Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm hàng Tết

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không ít người tiêu dùng đã có những cân đối trong chi tiêu và chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến. Nắm bắt cơ hội này, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp và các HTX đã có nhiều chính sách để thu hút, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ghi nhận tại Trung tâm thương mại Melinh Plaza (Đông Anh), không khí mua sắm những ngày gần đây đã tăng lên đáng kể. Theo lời của nhân viên bán hàng, sức mua hàng hóa Tết những ngày qua tại siêu thị tăng khoảng 30% so với những tháng cuối năm 2021. Khách hàng hầu như đều hài lòng với sản phẩm của bởi đơn vị này chú trọng nhập hàng hóa từ các HTX, doanh nghiệp uy tín ở các tỉnh thành trên cả nước.

Ưu tiên tính bền vững

Tại Big C Thăng Long, lượng người đến mua sắm hiện đã tăng khá so với thời điểm trước ngày cúng ông Công ông Táo. Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ 17-21 giờ, lượng người đến mua sắm sẽ đông hơn.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC và GO! khu vực miền Bắc thông tin, trước ngày ông Công ông Táo, lượng người tiêu dùng đến mua sắm chưa nhiều. Nhưng từ 25 tháng Chạp đến nay, sức mua tăng trưởng 20-30%...

Ở các siêu thị, hàng hóa rất đầy đủ, đa dạng chủng loại, giá cả được cam kết bình ổn. Tuy nhiên, năm nay, có vẻ người tiêu dùng thắt chặt hầu bao hơn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân chú trọng đến những sản phẩm thiết yếu và có tính bền vững.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân chú trọng đến những sản phẩm thiết yếu và có tính bền vững.

Khảo sát của Công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế - YouGov cho thấy, dịch Covid-19 đã làm thay đổi bức tranh tài chính cá nhân tại Việt Nam. Theo đó, 28% người tiêu dùng Việt Nam tăng mức tiết kiệm và giảm chi tiêu cho các khoản tiêu dùng không thiết yếu trong thời gian xảy ra đại dịch. Hơn 53% người tiêu dùng Việt cắt giảm các khoản không thiết yếu trong 6 tháng qua. Trong khi đó, 80% dự định tiếp tục cắt giảm trong tương lai…

Còn khảo sát của Vietnam Report cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng tiêu dùng ưu tiên tính bền vững và vì sức khỏe của 99% người được khảo sát. Xu hướng này cũng sẽ được duy trì cả khi hậu Covid-19. Chính vì vậy, người dân sẽ tìm kiếm các thương hiệu bền vững, các nhà bán lẻ biết chia sẻ giá trị của họ.

Quan sát mua sắm của người dân những ngày gần đây, ông Lê Mạnh Phong cho biết, năm nay, khách hàng tập trung vào các mặt hàng mang nhiều giá trị cho người tiêu dùng, mức giá vừa phải, đáp ứng nhu cầu tiết kiệm.

Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp, HTX cũng đã cân đối các khâu để chia sẻ với người tiêu dùng. Ông Bùi Văn Thìn, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Suối Cát (Đồng Nai) chia sẻ, năm nay dù chi phí sản xuất tăng cao nhưng HTX vẫn cam kết không tăng giá sản phẩm. Đặc biệt, HTX còn triển khai 3 điểm bán hàng bình ổn giá cố định tại chợ Suối Cát.

“Ngoài ra, HTX còn thực hiện 25 chuyến hàng lưu động bình ổn giá về các xã trên địa bàn huyện để người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng Tết bảo đảm chất lượng”, ông Thìn cho biêt.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Nội cho biết, mặc dù chi phí vận chuyển tăng hơn mọi năm, nhưng nhìn chung doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì bình ổn giá bán, bảo đảm giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng.

