiện đang đào tạo như chúng tôi rồi sẽ có nguy cơ đóng lại", lãnh đạo Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên bày tỏ.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tiến nhận định rằng, nguyên nhân của tình trạng tuyển sinh ngành Công nghệ chế biến lâm sản "ế ẩm" như hiện tại có thể do nhận thức của nhiều người chưa đúng về ngành học. Nếu không có sự thay đổi trong tư duy của người học thì không chỉ Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên mới phải tạm dừng tuyển sinh mà trong tương lai sẽ có nhiều cơ sở rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Thống kê về số lượng sinh viên nhập học của ngành Công nghệ chế biến lâm sản của Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cho thấy năm 2022 không có sinh viên nhập học, năm trước đó không có số liệu thống kê. Ảnh chụp Đề án tuyển sinh năm 2023 của Đại học Thái Nguyên

"Với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực nội thất như hiện nay, việc sinh viên học ngành Công nghệ chế biến lâm sản ra trường có thể tìm được vị trí công việc tốt với mức lương cao là điều không khó.

Không những thế, với mối quan hệ với các doanh nghiệp ngành gỗ của nhà trường lâu nay, kể cả sinh viên đó không tự kiếm được việc thì chúng tôi cũng có thể tự tin để giới thiệu cho các em vào làm tại những doanh nghiệp tầm cỡ. Tóm lại là sinh viên không phải lo lắng chuyện thất nghiệp sau khi ra trường.

Ngoài ra, qua khảo sát chúng tôi cũng ghi nhận mức thu nhập thực tế của sinh viên học ngành này sau khi ra trường, và nó là khá cao đối với sinh viên mới ra trường và đi làm công việc văn phòng. Mức lương khởi điểm của các sinh viên mới ra trường cũng từ mức 8 triệu đồng, sau một thời gian mức lương của các em có thể lên tới 15 đến 20 triệu đồng là mức bình thường.

Thậm chí, với một số bạn có ý chí phấn đấu hoàn toàn có nhiều cơ hội để làm ở các vị trí quản lý, chức vụ cao hơn trong các doanh nghiệp đó.

Vừa rồi có lứa sinh viên khóa 52, trường tôi chỉ có 3 sinh viên theo học nhưng trong thời gian còn đi học các em đã được một doanh nghiệp chế biến lâm sản lớn trong vùng cho đi thực tập và trả lương. Sau khi ra trường, toàn bộ các sinh viên đó đều được tuyển dụng hết mà không phải thông qua khâu sàng lọc nào cả.

Chưa kể, nếu bạn nào nhạy bén, với kiến thức được tích lũy và thêm ít kinh nghiệm thực tế, sau một vài năm ra trường em đó hoàn toàn có thể trở thành chủ doanh nghiệp đồ gỗ hoặc đứng thầu mảng nội thất.

Tuy vậy, dù đã nêu ra hết các điểm mạnh của ngành đào tạo này nhưng thực tế qua mấy mùa tuyển sinh gần đây thực trạng này vẫn không có nhiều thay đổi", Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh.

Người lao động, chủ doanh nghiệp thấy khó hiểu vì ngành Công nghệ chế biến lâm sản "ế ẩm" trong tuyển sinh

Về vấn đề này, anh Hồ Thanh Thường, là cựu sinh viên Ngành Công nghệ chế biến lâm sản của Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cũng đã có một số chia sẻ. Được biết, hiện anh Thường đang làm việc cho một doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Bắc Kạn.

Anh Thường cho biết, anh tốt nghiệp và ra trường từ năm 2010, thời điểm đó anh đã hưởng mức lương gần 8 triệu đồng/ tháng. Hiện tại anh đang làm quản lý của một phân xưởng trong công ty với mức lương gần 20 triệu đồng.

"Năm cuối cùng ngồi trên giảng đường, lứa sinh viên chúng tôi thời điểm đó đã được nhà trường tổ chức để gặp gỡ, tư vấn hướng nghiệp và tiếp xúc với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến lâm sản. Vì thế, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, hầu hết các sinh viên đã được các doanh nghiệp đến trường tư vấn trước đó nhận về làm.

Thời điểm đó, nếu so sánh với một số ngành học khác, khi sinh viên phải chật vật kiếm việc làm sau khi ra trường thì chúng tôi rất "hãnh diện" vì ngành học mình lựa chọn luôn có cánh cửa việc làm rộng thênh thang", anh Thường chia sẻ.

