Người Si La ở Mường Tè: Dòng chảy bản sắc nghìn năm

Ngược dòng sông Đà lên thượng nguồn, là nơi cư dân Si La sinh sống bao đời này. Theo Trường ca thiên di của người Si La và trường ca đất Hà Nhì kể lại rằng, họ đã trải qua hàng nghìn năm du mục từ vùng đất Tây Tạng, sang Lào rồi dừng chân tại Mường Tè (Lai Châu). Từ đây văn hóa bản sắc dần hình thành và phát triển.

Một lớp học ở bản Seo Hay, xã Can Hồ, huyện Mường Tè

Người Si La tự gọi mình là Cú Dề Tsừ, người Thái gọi họ là Khả Pẻ. Họ sử dụng ngôn ngữ của thuộc ngữ tộc Tạng - Miến. Hiện nay, dân số của Si La là 166 hộ, 700 người (theo Tổng cục Thống kê năm 2022), dân tộc Si La là một trong mười sáu dân tộc rất ít người tại Việt Nam, một số bộ phận sống ở hai bản Seo Hay, Sì Thâu Chải, và một số hộ đang sinh sống ở thị trấn Mường Tè.

Nhà ở - Bí mật ba hòn đá thần

Người Si La ở nhà trệt, thường ở 2-3 thế hệ, làm 4-5 gian. Giữa nhà họ sẽ đặt ba hòn đá. "Ba hòn đá này không bao giờ ai động được vào đấy, nấu nướng sinh hoạt ở đây. Người ta đặt tên cho từng hòn đá. Hòn đối diện với chỗ thờ gọi là hòn đá thờ. Một hòn để giữ hồn cửa. Một hòn giữ linh hồn những tài sản, gia sản của mình để ở đối diện chạn bát. Còn một hòn thẳng với thờ, đối diện với thờ để giữ hồn các con cháu khỏe mạnh, gia tài, gia sản các thứ mình làm được nhiều, đảm bảo cho các cháu có nhiều sức khỏe, mau lớn, học hành thông minh. Vạn vật hữu linh nên trong nhà cũng có thần cai quản, bảo hộ". Bà Hù Cố Xuân ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu, nghệ nhân Si La chia sẻ.

Ước nguyện trong ẩm thực thờ cúng tổ tiên

Người Si La quen dùng cả cơm nếp, cơm tẻ, ngô với các loại rau canh rừng làm chính. Đạm thực vật chủ yếu là sản phẩm của săn bắt, đánh cá, thịt sóc, thịt chuột sấy khô.

Món ăn thờ cúng “cổ truyền” của người Si La không thể thiếu chính là món hấp được đóng gói trong lá và đều có ý nghĩa, bên trong gồm: 2 con cua (tượng trưng giữ nước trồng trọt), 2 con sóc (sống trên rừng, nhanh nhẹn), 2 con cá (sống dưới nước, giữ nguồn nước), 2 chiếc bánh giầy (từ nương rẫy, bánh cổ truyền). Nếu bố hoặc mẹ mất thì số lượng bên trong gói hấp chỉ còn 1 (1 con cua, 1 con sóc, 1 con cá, 1 chiếc bánh giầy).

Họ không thịt vật nuôi trong nhà để cúng. Gia vị cúng chỉ có lá gói bánh và gừng. Khi cúng, người Si La sẽ chỉ cúng ở dòng trưởng họ. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong. Người Si La đều kiêng ăn thịt hổ, mèo theo truyền thuyết về họ Hua (họ lớn của người Si La).

Trang phục phản ánh đời sống xã hội, giới tính và thẩm mĩ

Nam giới Si La thường mặc quần ống chân què, áo cánh xẻ ngực, cài cúc, cổ đứng, có 2 hoặc 3 túi, màu chàm xanh, bao giờ cũng đội khăn trắng.

Người Si La trong trang phục truyền thống của dân tộc

Trang phục nữ phân biệt thiếu nữ và phụ nữ đã lấy chồng.

Áo SiLa màu đen, có đường viền trang trí. Dọc theo thân áo có táp thêm một mảnh vải hình thang và được đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang hoặc kim loại theo hàng ngang để trang trí.

Váygồm hai phần: cạp và thân váy. Thân váy đen kéo dài đến mắt cá chân, cạp xanh theo hoa văn làm điểm nhấn cho váy. Thắt lưng có hai đầu trang trí các viền vải hoa văn màu sắc khác nhau.

Khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La có hai loại: khăn trắng và khăn đen. Các thiếu nữ Si La bắt đầu đội khăn trắng (13 – 14 tuổi), có trang trí hoa văn, ở phía đầu khăn được trang trí bởi các tua, đầu mỗi tua có đính 1 đồng tiền xu. Khi lập gia đình, người phụ nữ cuốn khăn đen, tóc vấn ngang. Nếu cuốn tóc này chưa đủ to thì phải độn thêm tóc của chồng. Giữa búi tóc có thêm miếng khăn nhỏ của người chồng. không ai bỏ xuống, chỉ khi có tang ma người ta mới bỏ thôi. Điều này thể hiện tín ngưỡng về tình yêu, tình cảm vợ chồng son sắt, thủy chung gắn bó của người Si La.

