Người trẻ TP.HCM và 4 cái Tết không muốn nhớ lại

Đây là năm đầu tiên Quốc Thịnh (26 tuổi) đón cái Tết thất nghiệp dài hạn. Còn với Kim Hà (27 tuổi), Tết trở nên vô nghĩa kể từ khi mẹ cô qua đời vì bệnh ung thư.

Đây là năm đầu tiên Quốc Thịnh (26 tuổi) đón cái Tết thất nghiệp dài hạn. Còn với Kim Hà (27 tuổi), Tết trở nên vô nghĩa kể từ khi mẹ cô qua đời vì bệnh ung thư.

_____

Tết Nguyên Đán đặc biệt quan trọng trong văn hóa Á Đông. Đây là dịp mọi người trở về nhà, quây quần bên mâm cơm gia đình và cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới. Bầu không khí của dịp lễ truyền thống này thường tưng bừng, rộn ràng và tràn đầy niềm vui.

Thế nhưng, đối với một số người, có những cái Tết họ không bao giờ muốn nhớ đến. Tri thức - ZNews đã có cơ hội trò chuyện cùng 4 bạn trẻ và lắng nghe về dịp Tết đáng quên của họ.

Tôi bị sa thải vào tháng 9/2023. Gần 4 tháng trôi qua, đến nay tôi vẫn chưa tìm được việc làm. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố buộc tôi phải trả phòng trọ và về quê nhờ sự giúp đỡ của gia đình.

Thành thật, tôi rất thất vọng về bản thân khi phải trở về nhà với hai bàn tay trắng. Thu nhập những năm trước của tôi không quá cao, nhưng ít nhất Tết đến cũng có chút tiền biếu bố mẹ, lì xì em gái và mua sắm chậu mai, cành đào cho gia đình.

Tết năm nay, tôi thật sự không dám nghĩ đến.

Những ngày qua, tôi ở nhà vừa giúp bố mẹ trông nom vườn tược, vừa tìm việc làm. Tuy nhiên, tôi chưa tìm được công việc nào phù hợp.

Phụ huynh hiểu tình hình khó khăn chung, không một lời trách móc. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng khi sống trong chính gia đình của mình.

Chưa kể, chỉ mấy ngày nữa thôi, tôi sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về công việc, mức lương và cả chuyện tình yêu từ những người họ hàng.

Dù vậy, tôi tin rằng tình hình sẽ khả quan hơn trong năm mới. Ra Tết, tôi sẽ tiếp tục "rải" CV, nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho bản thân.

Tết Nguyên đán dường như đã mất ý nghĩa với tôi kể từ khi mẹ qua đời vào năm 2019.

Mẹ tôi mắc bệnh ung thư đã lâu. Dù gia đình tìm cách chạy chữa và cầu nguyện rất nhiều, tình trạng bệnh của mẹ không có dấu hiệu được cải thiện. Bác sĩ cho biết cơ thể mẹ không thể chống chọi với những đợt vào thuốc, xạ trị.

Tháng Chạp năm đó, gia đình tôi đưa mẹ về nhà. Chỉ 10 ngày sau, mẹ tôi ra đi. Không còn cách nào khác, tôi và bố chỉ biết động viên lẫn nhau, vực dậy tinh thần từng ngày. Lo liệu hậu sự xong xuôi, hai bố con thu vén cái Tết đầu vắng mẹ.

Đến nay, đã 6 cái giỗ của mẹ trôi qua, tôi cũng quen với việc tự tay chuẩn bị Tết cho gia đình.

Năm nay, tôi vẫn sẽ nấu những món đơn giản mà bố thích như thịt kho trứng, canh khổ qua, dưa món, củ kiệu… rồi cùng bố xem Táo Quân, đón năm mới. Tôi tin rằng mẹ đang dõi theo và phù hộ hai bố con từ trên cao.

Tết Nguyên đán 2022 có lẽ là cái Tết vừa đáng nhớ, vừa đáng quên nhất bởi tôi "được" ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tận 21 ngày.

Năm đó, khi thấy tình hình dịch bệnh có xu hướng thuyên giảm, gia đình tôi quyết định đi du lịch vào mùng 6 Tết.

Rất lâu rồi cả nhà mới du lịch cùng nhau, nên ai nấy đều hào hứng. Tuy nhiên, em gái tôi có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi hạ cánh tại sân bay Phú Quốc.

Chúng tôi buộc phải đi cách ly theo em tại một khu resort dành riêng cho bệnh nhân Covid-19. Chi phí mỗi ngày của gia đình 4 người rất cao, trong khi các nhu cầu thiết yếu không được đáp ứng đầy đủ.

Sau 7 ngày, em tôi khỏi bệnh, nhưng lại tới lượt bố mẹ và tôi. Tết năm đó, tôi đã ở Phú Quốc tổng cộng 21 ngày nhưng chưa lần nào được thấy biển. Năm tới, tôi dự định sẽ trở lại đây để tận hưởng trọn vẹn hòn đảo ngọc.

Cái Tết xa nhà đầu tiên vào năm 2023 khiến tôi rơi vào trạng thái hoang mang và lo lắng chưa từng thấy.

Tháng 9/2022, tôi hoàn tất hồ sơ và thủ tục để đến Australia du học thạc sĩ. Bởi Tết Nguyên đán cách đó chỉ 4 tháng, tôi trao đổi với gia đình về quyết định không về Việt Nam dịp lễ nhằm tiết kiệm chi phí đi lại.

Bố mẹ động viên tôi, nói rằng tầm đó, cả nhà sẽ gửi sang ít bánh mứt cho có hương vị quê nhà. Tôi cũng tự tin rằng mình sẽ ổn, dự định sẽ dành thời gian thăm thú xứ chuột túi.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như tôi vẫn nghĩ.

Vì giao tiếp tiếng Anh còn hạn chế, chưa kịp làm quen bạn bè mới, cả ngày tôi chỉ đi học rồi về nhà, dành phần lớn thời gian lủi thủi trong phòng.

Càng gần Tết, nỗi nhớ nhà càng trào dâng. Tôi không đăng ký đón Tết cùng hội du học sinh Việt, chỉ nằm trong phòng khóc suốt mấy ngày liền. Tôi nhớ bố mẹ nhiều nhưng không dám nói, sợ gia đình lo lắng.

Đó cũng là lúc tôi nghi ngờ quyết định đi du học của mình, lo lắng bản thân không thể chịu nổi sự cô đơn này. Quãng thời gian này giúp tôi nhận ra không có Tết nào vui và ý nghĩa bằng cái Tết được ở cạnh gia đình.

Thế rồi, dần dần mọi thứ cũng suôn sẻ hơn. Tôi đã thích nghi được với cuộc sống một mình ở Australia.

Năm nay, tôi vẫn đón Tết xa nhà, bởi chỉ còn khoảng 8 tháng nữa thôi, tôi sẽ hoàn thành chương trình học, lấy bằng thạc sĩ và trở về Việt Nam. Tôi và một người bạn quyết định đi du lịch vòng quanh Australia trước khi cả hai trở về nước.

Mỹ Trinh

Đồ họa: Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-tre-tphcm-va-4-cai-tet-khong-muon-nho-lai-post1457123.html