Người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch dễ đồng nhiễm đậu mùa khỉ

Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy có tới 63% người bệnh đậu mùa khỉ đồng nhiễm HIV. Nguyên nhân là do khi nhiễm HIV hệ miễn dịch, sức đề kháng thấp hơn nên dễ dàng nhiễm bệnh hơn.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đậu mùa khỉ đã trở thành bệnh lưu hành, vì vậy bất kỳ địa phương nào, thời điểm nào cũng có thể xuất hiện ổ dịch.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, đường lây truyền của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp, đường máu, không lây qua hô hấp nên sẽ không gây trận dịch mạnh mẽ như cúm hay COVID-19.

Theo thống kê, đến nay nước ta ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 8 tỉnh, thành phố. Đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay liên tục ghi nhận các ca bệnh.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Hầu hết ca bệnh là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM - chiếm 78,6%), dị tính (8,9%). Khoảng 63% đang nhiễm HIV, 46% mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy có tới 63% người bệnh đồng nhiễm HIV. Nguyên nhân là do khi nhiễm HIV, hệ miễn dịch, sức đề kháng thấp hơn nên dễ dàng nhiễm bệnh hơn.

Với đường lây truyền nói trên, những hành vi nguy cơ cao là quan hệ tình dục với người đang mang mầm bệnh, có vết loét ở vùng sinh dục, lây tương đối mạnh. Vì thế, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với người bình thường.

Ngoài ra, nhóm này cũng có nguy cơ cao nhiễm HIV nên đôi khi gặp tình trạng đồng nhiễm đậu mùa khỉ và HIV.

Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TP. Hồ Chí Minh.

Những người nhiễm HIV có hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và trở bệnh nặng hơn khi mắc đậu mùa khỉ. Nguồn: epa.gov

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai các nội dung, trong đó có đẩy mạnh giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu), lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV) để phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị;

Quản lý các trường hợp bệnh, người tiếp xúc không để lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán...

Người nhiễm HIV thường được coi là nhóm có nguy cơ khi mắc đậu mùa khỉ. Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, HIV có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh. Bằng chứng cho thấy, suy giảm miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu bị phơi nhiễm, mắc bệnh nặng hoặc tử vong do đậu mùa khỉ...

Cần làm gì để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ?

Người nhiễm HIV do có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn những nhóm khác. Cần lưu ý, người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Bệnh đậu mùa khỉ không chỉ ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị lây nhiễm đều có nguy cơ mắc bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Minh Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-nhiem-hiv-bi-suy-giam-mien-dich-de-dong-nhiem-dau-mua-khi-169231116140153507.htm