“Chẳng hạn như dù giá lợn hơi hiện đã tăng giá, có địa phương gần chạm mốc 60.000 đồng/kg, nhưng khu vực bán thịt lợn của siêu thị vẫn chạy chương trình khuyến mãi, giá sau giảm tương đương giá thịt lợn ở chợ truyền thống như: ba rọi 140.000 đồng/kg, thịt đùi 99.000 đồng/kg, thịt xay 105.000 đồng/kg”, bà Dung chia sẻ.

Khảo sát thực tế cho thấy sức mua hiện nay của người tiêu dùng tuy đã tăng nhưng không đột biến vào thời điểm cận Tết như mọi năm. Dự kiến nhu cầu mua sắm của người dân sẽ mạnh hơn trong những ngày tới, do vậy các doanh nghiệp bán lẻ, HTX vẫn đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để kịp thời cung ứng ra thị trường. Trong trường hợp sức mua vẫn chưa được cao lắm, doanh nghiệp, HTX sẽ phải tính đến phương án tổ chức khuyến mãi thêm để có giá tốt hơn cho người tiêu dùng.

Chuộng mua sắm online

Thông tin từ các trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng của HTX cho thấy, lượng người mua sắm trực tiếp chưa tăng đột biến là vì dịch Covid-19 khiến khách hàng ngại đi ra ngoài. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xu hướng mua sắm tiêu dùng online trong dịp Tết lại tăng.

Ngồi tại nhà, với chiếc điện thoại thông minh, chị Nguyễn Hải Đường (Cầu Giấy, Hà Nội) truy cập vào ứng dụng mua sắm trực tuyến của siêu thị Big C để “đi chợ Tết”. Chị cho biết, ở siêu thị bày bán gì thì trên ứng dụng điện tử cũng sẽ có đầy đủ các mặt hàng đó, vì vậy chị lựa chọn mua online để được giao hàng đến tận nhà mà không phải vất vả chen lấn, xếp hàng khi đi vào các siêu thị dịp cận Tết như mọi năm.

“Tôi thấy mua sắm online như vậy rất tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo an toàn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay”, chị Đường nói.

Trung tâm thương mại Melinh Plaza đã thực hiện bán hàng online trên Zalo và trang web từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Trong dịp này, Trung tâm thương mại vẫn tiếp tục duy trì hình thức bán hàng online. Bình quân mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận và phục vụ khoảng gần 200 đơn hàng online. Vào ngày cuối tuần, con số này còn có thể tăng cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Trung tâm cũng đã bố trí nhân viên trực để tiếp nhận, xử lý và giao đơn cho khách kịp thời nhất.

Một số sàn thương mại điện tử ghi nhận lưu lượng khách hàng mua tại chợ Tết truyền thống trên sàn tăng gấp 2-3 lần so với những tháng trước đó. Các sản phẩm đặc sản của các địa phương cũng được nhiều người tiêu dùng đặt mua trên các sàn thương mại điện tử.

Khảo sát sàn thương mại điện tử Tiki cho thấy, doanh thu trong 4 tuần trước Tết đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo cho biết, các sàn thương mại điện tử có rất nhiều người bán tham gia nên người mua có thể dễ dàng so sánh về giá cả, tham khảo ý kiến đánh giá của người mua trước để đi đến quyết định có mua hay không. Không những thế, chính sách giảm phí vận chuyển, áp dụng các mã giảm giá cũng rất có lợi cho người mua, giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản chi tiêu dịp Tết.

Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm online, các siêu thị, cửa hàng đã triển khai dịch vụ đi chợ hộ, đặt hàng qua các ứng dụng, ví điện tử hay QR Code, áp dụng nhiều ưu đãi cho khách mua hàng trực tuyến.

Hy vọng việc người tiêu dùng chủ động trong mua sắm online sẽ giúp các HTX, siêu thị, trung tâm thương mại giảm bớt những khó khăn khi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 suốt thời gian dài, đồng thời giúp người dân bảo đảm được sức khỏe, chuẩn bị đón Tết an toàn trong tình hình mới.

Như Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nguoi-tieu-dung-thay-doi-thoi-quen-mua-sam-hang-tet-1083493.html