Người trẻ và nỗi lo thất nghiệp khi mới ra trường

Việc tốt nghiệp đại học đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi sinh viên. Trước đây học đại học luôn là mục tiêu của các học sinh với những công việc mơ ước trong tương lai. Tuy nhiên sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với một thách thức lớn - thất nghiệp.

Cầm tấm bằng trong tay, nhưng có tìm được việc hay không vẫn là câu hỏi lớn của những người trẻ đang chật vật khi vừa ra trường hiện nay.

Nguyễn Đức Anh (SN 2001) đã tốt nghiệp hơn 1 năm với chuyên ngành Quản trị kinh doanh - Đại học Thương mại, vẫn đang chật vật đi tìm công việc theo đúng với ngành nghề mong muốn.

Đức Anh chia sẻ: “Mỗi ngày mình đều rải CV (hồ sơ) ở khắp các công ty khác nhau và chờ đợi kết quả. Nhưng tỷ lệ được gọi đi phỏng vấn rất thấp hoặc mình không qua được vòng phỏng vấn vì thiếu kinh nghiệm”. Bạn cũng cho biết hiện tại đang làm việc tại một cửa hàng quần áo để trang trải, tiếp tục tìm kiếm việc làm phù hợp.

Thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Lê Thị Phương Chi - cử nhân ngành Quản trị khách sạn đang đối mặt với áp lực tâm lý nặng nề. Cô gái trẻ lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng mỗi khi gia đình, bạn bè hỏi về việc làm, dẫn đến việc Chi mất ăn mất ngủ, ngày ngày lùng sục tất cả các nguồn tin tuyển dụng để tìm việc.

Nỗi lo tìm kiếm việc làm“đến hẹn lại lên” của mỗi lứa sinh viên khi chuẩn bị ra trường.

Bên cạnh những những sinh viên còn đang chật vật tìm những công việc theo đúng đam mê, một số khác lại chấp nhận “nhảy nghề” công việc chẳng liên quan gì tới ngành nghề được đào tạo.

Theo kết quả nghiên cứu được nhóm nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21,43%. Nếu tính riêng theo từng ngành nghề, tỷ lệ làm trái ngành tại một số lĩnh vực thực tế còn ở mức cao hơn.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính, bạn Nguyễn Hoài Thu hiện đang làm công việc bán hàng online. Hoài Thu cho biết việc làm này thời gian không gò bó, thu nhập khá ổn định, chỉ việc lên live trực tiếp tư vấn và chốt đơn cho khách hàng. “Mỗi ngày mình live 4-5 tiếng, 1 tháng cũng kiếm được khoảng 15 triệu, vì thế mình đã chọn gắn bó với công việc”.

Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp chọn làm xe ôm công nghệ, bởi tài xế công nghệ có thể kiếm được khoản thu nhập khá cao tuy rất vất vả. Trong khi lương mới ra trường tại các cơ quan nhà nước, tính theo hệ số 2,34 khoảng 3,4 đến 4,2 triệu đồng/tháng. Sự chênh lệch đáng kể về thu nhập đã khiến một bộ phận người trẻ không còn hào hứng nộp đơn ứng tuyển đúng ngành học mà chọn con đường chạy xe ôm công nghệ.

Nhiều sinh viên chấp nhận làm các công việc trái ngành vì nhiều lý do, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là do thất nghiệp, không thể tìm được một công việc đúng chuyên ngành đã học. Vậy đâu là cách để giúp các bạn sinh viên có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những công việc trong tương lai.

Các bạn trẻ đến ngày hội kết nối việc làm. Ảnh: Sưu tầm.

Nói về vấn đề việc làm cho các tân cử nhân, PGS. TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đưa ra lời khuyên: “Mỗi sinh viên cần tự hướng nghiệp cho chính mình bằng nỗ lực cá nhân nếu có thể. Các em phải tự tìm hiểu, học hỏi, trao đổi, thì mới tìm được mình muốn gì? Đặc biệt, cần thấu hiểu được giá trị cốt lõi của bản thân từ tính cách, sở thích, kỹ năng tích lũy... Ví dụ như em chọn nghề đó vì nhiều tiền, vì an nhàn, hay vì giúp đỡ được mọi người... để chúng ta lựa chọn công việc cho phù hợp”.

TS. Nguyễn Quang Liệu cũng nhấn mạnh vai trò của công tác hướng nghiệp, những đơn vị uy tín, hỗ trợ hướng nghiệp hiệu quả sẽ giúp đỡ được phần nào các sinh viên trong việc đi tìm con đường thành công của mình.

Tại báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết đã tổng hợp số liệu từ 181 trường đại học và 40 trường cao đẳng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên đại học có việc làm so với tổng sinh viên tốt nghiệp năm 2018 đạt khoảng 65,5%. Phần lớn sinh viên đại học sau tốt nghiệp được tuyển sinh làm nhà chuyên môn, còn sinh viên cao đẳng chủ yếu làm việc với tư cách kỹ thuật viên.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trung cấp chỉ 1,1 và người chưa từng đi học 1,5%. "Nguyên nhân một phần do những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao hơn nên mất nhiều thời gian để tìm việc phù hợp với ngành học", nhóm nghiên cứu nhận định. Dù vậy, nhìn chung thị trường lao động vẫn thiếu sinh viên nhóm chất lượng cao ở mọi cấp học.

Quỳnh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-tre-va-noi-lo-that-nghiep-khi-moi-ra-truong-10278825.html