Người trẻ đang yêu thơ theo một cách khác

Trong thế giới truyền thông đa phương tiện phát triển, một người có nhiều phương thức để tìm đến và thể hiện tình yêu với thơ.

Sách Sự đã rồi anh ngồi anh hát.

Xuất bản phát triển khiến việc ra đời các tập thơ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng chất lượng của các tập thơ không cao. Khi đến các nhà sách, những tập thơ thường nằm ở trong các góc khuất, khó bán hơn các đầu sách khác. Nhiều người cho rằng thơ đang mất dần vị thế. Song đứng từ vị thế của người cầm bút, các nhà thơ trẻ có nhiều góc nhìn khác biệt.

Thành công của thơ không đo đếm bằng các đỉnh cao

Nếu quan sát trên mạng xã hội, có thể thấy các nhóm thơ hoạt động rất sôi nổi. Họ hoạt động theo hình thức nhóm kín, fanpage công khai. Trong một số đoạn tin nhắn hàng ngày, thơ vẫn được sử dụng như một phương thức thể hiện mang tính cởi mở, ngẫu hứng và tự do. Hay đối với các bạn trẻ, mỗi khi đăng ảnh có thể bị “bí” mô tả, họ cũng sẽ lấy một dòng thơ nào đó thể ghi vào. Tình cảm dành cho thơ là sự gắn bó hàng ngày mang tính tự thân.

Nhà thơ Lữ Mai và tác phẩm trường ca Ngang qua bình minh. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Theo nhà thơ Lữ Mai (Thành viên hội nhà văn Việt Nam), thế hệ nhà thơ đương đại cũng có những góc nhìn mới hướng về đời sống dân tộc ít người. Những cái tên đó có thể kể đến là Nguyễn Thị Hương Ly, làm về đời sống người Tày ở Bắc Kạn, Nguyễn Như làm về người dân tộc Thái, Lý Hữu Lương làm về chiến tranh, cách mạng. Bên cạnh đó, Nguyễn Phong Việt với những trang thơ dành cho tuổi mới lớn cũng thu hút được độc giả.

“Thơ đang phát triển về cả số lượng người hướng tới cũng như đội ngũ sáng tạo, ta không thể phủ nhận rằng thể loại có những hạn chế trong việc kén độc giả. Thơ không giống văn xuôi, ai cũng có thể tìm đến. Chúng ta phải chấp nhận đặc thù về thể loại đó”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.

Cũng theo tác giả của trường ca Ngang qua bình minh, không thể đo đạc sự thành công của thơ thông qua số lượng xuất bản hay những đỉnh cao. Mỗi giai đoạn, thơ đều mang tới một giá trị riêng mà mọi người đều có thể tìm được sự đồng cảm trong đó. Thơ là tiếng nói của một tâm hồn đánh thức muôn vàn tâm hồn khác. Chính vì vậy, một người có nhiều cách khác nhau để tìm đến thơ và hiểu thêm về thể loại này.

Bên cạnh đó, sự năng động trong ngành xuất bản hiện nay cho phép mọi người in ấn thơ như một món quà dành tặng cho nhau. Chi phí để xuất bản, in ấn một tập thơ không mất quá nhiều so với giá trị nó đem lại. Đặc biệt đối với những người yêu chữ nghĩa, tập thơ là món quà đặc biệt hơn bất kỳ thứ gì họ có thể nhận được.

Mỗi người đọc là một nhà thơ

Tác giả Lu cho rằng xuất bản hay các phương thức tự xuất bản hiện tại tương đối dễ dàng, giúp người viết nhiều cơ hội để có thể tiếp cận độc giả hơn. Nhưng xuất bản dễ hay khó cũng hoàn toàn tách biệt với giá trị nội tại hay khả năng của người viết, những gì có giá trị sẽ luôn được nhớ tới lâu dài, và ngược lại, những gì hời hợt sẽ nhanh chóng bị đào thải và không ai nhớ tới nữa.

“Xã hội hiện tại khiến ta có cảm giác mọi thứ đều dễ dàng, tự thân điều ấy không ảnh hưởng gì tới tác giả hay tác phẩm. Thời nào cũng sẽ có những tác phẩm, tác giả hay và không hay tương ứng”, Lu cho biết.

Cây bút sinh năm 1989 chia sẻ thêm rằng thơ văn, âm nhạc, tranh, tượng, múa, mọi loại hình nghệ thuật, trước tiên đều (nên) được sinh ra từ khao khát rất cá nhân của người sáng tác, không phải để dành cho bất cứ một người đọc, xem, nghe nào. Độc giả không phải mục đích của sáng tác. Tác phẩm nào sinh ra với mục tiêu chiều lòng người xem thì đều không thật sự có một chân giá trị gì lâu bền. Do đó, Lu luôn viết những điều bản thân muốn viết, dù có một triệu người đọc hoặc chẳng có ai đọc. Ở chiều của độc giả, những người muốn đi tìm điều gì sẽ luôn có khả năng tìm thấy được điều đó.

Chân dung Lu, tác giả của tập thơ Lấp kín một lặng im. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cách thể hiện của thơ hiện nay cũng gắn với những luồng văn hóa từ trên thế giới khá nhiều. Từ phong cách tối giản của Nhật đến những hình ảnh siêu thực, tinh thần toàn cầu, tinh thần quốc tế, đều được thể hiện trong các tác phẩm thơ. Đặc biệt, về mặt hình thức, nhờ công nghệ in ấn phát triển, yếu tố thị giác cũng rất được chú trọng.

Một loại hình nghệ thuật nào đó vốn luôn là chuyện rất con người, rất bản năng, luôn luôn có, trong cả người sáng tác lẫn người hưởng thụ. Dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thơ vẫn có khả năng lay động mạnh mẽ đến mọi thế hệ.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-nguoi-dang-yeu-tho-theo-mot-cach-khac-di-post1461828.html