Người phụ nữ đầu tiên thắng giải Nobel

Marie Curie là một nhà tiên phong đích thực, một khoa học gia say mê, tận tụy.

Marie Curie là một nhà tiên phong đích thực, một khoa học gia say mê, tận tụy, đã có công nghiên cứu hiện tượng phóng xạ, mở ra cả một chân trời tri thức mới. Bà khám phá hai nguyên tố phóng xạ, dựng xây nền tảng cho việc chữa bệnh ung thư bằng phương pháp xạ trị.

Marie Curie nhũ danh Maria Skłodowska, sinh ra tại Warsaw, Ba Lan. Cuộc đời bà từ nhỏ đã gian truân, mới lên 10 tuổi thì mẹ và chị cả qua đời. Phụ nữ Ba Lan bấy giờ không được vào đại học, nên tuy rất thông minh, bà phải vừa làm gia sư vừa học lén.

Năm 23 tuổi, khi đã dành dụm đủ tiền, bà sang Paris, Pháp, ghi danh Đại học Sorbonne. Tại đây, ngoài việc lấy hai tấm bằng vật lý và toán học, bà còn gặp gỡ và kết hôn với nhà vật lý Pierre Curie. Họ làm nên một cặp bài trùng xuất chúng.

Nữ khoa học gia Marie Curie. Ảnh: BBC.

Lúc ấy, Henri Becquerel mới phát hiện ra một số nguyên tố hóa học có khả năng phóng xạ. Thấy hướng nghiên cứu này hay, Curie quyết định đi theo, khiến Pierre cũng theo cùng.

Hai vợ chồng làm việc không mệt mỏi, cố phân tích quặng urani, cuối cùng tìm ra trong nó hai nguyên tố phóng xạ mới: poloni (đặt theo tên Poland, tức Ba Lan, quê hương của Curie) và radi. Công trình đem về cho họ giải Nobel Vật lý 1903, chung với Becquerel.

Không may, bi kịch xảy đến vào năm 1906, khi Pierre qua đời do va chạm với xe ngựa. Curie một tay nuôi dạy hai con gái nhỏ, và tiếp quản ghế giáo sư vật lý của chồng ở Sorbonne.

Bà vẫn tiếp tục nghiên cứu, rốt cuộc cô lập thành công radi nguyên chất vào năm 1910. Những nỗ lực phi thường trong việc cô lập và xác định tính chất radi giúp bà giành giải Nobel thứ hai vào năm 1911 cho môn hóa học.

Lợi hại của phóng xạ

Tuy Curie đặt ra thuật ngữ “phóng xạ” để mô tả cách nguyên tử nhả năng lượng khi phân rã thành một dạng khác, bà không biết việc tiếp xúc với phóng xạ rất nguy hiểm nên đã đem các mẫu hóa chất cất ngay tại bàn làm việc.

Các chất phóng xạ như urani đều là những mối hiểm họa tiềm tàng bởi chúng phát ra tia với sức mạnh xuyên thấu, khiến Curie bắt đầu trở bệnh, sức khỏe suy giảm. Tuy vậy, bà và giới khoa học nói chung nhận thấy nếu biết ứng dụng đúng cách, phóng xạ sẽ có vai trò quan trọng trong cả khoa học lẫn y học.

Làm việc cứu người

Vợ chồng Curie một lòng san sẻ tri thức, không bao giờ nghĩ cách kiếm lời từ những khám phá của mình. Thời Thế chiến I, Curie dùng tiền thưởng từ giải Nobel để lập 20 đơn vị X-quang lưu động, đặt tên là Petites Curies (các Curie bé).

Chúng được chuyển ra tiền tuyến để chụp X-quang cho binh sĩ bị thương. Đích thân Curie lái một xe tải chuyên chở, đồng thời huấn luyện mọi người, trong đó có con gái bà là Irène, cách chụp X-quang thương binh.

Chiến tranh kết thúc, bà góp phần sáng lập Quỹ Curie (nay là Viện Curie), đi đầu trong việc nghiên cứu cách chữa trị ung thư bằng chất radi. Hai lần bà đi vòng quanh nước Mỹ đều nhằm mục đích quyên tiền nghiên cứu.

Thương thay, khi làm việc, Curie tiếp xúc quá nhiều với chất phóng xạ gây hại, dẫn đến hậu quả chết người. Nhiều khả năng vì phơi nhiễm phóng xạ kéo dài, bà mắc chứng thiếu máu do tủy xương bị tổn thương, qua đời vào năm 66 tuổi.

DK/Đông A - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-phu-nu-dau-tien-thang-giai-nobel-post1466304.html