Qua đó, anh Thường cũng bày tỏ rằng, không hiểu vì sao ngày càng ít sinh viên theo học ngành Công nghệ chế biến lâm sản, bởi hiện tại vị trí công việc và mức lương đối với sinh viên tốt nghiệp ngành này cũng đang khá cạnh tranh.

Anh cho rằng, việc tạm dừng tuyển sinh đối với ngành Công nghệ chế biến lâm sản tại một số trường đại học do quá ít sinh viên theo học là một câu chuyện đáng buồn. Đồng thời nó dự báo sự khốc liệt và mất cân đối trong thị trường lao động.

"Nếu nhận thức chung và định hướng nghề nghiệp không đúng đắn thì khả năng việc đào thải lao động trong tương lai là rất lớn. Bởi có ngành "đuổi" không hết người nhưng sẽ có ngành thiếu trầm trọng nguồn nhân lực", anh Thường nói thêm.

Cùng chung thắc mắc, anh Nguyễn Ngọc Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và nội thất Thịnh Hưng cho biết, việc tuyển lao động tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ chế biến lâm sản vào làm việc cho doanh nghiệp của anh trong những năm gần đây không hề dễ dàng. Chính anh cũng đang không hiểu vì sao nguồn nhân lực tốt nghiệp ngành đào tạo này lại "khan hiếm" như vậy.

"Trong các hạng mục công ty chúng tôi hiện đang thực hiện, có một số hạng mục đòi hỏi phải có lao động am hiểu kỹ thuật và được đào tạo đúng ngành Công nghệ chế biến lâm sản.

Mức lương chúng tôi đang trả cho người lao động khởi điểm từ 8 triệu đồng/ tháng và có thể tăng lên 10 đến 12 triệu sau 2 tháng thử việc nếu lao động đó có tiến bộ trong công việc. Tuy nhiên, để tuyển được nhân lực đúng ngành học cũng không hề đơn giản", vị giám đốc bày tỏ.

Mức lương của lao động có trình độ đại học ngành Công nghệ chế biến lâm sản đang được các doanh nghiệp trả ở mức 8 triệu đồng và có thể tăng lên sau 2 đến 3 tháng thử việc nhưng việc tuyển dụng vẫn rất khó khăn. Ảnh minh họa: Công ty TNHH Quảng cáo và nội thất Thịnh Hưng cung cấp

Bên cạnh đó, anh Hưng cũng cho biết, việc tuyển dụng thông qua các đợt tư vấn tuyển dụng tại các trường cũng đã có nhiều thay đổi. Trước đây, đội ngũ tuyển dụng của công ty chỉ thực hiện một lần vào đợt cuối năm học nhưng nay phải "xin" nhà trường để lồng ghép và thực hiện thành 2 đến 3 đợt trong năm mới mong tuyển dụng đủ nhân sự cho định hướng phát triển của doanh nghiệp.

"Bên cạnh đó chúng tôi còn phải nhờ nhà trường kết nối để đưa sinh viên năm 2, năm 3 về công ty thực tập và có trả lương. Thậm chí, với sinh viên sáng giá chúng tôi còn ký riêng với em đó về cam kết trả lương sau khi ra trường với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng.

Thông qua các đợt tư vấn tuyển sinh chúng tôi cũng nhận thấy số lượng sinh viên theo học ngành Công nghệ chế biến lâm sản tại các trường đang giảm sút trông thấy. Những doanh nghiệp như chúng tôi rất mong các trường đại học có phương án thu hút sinh viên theo học để có thể sớm giải quyết bài toán thiếu nhân lực ngành Công nghệ chế biến lâm sản như hiện nay", anh Hưng chia sẻ.

Thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng sau khi tốt nghiệp tại Đề án tuyển sinh năm 2023 của một số trường đại học có đào tạo ngành Công nghệ chế biến thực phẩm như sau:

Trường Đại học Lâm nghiệp có tỷ lệ 100%; Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ 96,5%; Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên có tỷ lệ 75%.v.v.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế và Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng có đào tạo ngành Công nghệ chế biến lâm sản, tuy nhiên trong Đề án tuyển sinh năm 2023 không có số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng sinh viên tốt nghiệp.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguoi-trong-cuoc-neu-nghich-ly-tuyen-sinh-nganh-cong-nghe-che-bien-lam-san-post241404.gd