Người phụ nữ khuyết tật làm giấy xoắn, cưu mang nhiều em nhỏ giống mình

Dù đôi bàn chân khuyết tật bẩm sinh, chị Thúy Vi (37 tuổi) ngụ tại Cư xá Vĩnh Hội, Q.4, TP. Hồ Chí Minh vẫn vượt qua số phận bằng niềm đam mê từ tranh giấy xoắn cùng việc dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho gần trăm học viên có hoàn cảnh giống mình.

Chị Trần Thụy Thúy Vi (đứng) đang hướng dẫn các học viên làm các khâu tranh xoắn giấy

Nghị lực vươn lên

Khi chúng tôi đến cơ sở sản xuất nằm trong cư xá Vĩnh Hội – Q.4, chị Vi đang tỉ mỉ hướng dẫn các thao tác tạo dựng một bức tranh giấy xoắn cho học viên.

Chị Vi là con thứ 2 trong một gia đình họa sĩ nghèo, cùng với chị song sinh bị dị tật bẩm sinh ở đôi mắt. Khi chị tròn 3 tuổi bố mẹ đã gửi chị đến Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật quận 3. Tại đây, cô bé tàn tật Trần Thụy Thúy Vi biết sống tự lập, chăm sóc bản thân với những bạn cùng cảnh ngộ cho đến năm 12 tuổi gia đình mới đón về.

Sau khi tốt nghiệp THPT, do gia đình khó khăn nên chị đành gác lại giấc mơ giảng đường đại học, đi làm công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận để kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Sau 4 năm làm công nhân chị gom góp được khoản tiền và thực hiện ước mơ của mình.

“Chị nghĩ đến đôi chân không lành lặn của mìn nên chỉ nghĩ đến việc học một cái nghề nào đó phù hợp với bản thân và nghĩ ngay đến lớp trung cấp đồ họa trên máy tính” chị Vi chia sẻ. Thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ từ bố mẹ, chị đã nhanh chóng trở thành một họa sĩ có tiếng trong một trung tâm phần mềm ở Sài Gòn.

Học viên đang thực hiện công đoạn khảm dán tranh

Năm 2008, chị thi đậu khoa Mỹ Thuật của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng khi đã 30 tuổi. Chị chia sẻ “Nếu có ước mơ và sự kiên nhẫn thì thực hiện ước mơ chẳng bao giờ muộn cả và đối với những người khuyết tật như chị thực hiện ước mơ cần phải cố gắng rất nhiều so với người bình thường”.

Điều đặc biệt là thời gian học ở trường, chị Vi biết đến môn nghệ thuật tranh giấy xoắn. Chị chia sẻ “Lúc đó môn nghệ thuật tranh giấy xoắn khá mới mẻ, mình mê mẩn và hứng thú ngay từ khi tiếp cận bộ môn này”. Ngoài giờ học trên giảng đường, Chị Vi chủ động lên mạng học thêm về nghệ thuật tranh giấy xoắn từ cách chọn giấy, cắt sợi, tạo hình, phối màu, khảm dán tranh…và sau này chị còn chọn hướng sản xuất tranh theo phong cách của mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Chị Trần Thụy Thúy Vi đã chọn tranh giấy xoắn để khởi nghiệp. Năm 2014, cơ sở tranh giấy xoắn có cái tên Alice ra đời từ những từ đồng vốn 10 triệu đồng mà chị đạt được giải nhất trong cuộc thi “ Tết trong mắt tôi” do báo Tuổi trẻ tổ chức.

Sự ân cần và chỉ bảo tận tình đã các học viên ở đây xem chị là một người chị ruột trong gia đình

Cuộc sống cần sự chia sẻ

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, cô bé khuyết tật Trần Thụy Thúy Vi quyết định mượn phòng khách chưa đầy 20m2 của nhà bà Nội ở Cư xá Vĩnh Hội – Q4 ( TP.Hồ Chí Minh) làm nơi sản xuất và trưng bày các tác phẩm của mình.

Nhớ những ngày đầu mới khởi nghiệp, bên cạnh giúp chị gái nhận vẽ tranh lên áo, gối..kiếm được 30 – 50 ngàn mỗi lần gia công để duy trì cuộc sống, chị cần mẫn với thực hiện ý tưởng nghệ thuật về tranh xoắn giấy của mình. “Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là bức tranh giấy xoắn đầu tiên mình bán được là chủ đề là “cô gái gánh gạo” được một khách hàng mua với 350 ngàn đồng. Đó cũng chính là niềm vui và động lực cho mình phát triển cơ sở tranh Alice”, Chị Vi chia sẻ.

Sau này mọi người biết đến tranh xoắn giấy nhiều hơn, lượng khách đến mua tranh của chị cũng ổn định. Chị nghĩ đến việc tiếp nhận học viên là những người khuyết tật giống mình đến học việc. Sau 2 năm chị đã tiếp nhận và dạy nghề cho gần 100 học viên đến từ thành phố và các tỉnh lận cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương…

Một góc trưng bày các sản phẩm tranh giấy xoắn và bức tranh mùa gặt của cơ sở chị Vi

Cơ sở nhắn nhỏ của chị Vi có khi có đến hàng chục học viên và tất cả đều có hoàn cảnh khó khăn. Đến đây ai mong muốn học cho mình một cái nghề phù hợp với để nuôi sống bản thân. Trong quá trình học tập ở đây, chị Vi còn tạo điều kiện ăn ở, trả tiền công theo từng sản phẩm mà học viên làm ra, để các bạn có tiền trang trải cuộc sống.

Chị Lê Thị Mỹ Trúc (quê ở Đồng Nai) hai chân liệt bị từ bé, phải ngồi trên xe lăn, qua người bạn giới thiệu đã từ Đồng Nai lên đây xin chị Vy học nghề “ Trước đây, tôi đi bán vé số vất vả lắm, khi biết chị Vy nhận học viên tôi lặn lội lên đây xin học nghề. Đến nay tôi cũng đã tự hoàn thành một bức tranh và còn được chị trả lương 3 triệu mỗi tháng”.

Chị Vi chia sẻ: “Tôi luôn mở rộng lòng mình đón nhận các bạn khuyết tật đến học nghề với niềm đam mê tranh giấy xoắn . Các bạn đến đây tự học cho mình cái nghề để có công ăn việc làm ổn định và hòa nhập với cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Sỹ Đồng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nguoi-phu-nu-khuyet-tat-lam-giay-xoan-cuu-mang-nhieu-em-nho-giong-minh-post204534.info