Người phụ nữ bị ung thư phổi không phải cắt xương sườn mở lồng ngực nhờ phẫu thuật robot

Do không phải cắt xương sườn mở lồng ngực để bác sĩ thao tác như phẫu thuật mở trước đây, bà T. đã hồi phục nhanh chóng và xuất viện ở ngày hậu phẫu thứ 6.

25 năm trước, bà L.M.T. (68 tuổi, Gia Lai) phát hiện bị ung thư vú và phải đoạn nhũ. Hai tháng gần đây, bà T. bị đau thắt vùng ngực dữ dội, phải đi khám nhiều nơi. Một bệnh viện ở TPHCM nghi ngờ bà có một khối u ở thùy trên phổi trái.

Bà T. quyết định đến Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) để điều trị. Tại đây, bà T. được bác sĩ khuyên nhập viện sau khi các chẩn đoán cận lâm sàng của bệnh nhân gợi ý chẩn đoán ung thư phổi. Hình ảnh học phát hiện u thùy trên phổi trái, kích thước 40cmx20cm, bờ đa cung.

Trước 3 phương pháp mổ mở, nội soi kinh điển (phải cắt xương sườn, mở lồng ngực) và phẫu thuật robot, bà T. lựa chọn chọn phẫu thuật ít xâm lấn, ít mất máu và mau hồi phục. Đó là phẫu thuật robot - phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất để loại bỏ khối u phổi, nạo hạch tỉ mỉ, đồng thời giữ lại được tối đa chức năng còn lại của phổi nhằm đảm bảo hô hấp.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Nhung Trần.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Nhung Trần.

BS.CKII. Nguyễn Văn Việt Thành - Phó trưởng khoa Lồng ngực-Bướu cổ cho biết, ung thư phổi có tiên lượng xấu, bệnh diễn tiến nhanh chóng và có tỉ lệ tử vong cao.

Với trường hợp của người bệnh T., các bác sĩ nghĩ đến hai khả năng: Thứ nhất là ung thư thứ phát, di căn sau điều trị ung thư vú, thứ hai là một bệnh lý phổi mới hình thành.

"Để tối ưu việc điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi thực hiện phẫu thuật robot cắt thùy trên phổi trái có u, đồng thời thực hiện sinh thiết lạnh ngay lúc phẫu thuật để sớm xác định bản chất của u. Kết quả sinh thiết lạnh trong lúc mổ cho thấy đây là khối ung thư", bác sĩ Việt Thành chia sẻ.

Ê-kip phẫu thuật đã nạo bỏ trọn vẹn các hạch như hạch cạnh khí quản, cạnh tĩnh mạch chủ, nhóm hạch dưới phế quản và gần rốn phổi mà không tổn thương mạch máu. Lượng máu mất qua phẫu thuật chỉ khoảng 50 ml.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống và tự thực hiện được các sinh hoạt cơ bản ở ngày thứ 4 và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 6. X-quang ngực sau mổ của bà T. cho thấy phổi trái nở tốt, không có tràn dịch, tràn khí màng phổi. Bệnh nhân chia sẻ, các triệu chứng đau tức, đau thắt vùng ngực không rõ lý do trước phẫu thuật đã không còn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Việt Thành cho biết, sau khi cắt một thể tích khá lớn phổi, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để tập thở, tập vận động, tránh viêm phổi và tránh nguy cơ bội nhiễm. Tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mới khẳng định bản chất của tế bào ung thư là ung thư nguyên phát hay thứ phát sau ung thư vú. Bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị ung thư bổ túc sau mổ như hóa trị, xạ trị.

Bệnh viện Bình Dân là nơi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật robot cắt khối u phổi từ năm 2017. Do không phải cắt xương sườn mở lồng ngực, người bệnh được phẫu thuật robot ít đau hơn, lành vết thương tốt hơn và xuất viện sớm hơn so với kỹ thuật mở ngực trước đây.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020), ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới. Ung thư phổi cũng là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Bệnh cướp đi khoảng 1,8 triệu sinh mạng mỗi năm.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi được báo cáo vào năm 2020 xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14,4% và 23.797 ca tử vong.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-bi-ung-thu-phoi-khong-phai-cat-xuong-suon-mo-long-nguc-nho-phau-thuat-robot-16923122112154896.htm