Người nghiện trốn trại và ranh giới giữa bệnh nhân với tội phạm

Vụ gây rối của học viên trung tâm cai nghiện Đồng Nai hôm 7.11 khiến lực lượng cảnh sát phải dùng hơi cay để trấn áp, một biện pháp mạnh, vượt qua những ranh giới hành chính. Điều đó cho thấy, đã đến lúc cần phải xem xét lại tính chính danh của vấn đề cai nghiện bắt buộc.

Hàng ngàn học viên tại Trung tâm cai nghiện Đồng Nai tập trung gây rối đòi về , khiến cảnh sát phải dùng biện pháp trấn áp. Đây không phải sự việc diễn ra lần đầu, và hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ trại cai nghiện nào với một chính sách quản lý người nghiện đầy bất ổn như hiện nay.

Nhiều học viên leo lên hàng rào, mái tôn đòi được về nhà sáng 7.11. Ảnh: Ngọc An/Zing

Hiện nay, những người được quản lý trong các trung tâm cai nghiện được phân loại thành hai đối tượng. Một là những người cai nghiện tự nguyện, do nhu cầu bản thân muốn cai nghiện. Hai là những người “nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định”.

Những người cai nghiện tự nguyện sẽ không có nhu cầu gây rối để đòi về, bởi họ hoàn toàn có thể chấm dứt sự tự nguyện cai nghiện để về nhà mà không bị cản trở.

Đối với những người thuộc diện bắt buộc cai nghiện, họ bị áp dụng hình thức quản thúc từ 2 đến 3 năm tại trung tâm cai nghiện. Hình thức quản thúc đối với người cai nghiện bắt buộc dĩ nhiên nằm ngoài sự mong muốn của đối tượng. Về nguyên tắc, cai nghiện bắt buộc là một biện pháp hành chính, tức là người nghiện vẫn còn được đảm bảo mọi quyền công dân của mình. Tuy nhiên, hình thức quản thúc, về bản chất đã tước đi quyền tự do sinh sống của người nghiện.

Có nên duy trì hình thức cai nghiện bắt buộc hay không? Đây là một vấn đề đã được tranh luận rất nhiều năm nay trên các diễn đàn lập pháp. Nếu không bắt buộc cai nghiện thì sẽ không thể quản lý được người nghiện ma túy, hậu quả sẽ rất lớn bởi tạo thêm nguy cơ về an ninh, trật tự xã hội. Nhưng bắt buộc cai nghiện thì sẽ cần phải có biện pháp quản thúc để kiểm soát, và điều đó sẽ xung đột với quyền con người của người nghiện với những mức độ khác nhau.

Về mặt khái niệm, người nghiện ma túy hiện nay được coi là bệnh nhân chứ không phải tội phạm. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về bắt buộc chữa bệnh chỉ áp dụng để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Bởi thế, việc bắt buộc chữa bệnh được điều chỉnh bởi các bộ luật hình sự, tố tụng hình sự, và thi hành án hình sự. Tức là chỉ áp dụng với những đối tượng hình sự. Tuy nhiên, học viên cai nghiện bắt buộc lại không phải đối tượng hình sự, và việc cai nghiện tập trung, về hình thức là một biện pháp hành chính.

Quản lý người cai nghiện, do định nghĩa là bệnh nhân, nên không thể áp dụng việc quản thúc như đối với những đối tượng hình sự. Nhưng trên thực tế, việc cai nghiện bắt buộc lại được thực hiện bởi mục đích ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội, khi gia đình, hoặc cộng đồng lo lắng đến vấn đề an ninh mà những đối tượng này gây ra.

Vụ gây rối của học viên trung tâm cai nghiện Đồng Nai hôm 7.11 khiến lực lượng cảnh sát phải dùng hơi cay để trấn áp, một biện pháp mạnh, vượt qua những ranh giới hành chính. Điều đó cho thấy, đã đến lúc cần phải xem xét lại tính chính danh của vấn đề cai nghiện bắt buộc, cho dù vụ gây rối của học viên cai nghiện xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào.

Người nghiện ma túy là bệnh nhân. Nhưng người nghiện ma túy trở thành đối tượng có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì không còn là bệnh nhân nữa, họ là đối tượng hình sự. Khi phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì việc quản lý những đối tượng này cần được điều chỉnh trên cơ sở pháp luật hình sự chứ không phải hành chính.

Khi những đối tượng cần được áp dụng biện pháp ngăn chặn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội lại chỉ được quản lý bằng biện pháp hành chính thì công cụ, chế tài, và các hình thức xử lý sẽ không có tính chính danh, không đủ khả năng để thực hiện. Và câu chuyện ở Đồng Nai sẽ không phải cá biệt!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-nghien-tron-trai-va-ranh-gioi-giua-benh-nhan-voi-toi-pham-721637.html