Các thiếu nữ đội khăn cho nhau

Nghi thức tôn giáo đậm chất núi rừng, nương rẫy

Lễ mừng cơm mới(ồ ứng khẹ ê) được tổ chức vào đầu vụ thu hoạch (tháng Tám âm lịch hàng năm), diễn ra tại nhà vị Trưởng họ, để tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng.

Lễ cúng bản ((Plạ khơ thú)được tổ chức vào tháng Giêng. Trước đó, dân bản dựng lên bốn chiếc cổng. Cổng chính lập đàn lễ nằm ở đường phía Đông - với ý nghĩa là hướng mặt trời lên. Đồ lễ cúng gồm: Chó, gà, hai đồng bạc trắng, một vỏ ốc biển, sao cho cả chó và gà đều quay đầu ra ngoài, bạc trắng và vỏ ốc biển được đặt lên trên mình chó, tất cả đồ lễ là do dân bản quyên tiền mua. Thầy mo cúng vụ mới dân được khỏe mạnh, yên lành, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi; xin cho bản được yên lành…

Hôn nhân, gia đình: Khi cưới, ông mối (thầy cúng, thầy mo) thay mặt gia đình nhà trai đến nhà gái để thưa chuyện. Cô dâu sẽ cùng chú rể và bạn bè vào rừng làm lễ nhập họ vào nhà trai. Khi đến nhà trai, họ sẽ làm mâm lễ báo cáo cho tổ tiên nhà mình biết gia đình chính thức đón thêm một thành viên mới và mong tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia đình. Cô dâu sẽ được mẹ chồng tặng quà cưới. Xưa người Si La có tục cưới hai lần nhưng nay họ rút ngắn chỉ cưới một lần.

Ông Pờ Chà Xe, người Si La, 60 tuổi kể lại: “Khi sinh con cái, bố mẹ thường mời người già trong bản tới đặt tên cho con để mong con cái được sống lâu, sống thọ giống như họ. Nam giới có tên đệm là "Chà", nữ giới có tên đệm là "Có/Cố. Bé gái mới sinh sẽ đội mũ đen, khi được 1-2 tháng tuổi sẽ đội mũ trắng đeo xu. Còn bé nam sẽ đội mũ có núm ở trên đầu, được ghép bằng các tấm vải hoa các màu”…

Sau khi đặt tên, bà già lấy lá chuối bịt ống đựng rau lại, nếu con trai buộc chín lạt, nếu con gái thì 7 lạt. Bố mẹ làm lễ đặt tên phải cúng hồn cho trẻ nhỏ, buộc chỉ cổ tay báo cáo với tổ tiên gia đình có thành viên mới.

Ma chay tang lễ: Khi xong phần chôn cất, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi cũ ra ngoài nhà rồi mới đốt bếp. Ðể tang bằng cách: con trai buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ.

Thơ ca, Dân ca và Nhạc khí thành Di sản phi vật thể quốc gia: Người Si La những bài hát ca ngợi tình yêu thiên nhiên, lòng chung thủy, mộc mạc, ví von giản dị, dễ hiểu. Qua kho tàng dân ca, tục ngữ Si La thành những câu răn dạy đầy tính nhân văn: Vợ không tốt thì cũng sống với nhau hết kiếp/ chồng không tốt thì cũng sống với nhau cả đời” từ đó ta hiểu thêm về quan niệm vợ chồng Si La. Họ luôn sống chung thủy dù vợ hoặc chồng có ra sao. Ngay cả khi không có con, họ sẽ nhận con nuôi. Vì thế người Si La không có chuyện ly hôn.

Các điệu múa, như hát ru, hát mừng năm mới, hát mừng nhà mới, hát mừng thọ, hát đối đáp nam nữ… giàu sự biểu cảm, dễ rung động lòng người, được biểu diễn cùng với các nhạc cụ như: Đàn bầu, đàn môi, nhị hai dây, đặc biệt là “Là pí” và sáo dài “Pờ tư thế lế”. Tiếng nhạc cụ cất lên hòa quyện cùng giai điệu dân ca sẽ tạo ra âm hưởng tuyệt vời giữa núi rừng.

Vừa qua, huyện tổ chức các lớp dạy kỹ năng truyền thông cộng đồng cho các dân tộc Si La, bà con được học về cách bán các mặt hàng nông sản trên các nền tảng tik tok, FB… Đặc biệt, không gian văn hóa Si La được xây dựng trong trong khuôn viên hồ tại thị trấn Mường Tè nhằm quảng bá hình ảnh về văn hóa, đời sống của nhân dân, nhờ đó đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được cải thiện, nâng cao. Qua Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Mường Tè năm 2023 là một minh chứng cho thấy nỗ lực của lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cho dân tộc Si La. Nhất là các làn điệu dân ca và điệu nhảy. Trong thời gian tới, lãnh đạo Huyện tiếp tục triển khai kế hoạch để vừa phát huy quảng bá được hình ảnh vừa tạo ra giá trị kinh tế giúp bà con xóa đói giảm nghèo.

Đình Chúc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-si-la-o-muong-te-dong-chay-ban-sac-nghin-nam-a22466.html