Người trẻ Hải Dương hướng về nguồn cội

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, nhiều người trẻ ở Hải Dương hướng về nguồn cội bằng những cách mới mẻ và đầy ý nghĩa.

Các runners Hải Dương đầy hào hứng, khí thế trên hành trình về miền Đất Tổ (ảnh do nhân vật cung cấp)

Về miền Đất Tổ

Không phải về miền Đất Tổ để tham quan, du lịch thông thường, năm nay, một số người trẻ ở Hải Dương chọn tham gia giải chạy "Đền Hùng Spirituality Marathon 2024" có chủ đề "Về nguồn" lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Câu lạc bộ Hải Dương Runners có 80 thành viên tham gia hành trình về nguồn này, chủ yếu là người trẻ.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) là trưởng đoàn. Nhìn lại chuyến đi, chị Phượng chia sẻ đây không chỉ là một giải chạy mà còn là hành trình về nguồn, về với mảnh Đất Tổ linh thiêng.

"Lúc phát động, mọi người hưởng ứng rất nhiệt tình vì tình yêu, niềm cảm hứng trên từng bước chạy và đặc biệt vì ý nghĩa về nguồn của giải chạy này", chị Phượng cho biết.

4 thành viên Câu lạc bộ Hải Dương Runners nắm tay nhau trên đường đua "Về nguồn" ở tỉnh Phú Thọ (ảnh do nhân vật cung cấp)

Cung đường giải chạy Đền Hùng Spirituality Marathon 2024 càng ý nghĩa khi đi qua nhiều công trình, di tích, điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Việt Trì như hồ Mai An Tiêm, công viên Văn Lang... Sải bước trên cung đường này, nhiều vận động viên đến từ Hải Dương được hòa mình vào trải nghiệm về nguồn độc đáo và thiên nhiên, cuộc sống bình dị của người dân Đất Tổ. Thí sinh trẻ nhất đoàn mới 14 tuổi, người lớn nhất đã 60 tuổi nhưng ai cũng chung một tinh thần hào hứng trên hành trình về nguồn.

Dịp này, một số người trẻ ở Hải Dương cũng đến Phú Thọ tham quan, tìm hiểu những di tích và giá trị lịch sử văn hóa ở miền Đất Tổ Vua Hùng.

Làm bánh giầy để nhớ ngày Giỗ Tổ

Học sinh Trường Mầm non thị trấn Nam Sách (Hải Dương) trải nghiệm các công đoạn làm bánh giầy

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, một số trường học ở Hải Dương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho trẻ trải nghiệm, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa truyền thống.

Trường Mầm non thị trấn Nam Sách đã có một gian trưng bày mô hình cối xay gạo, cối giã bánh giầy và trưng bày cả các loại gạo cho học sinh trải nghiệm. Đến với gian trưng bày nhỏ này, nhiều học sinh say sưa tìm hiểu và được các cô giáo giảng giải về ý thức trân quý từng hạt gạo trắng ngần. Các em được học rằng hạt gạo có được là do qua bao công lao gieo cấy, xay, giã, dần, sàng. Rằng ngày xửa ngày xưa, ở thời Vua Hùng hạt gạo được quý trọng thế nào mới được Lang Liêu dùng làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên tế lễ.

Trẻ em được giáo dục ý thức nâng niu, trân quý từng hạt gạo

Có trường học tổ chức cho học sinh thi kể chuyện, biểu diễn văn nghệ, đóng các vở kịch có tích chuyện liên quan đến dịp Giỗ Tổ, sự tích về bọc trăm trứng, các đời Vua Hùng...

Gần ngày Giỗ Tổ, nhiều người trẻ ở Hải Dương cũng có các cách khác nhau để tưởng nhớ về nguồn cội. Chị Nguyễn Lan Thương, sinh năm 2000 ở phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) chọn mua bánh giầy 4 vị để cúng gia tiên. "Một hộp bánh giầy giá chỉ 50.000 đồng với đủ các vị chứ không chỉ đơn điệu nên cả nhà đều thích. Trong đó, không thể thiếu vị trắng trong nguyên bản của món ăn truyền thống này. Chẳng cần đi đâu xa mà mọi người trong nhà đều cảm nhận được hương vị ngày Giỗ Tổ để cùng nhớ về nguồn cội", chị Thương chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ làm ăn, sinh sống xa quê hương thì lên kế hoạch dành trọn ngày nghỉ lễ để về bên gia đình, cùng ăn bữa cơm ấm cúng.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-tre-hai-duong-huong-ve-nguon-coi-378556.html