Người tiêu dùng bị các dịch vụ mất tiền “móc túi”: Nhà mạng vô can?

Hơn 230 tỷ đồng là số tiền mà Văn phòng đại diện (VPĐD) Cty Sam Media tại Hà Nội đã “móc túi” khoảng 100.000 thuê bao di động của các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone và Vietnamobile trong suốt 3 năm qua. Trong khi các nhà mạng lại không hề hay biết ?

Lộ sai phạm

Qua quá trình thanh, kiểm tra, thanh tra Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã phát hiện nhiều sai phạm của VPĐD Cty Sam Media Limited tại Hà Nội (trụ sở chính tại Unit 1010, Miramar Tower,132 Nathan Road Tsimshatsui, KL, Hồng Kông). Theo thanh tra Sở TT&TT, VPĐD SAM Media tại Hà Nội đã triển khai hoạt động hợp tác kinh doanh với 3 Cty tại Việt Nam, đó là Cty CP Đầu tư Acom, Cty CP Truyền thông VMG và Cty CP Truyền thông Gapit. Các bên đã hợp tác việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua các đầu số tin nhắn ngắn.

Trong đó, Sam Media sẽ tổ chức hoạt động quảng cáo trúng thưởng máy điện thoại, máy tính bảng, thẻ điện thoại trên internet với phương thức quảng cáo sử dụng Landing Page (trang đích). Theo đó, toàn bộ công đoạn quảng cáo từ khách hàng đến trang đích của Sam Media (có tên miền là vn-mozzi.biz/vn) do đối tác có thương hiệu Avazu tổ chức thực hiện với mô hình mạng quảng cáo. Các việc mua, bán dịch vụ quảng cáo đều được thực hiện qua các giao dịch điện tử.

Các nội dung quảng cáo trúng thưởng máy điện thoại, máy tính bảng, thẻ điện thoại do Avazu tổ chức thực hiện được thiết kế có dạng là các biểu tượng của các sản phẩm này và các câu hỏi vui để người dùng tham gia trả lời, làm theo. Thêm nữa là những câu từ kích thích, gây tò mò để tạo sự hấp dẫn của các giải thưởng vật chất. Với thời gian xuất hiện ngắn, hình thức và địa chỉ quảng cáo liên tục được thay đổi nên khó lưu lại được các nội dung quảng cáo này. Phần trên của giao diện màn hình là các khối hình minh họa và nội dung về các ưu điểm của dịch vụ, thông tin về các giải thưởng, mã lệnh đăng ký dịch vụ, hướng dẫn nhập mã đăng ký dịch vụ có kích thước và cỡ chữ rất lớn, phần dưới chân màn hình là nội dung về thể lệ của chương trình khuyến mại, cách hủy dịch vụ, số điện thoại hỗ trợ khách hàng và giá cước của dịch vụ với cỡ chữ nhỏ hơn nhiều so với phần trên.

Kết quả là từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2016, khách hàng các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone và Vietnamobile đã phải chi trả cho dịch vụ này với với tổng số tiền hơn 230,48 tỷ đồng. Theo thống kê thì số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tính đến ngày 19-7-2016 đã gần 94.000 khách hàng. Đáng nói là hầu hết các khách hàng khi được hỏi đều cho biết, mình không đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền do Cty Sam Media hợp tác với 3 Cty của Việt Nam cung cấp. Phần lớn khách hàng đều không biết rằng các tin nhắn được gửi từ các đầu số đến máy điện thoại của họ hàng ngày là các tin nhắn dịch vụ mất tiền, chứ không phải tin nhắn rác thông thường.

Với hành vi là "Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (vn-mozzi.biz/vn) mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định", SAM Media đã bị xử phạt 30 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Đồng thời bị xử phạt 25 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP đối với hành vi "Cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên trang vn-mozzi.biz/vn, nhưng thông tin giá, giá cước hiển thị không cùng kiểu mã lệnh và có kích thước nhỏ hơn 2/3 kích thước của mã lệnh".

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mất tiền thì hưởng lợi, người tiêu dùng thì bị mất tiền oan trong khi nhà mạng lại vô can

Nhà mạng vô can ?

Trao đổi với PV, luật sư Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định, việc để sai phạm của Sam Media diễn ra trong một thời gian dài như vậy có một phần lỗi của các nhà mạng. Mặt khác, việc cung cấp dịch vụ của các nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng, trong đó bao gồm cả vấn đề bảo mật thông tin. Bởi phần lớn các khách hàng đều cho rằng, không hề biết việc các tin nhắn dịch vụ mất tiền của Sam Media, mà chỉ nghĩ đó là tin nhắn rác.

Rõ ràng tin nhắn rác đã trở nên quá quen thuộc với khách hàng nên họ không còn quá quan tâm. Chính vì vậy Sam Media mới dễ dàng “móc túi” âm thầm lâu đến như vậy.

Theo luật sư Tuấn, đáng lẽ các DN viễn thông phải thông báo cho người dân được biết về những dịch vụ kiểu như vậy để họ nâng cao cảnh giác với các nội dung quảng cáo tương tự như trên, để tránh bị xâm phạm quyền lợi khi sử dụng ĐTDĐ.

Thực tế luật đã quy định gia hạn cung cấp dịch vụ mất tiền qua các đầu số phải được khách hàng đồng ý đăng ký gia hạn mới được tiếp tục triển khai. Khoản 3 Điều 7 Thông tư 17/2016/TT-BTTTT quy định khá cụ thể việc này. Tuy nhiên lại không được các nhà mạng quan tâm (?).

Khi Sở TT&TT Hà Nội có quyết định xử phạt thì nhiều khách hàng mới “ớ người”, biết mình bị mất tiền một cách vô lý. Trong khi hình thức xử phạt lại không thấm vào đâu so với khoản lợi nhuận “kếch xù” mà Sam Media đã thu được trong 3 năm qua. Nhà mạng thì lại đứng ngoài câu chuyện giữa Sam Media và khách hàng, trong khi họ lại là người cung cấp dịch vụ viễn thông.

Sự việc lần này lại một lần nữa khiến người tiêu dùng cảm thấy lo lắng, khi mà quyền lợi của mình bị các nhà mạng “bỏ quên”. Họ chỉ biết sử dụng di động và trả tiền theo thông báo của nhà mạng, trong khi có những dịch vụ mất tiền mà họ không hề dùng cũng lại có trong tiền phí hàng tháng. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với các nhà mạng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.

Hà Linh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/nha-mang-vo-can-118851