Người thầy dẫn bước cuộc đời

Dù năm tháng không ngừng trôi chảy nhưng những cảm xúc đầu đời luôn tinh khôi mãi, không chỉ để nhớ về mà còn là điểm tựa cho ta tiến bước.

Minh họa/INT

Với tôi, đó là câu chuyện về bông tuyết đầu mùa được gieo từ người thầy đáng kính cách đây hơn hai mươi năm và vẫn luôn dẫn bước cho tôi trong cuộc đời…

Người thầy ấy là GS.NGND Nguyễn Kim Đính – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học nước ngoài, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bông tuyết đầu mùa mà thầy gieo trong tôi là khi tôi được thầy hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp, khi tôi bắt đầu với nghiệp viết của mình.

Năm đó, với những sinh viên có điểm học tập tốt sẽ được chọn giảng viên hướng dẫn khóa luận. Không một giây chần chừ, tôi chọn GS.NGND Nguyễn Kim Đính vì tôi yêu văn học Nga, thích thú với những bài giảng của thầy và nhất là niềm tin trong sáng của một sinh viên tỉnh lẻ với người thầy nổi tiếng về sự đức độ, bao dung…

Khi dạy bộ môn văn học Nga cho lớp chúng tôi, GS.NGND Nguyễn Kim Đính đã ở tuổi 69, tóc bạc phơ. Vậy mà, ngày ngày, thầy vẫn dẻo dai vượt qua 8 lần cầu thang để lên tới tít tận tầng 5 nhà G và dạy chuyên đề về Dostoevsky với cách truyền đạt nhẹ nhàng, dí dỏm mà sâu lắng.

“Chẳng có gì khiến thầy đam mê như khi đọc “Tội ác và hình phạt” của Dostoevsky - Thầy say sưa bộc bạch – Cái anh chàng Raskolnikov thật điển hình cho con người Nga ở cuối thế kỷ 19. Anh ta giết người vì lẽ gì: Vì anh ta là con đẻ của xã hội ấy.

Nhưng lương tâm anh ta được thức tỉnh vì lẽ gì? Vì tâm hồn Sonya. Cả hai nhân vật ấy là những người cùng đinh trong xã hội nên họ cũng không tránh khỏi vòng xoáy tàn khốc của cuộc đời. Nhưng những ngọn lửa trong tâm hồn họ được thắp sáng thật tuyệt vời bằng cái nhìn thấu đáo, sâu sắc của tâm hồn cao cả, vĩ đại – Dostoevsky”

***

Sáng hôm đó, tôi thức dậy từ sớm và hồi hộp trong từng vòng xe khi lần đầu một mình đến gặp và xin ý kiến thầy về khóa luận. Tối hôm trước tôi đã đem cuốn tiểu thuyết “Anna Karerina” ra đọc lại và ghi nhớ đôi điều về nhà văn Lev Tolstoy cùng chủ ý sẽ đề xuất với thầy đề tài này.

- Em đấy à? Tìm nhà thầy có lâu không? – Thầy ân cần đón tôi.

- Dạ. Em đi đúng theo lời thầy hướng dẫn, qua trạm bơm của làng Thịnh Quang là đến đây luôn.

Vừa trả lời thầy, tôi vừa rụt rè bước vào căn hộ tập thể cũ trên tầng ba nhưng ấm cúng và giản dị. Một chiếc tủ đứng trong đó bày biện những tấm ảnh của thầy chụp chung với bao thế hệ học trò. Một bộ bàn ghế sa lông bàng bạc. Đẹp nhất là bức tranh hoa cúc nhỏ xinh, nhị vàng, cánh trắng treo ở trên tường.

- Thưa thầy, em muốn thực hiện bài khóa luận về Lev Tolstoy, đặc biệt là tác phẩm “Anna Karerina” – Những rụt rè ban đầu tan biến, tôi mạnh dạn đề xuất.

- Lev Tolstoy là một tác gia đã được nhiều người cày xới đến nhuyễn. Thầy sẽ hướng dẫn em tìm hiểu về Ivan Turgenev. Hẳn là em chưa từng biết về nhà văn này? Thế thì hãy bắt đầu từ đây nhé...

Minh họa/INT

Giữa lúc cô sinh viên vẫn lúng túng và ngây ra thì thầy đã đem tới cuốn tiểu thuyết “Cha và con” của Ivan Turgenev và gợi ra biết bao điều mới mẻ cùng niềm tin học trò sẽ dám bước vào, chinh phục thành công.

Quả thực, khi đó phải gạt đi tất cả những kiến thức quen thuộc cùng nguồn tư liệu ăm ắp được tích cóp từ bao ngày học tập rồi “tay không” rẽ lối sang một tác phẩm hoàn toàn mới của một tác giả không chính thức được học trong chương trình có chăng mới được nghe nhắc đến, chẳng dễ chút nào.

Vậy mà không hiểu sao tôi sớm đồng ý cùng lời hẹn ba ngày sau sẽ trở lại để báo cáo với thầy về những suy nghĩ của mình khi đọc “Cha và con” đồng thời đưa ra các hướng sẽ triển khai cho bài khóa luận.

