Người tiêu dùng lo lắng vì giá thịt lợn liên tục tăng cao

Khoảng gần 50.000 con lợn với tổng trọng lượng hơn 2.600 tấn của gần 9.593 hộ đã bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi, thiệt hại hàng tỉ đồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, hầu hết người chăn nuôi đều rất thận trọng khi tái đàn dẫn đến lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường giảm khiến giá cả 'leo thang' từng ngày. Thực trạng này đáng lo hơn khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chỉ còn gần 3 tháng nữa.

 Các tiểu thương tại chợ Lê Lợi, TP. Đông Hà cho biết giá thịt lợn đang tăng từng ngày trong thời gian gần đây

Các tiểu thương tại chợ Lê Lợi, TP. Đông Hà cho biết giá thịt lợn đang tăng từng ngày trong thời gian gần đây

Một tháng trở lại đây, do số lượng lợn của người chăn nuôi không còn nhiều, cộng với sức tiêu thụ thịt tăng, nhiều thương lái lùng mua làm giá lợn liên tục “leo thang” lên đến gần 7 triệu đồng/tạ. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 78 trang trại chăn nuôi lợn, bò và gia cầm, trong đó có 4 hợp tác xã chăn nuôi, 48 trang trại chăn nuôi gia công, 64 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận trang trại, 3 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGap. Năm 2019, tại Quảng Trị, lĩnh vực chăn nuôi gặp không ít khó khăn do dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra ở nhiều địa phương, giá lợn hơi không ổn định, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và gây hại tại 117 xã, phường, thị trấn với 501 thôn, 9.593 hộ của 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó, các trang trại lớn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn không dám tái đàn do lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại, gây thiệt hại lớn. Điều này khiến nguồn cung thịt lợn ngày càng khan hiếm. Chưa kể việc Trung Quốc đang nhập thịt lợn với giá cao cũng gây sức ép cho thị trường trong nước, cộng với thời điểm này đang là mùa cao điểm tiêu thụ thịt lợn nên giá càng tăng mạnh.

Trên thị trường hiện nay, giá lợn hơi đồng loạt tăng cao khắp các vùng, miền trong cả nước trong đó có Quảng Trị. Hiện giá lợn hơi tại tỉnh đã tiến đến mốc 70 - 72 ngàn đồng/kg, gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2019. Giá thịt lợn hơi tăng mạnh là lí do khiến giá lợn thành phẩm tăng. Đây có thể coi là mức giá đáng mơ ước với những người chăn nuôi lợn. Thế nhưng, nhiều người chăn nuôi vẫn không thể hưởng lợi do lượng lợn chuẩn bị xuất chuồng không còn nhiều hoặc trước đó đã “treo chuồng” nên nay không có lợn để bán. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ một trang trại nuôi lợn ở huyện Cam Lộ cho biết, khi dịch tả lợn Châu Phi mới xuất hiện, giá lợn xuống thấp và luôn biến động thất thường nên những người chăn nuôi như gia đình anh đã giảm lượng nuôi đi rất nhiều. Đến khi giá bắt đầu tăng lên, cũng không mấy ai dám mạnh dạn tái đàn do lo sợ dịch bệnh tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại. Không chỉ người chăn nuôi, người tiêu dùng mà ngay cả thương lái cũng gặp khó. Từ chỗ không dám mua vào vì giá thấp, khó xuất bán đi nơi khác thì hiện nay nhiều thương lái phải đi khắp nơi để tìm mua lợn. Chưa kể, vì giá lợn tăng quá nhanh nên không ít hộ chăn nuôi có ý định găm hàng chờ giá lên thêm mới xuất bán.

Theo các tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Đông Hà, giá thịt lợn đã tăng từng ngày trong khoảng 1 tuần trở lại đây với mức tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương tại chợ Lê Lợi, TP.Đông Hà cho biết, giá thịt những ngày gần đây tăng rất mạnh. Do giá mua vào tăng nên giá bán ra cũng tăng, như thịt ba chỉ tăng từ 90 ngàn đồng/ kg lên 120 ngàn đồng/kg, thịt mông tăng từ 85 ngàn đồng/kg lên 110 ngàn đồng/kg, sườn tăng từ 110 ngàn đồng/kg lên 130 đồng/kg. Theo chị Hằng, sức mua ở thời điểm hiện tại đã cao hơn thời điểm có dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, tuy nhiên vẫn chưa mạnh như thời điểm chưa có dịch; trong khi đó, nguồn cung ngày một ít đi cộng với giá cả tăng mạnh khiến việc buôn bán thịt lợn khá cầm chừng.

Theo khảo sát tại một số chợ truyền thống, việc tăng mạnh giá thịt lợn cũng ảnh hưởng đến tâm lí mua hàng của các bà nội trợ bởi khi mua cùng một số lượng tương đương như trước đây thì lượng thịt sẽ ít hơn và thậm chí là nhiều bà nội trợ đã phải chọn các loại thực phẩm khác để thay thế. Chị Khánh Diệp, ở Phường 1, TP. Đông Hà cho biết: “Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy giá thịt lợn ở nhiều địa phương đều tăng nguyên nhân do khan hiếm trên thị trường và tốc độ tái đàn chậm. Với mức tăng kỉ lục như hiện nay, người tiêu dùng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc cân đối chi tiêu sao cho hợp lí nhất”.

Mới đây, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 21/10/2019, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Cụ thể, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng dịch, tổ chức tiêu hủy, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; lập hồ sơ hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại theo quy định và tái sản xuất sau dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả. Đặc biệt, sẽ chú trọng công tác tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi đối với những trang trại chăn nuôi lớn đảm bảo an toàn sinh học. Với những hộ quy mô nhỏ và vừa thì phải đảm bảo được những yếu tố về an toàn sinh học trước khi tái đàn. Ngoài ra, sẽ tích cực khuyến cáo người chăn nuôi tái đàn cần chú ý đến chất lượng con giống để hạn chế rủi ro, nên chọn mua con giống ở những trại giống uy tín. Theo đó, con giống sau khi mua về phải nuôi cách li 15 ngày theo dõi thể trạng, nếu khỏe mạnh mới cho nhập đàn; đồng thời phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định để phòng dịch bệnh. Tăng sức sản xuất đại gia súc, gia cầm, thủy sản và các nguồn thực phẩm khác nhằm bù đắp sự thiếu hụt cục bộ về thịt lợn. Đẩy mạnh tuyên truyền việc điều chỉnh khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn của mỗi gia đình đi đôi với kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn lợn, tránh nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm dịp cuối năm cũng cần tập trung tăng bình ổn giá đối với mặt hàng thịt lợn.

Với diễn biến thị trường như hiện nay, các giải pháp nhằm bình ổn giá thịt lợn để góp phần ổn định thị trường là hết sức cần thiết, tránh tình trạng khan hàng, “sốt giá” ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143949