Cứ thế, thầy dẫn dắt tôi bước vào thế giới quan của Turgenev qua “Cha và con”, không chỉ để hoàn thành bài khóa luận tốt nghiệp cho bốn năm đèn sách mà thầy còn khiến tôi nhận ra rằng, không có gì thú vị hơn bằng việc bắt đầu từ những điều mới mẻ, dù không có nền tảng sẵn, thiếu thốn về tư liệu mà vẫn có thể độc lập đưa ra quan điểm một cách thuyết phục.

“Khi em khám phá được điều mới không chỉ đem đến hưng phấn trong sáng tạo cho bản thân mà còn giúp ích cho đời sống văn học nói riêng và đời sống xã hội nói chung…”, thầy kỳ vọng hối thúc, nhắn nhủ.

***

Viết xong bài khóa luận lần thứ hai, tôi tự tin thưởng cho mình chuyến về quê dài cả tuần. Lên Hà Nội tôi hân hoan đến gặp thầy.

“Nào ngồi xuống đây. Chắc mải về quê nên viết phứa có phải không? Viết dài và ẩu. Chương I và chương II phải rút thật gọn lại”, sự tự tin của tôi xẹp xuống ngay sau lời nhắc nhở dù rất nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc của thầy.

Hì hục rút gọn từ gần 200 xuống 60 trang viết tay, tôi ngập ngừng đến gặp thầy. Thầy cười thật hiền mà rằng: “Phải thế chứ. Mà có vừa viết vừa lẩm bẩm không? Rõ ràng ban đầu thầy bảo cứ viết thoải mái, viết hết những gì em muốn rồi lại kêu ngắn lại? Nhưng, em có thấy viết dài đã khó, viết ngắn càng khó gấp bội không?”

Rồi thầy lật từng trang: “Chữ “cứu cánh”, em dùng ở đây không được. “Cứu cánh” có nghĩa là “mục đích cuối cùng”, em lại dùng nó với ý nghĩa: “dựa vào, nhờ vào”. Trước khi đặt bút viết phải nghĩ độc giả là những người thông minh, họ luôn hiểu được mọi điều mình viết…”.

“Ông đồ nho” Nguyễn Kim Đính đã nghiêm khắc nhắc nhở, chỉ bảo từng chữ cho tôi như thế. Ngày còn nhỏ, thầy được người bác ruột uyên thâm chữ Hán học, dạy thông làu: “Tam tự kinh”, “Luận ngữ”, “Trung dung”… Đến khi làm nghề giáo, thầy luôn hiểu “tôn sư trọng đạo” là trước hết người thầy phải sống sao cho đúng đạo thì sau mới có được những người trò vì trọng cái đạo của thầy mà tôn sư.

Bảo vệ tốt nghiệp xong, tôi đến thăm thầy. Chẳng biết hôm nay thầy có nhà không? Vừa dắt xe đạp lên cầu thang tôi vừa hồi hộp. Nhưng nhìn kìa, cửa sổ căn phòng thầy vẫn mở: “Vào đi em. Gớm sao mà tóm tắt dài những 9 trang thế” – Thầy đón tôi bằng lời trách cứ ấy.

Đúng là tôi đã “ăn gian” khi tóm tắt bài khóa luận mà cho nhỏ cỡ chữ và để lề bé hơn so với tiêu chuẩn nên bị chính thầy “bắt lỗi” ngay tại buổi bảo vệ. Nhưng điều này không liên quan đến việc một mình thầy hạ bút không cho tôi điểm tuyệt đối.

“Điểm 10 biểu đạt sự hoàn hảo nhưng dễ sinh lòng thỏa mãn, kiêu ngạo mà thầy muốn em tiếp tục vươn tới chứ không chỉ dừng lại ở một con số tròn trịa. Hãy dũng cảm bước tới ước mơ, em nhé”, thầy chân thành giải đáp và khích lệ ánh nhìn của tôi như thế.

Minh họa/INT

***

Chính thức nhận công việc đầu đời, tôi đến thăm thầy và báo tin. Vẫn giọng nói trầm ấm, vẫn gương mặt hiền từ, vẫn ánh mắt trìu mến, chỉ có dáng hình của thầy gầy hơn, hiện ra ở khung cửa. Năm đó, thầy đã ngoài tuổi 70.

Thầy vồn vã chúc mừng: “Thế là tốt. Cố gắng lên em nhé!”. Ngay sau đó, giọng thầy trầm lặng:

“Thầy lấy câu thơ của Xiđôrenkô tặng em:

Hát gì thì hát…

Làm gì thì làm…

Đừng làm bẩn dơ bông tuyết đầu mùa!

Bông tuyết đầu mùa ấy là bài khóa luận đầu tiên, công việc đầu tiên, bài viết đầu tiên và tất cả những gì là đầu tiên của em… Hãy biết nâng niu, giữ gìn, em nhé!. Thầy tặng em điều giản dị ấy thôi”.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-dan-buoc-cuoc-doi-post670775.html