Người ngang tàng và lãng tử của miền đất Hoa phượng đỏ

Không vẽ tranh, chẳng chơi đàn, không là ca sĩ, chẳng phải nhạc công, không là diễn viên, cũng chẳng là biên kịch… Văn chương, thơ phú thi thoảng vung bút cốt để thỏa chí ngang tàng nên cũng chả bao giờ muốn mình thành nhà này, nhà nọ. Thế nhưng anh luôn được anh em văn nghệ sĩ yêu mến, quý trọng, coi như 'người trong giới'. Đó là doanh nhân Cao Văn Tuấn.

Không vẽ tranh, chẳng chơi đàn, không là ca sĩ, chẳng phải nhạc công, không là diễn viên, cũng chẳng là biên kịch… Văn chương, thơ phú thi thoảng vung bút cốt để thỏa chí ngang tàng nên cũng chả bao giờ muốn mình thành nhà này, nhà nọ. Thế nhưng anh luôn được anh em văn nghệ sĩ yêu mến, quý trọng, coi như "người trong giới". Đó là doanh nhân Cao Văn Tuấn - ông chủ của Bảo tàng Đông Dương mà những người quen thân luôn gọi anh bằng cái tên thân mật: "Tuấn cá sấu".

Tôi biết Cao Văn Tuấn cũng trên dưới hai mươi năm. Một hôm, nhà báo Nguyễn Quốc Hải rủ xuống Hải Phòng chơi với "thằng bạn em, nó hay lắm". Trên xe có 4 người, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Kinh doanh & Tiếp thị Nguyễn Quốc Hải, tôi và chú An - "người cầm lái vĩ đại của bác Quốc".

Khi gần đến nơi, Quốc Hải alô cho Quốc Tuấn: "Đến quán Quốc Hà nhé. Ông mời các bác hộ tôi, lát tôi đến…". Khi mấy anh em, chú cháu chúng tôi "đập phá" gần xong thì Tuấn mới về. Nhìn dáng vẻ, không khó để nhận ra hắn chạy sô từ một bàn tiệc nào đó.

Nhà văn tuổi Rồng viết như... Rồng cuốn.

Tuấn gầy, cao lớn lênh khênh, Quốc Hải thì béo lùn cứ xoắn lấy nhau như cái tủ lệch, tôi không khỏi bật cười vì sự trớ trêu của tạo hóa. Ăn uống xong, tất nhiên là Quốc Tuấn đứng ra thanh toán. Tôi nổi hứng ứng khẩu: "Quốc Hải rủ đến Quốc Hà - Rồi để Quốc Tuấn đứng ra trả tiền".

No xôi, chán chè, Quốc Hải đề xuất đi massage, xông hơi cho giải rượu và cũng tất nhiên là bác Quốc từ chối. Tôi đồ rằng bác từ chối "trong sự nuối tiếc" vì chắc bác cũng thích nhưng ngại lỡ chưa vào đến cửa, các em, các cháu chạy ra mà "Cháu chào bác Dương Trung Quốc ạ" thì ôi thôi, tỏi tòi toi (làm người nổi tiếng khổ thế đấy!).

Lo phòng cho chúng tôi xong, lại thấy Quốc Tuấn chạy đi đâu đó và khi chúng tôi đi ra thì đã thấy Quốc Tuấn trả tiền từ bao giờ. "Thi hứng" nổi lên, lại thơ rằng: "Quốc Hải rủ đi mát xa - Vẫn lại Quốc Tuấn đứng ra trả tiền". Tôi tỏ vẻ ái ngại vì rất ghét trò nhà báo ăn xong, gọi doanh nghiệp ra trả tiền. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Quốc Hải phất tay trấn an: "Anh không phải lăn tăn, nó là bạn thân của em".

Tưởng rằng "chương trình thơ phú" đã cạn, sáng hôm sau Tuấn lại gọi đi ăn miến ngan và tất nhiên rồi: "Quốc Hải rủ đi ăn miên (tức miến) - Vẫn lại Quốc Tuấn trả tiền… sướng chưa!".

Kể từ đấy, tôi quen Tuấn và càng thân, càng khám phá ra nhiều điều ở anh mà không phải doanh nhân nào cũng có.

Du khách tham quan bảo tàng Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương.

Làm kinh doanh, Tuấn không đặt mục đích kinh tế lên trên hết. Anh kiếm tiền để giúp đỡ gia đình (tất nhiên rồi), chia sẻ với bạn bè và nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Nhất là với cổ vật và hội họa.

Cách đây khoảng hơn 40 năm, lúc còn rất trẻ, anh đã bán chiếc xe đạp, một khối tài sản khổng lồ ngày đó để mua một bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Có lần, Tuấn khoe với tôi tấm thiệp mời cưới do họa sĩ Bùi Xuân Phái tự tay vẽ cho một người con của ông và anh giữ nó như một kỷ vật vô giá.

Có lần, Tuấn rủ tôi lang thang lên tận Tuyên Quang, Hà Giang để săn lùng cổ vật. Anh sục vào từng góc bếp, lục tung đống bát đĩa của bà con dân tộc để tìm chum sành, bát vỡ. Tôi nhớ hôm ấy, Tuấn rất vui vì mua được một khẩu súng kíp hỏng mà theo lời Tuấn là có từ trăm năm trước. Thế nhưng mấy hôm sau tôi xuống, khẩu súng hoen gỉ hôm nào đã được bàn tay ma thuật của anh "cải lão hoàn đồng", treo trang trọng trên giá như một báu vật.

Vậy mà có lần tôi theo Tuấn đi chợ Viềng, lang thang hết đêm, Tuấn về tay trắng với dáng vẻ não nề "toàn đồ cũ và đồ giả cổ". Anh kể với tôi trăm ngàn mánh khóe của đám người làm đồ cổ giả mà ngay cả việc thử các-bon cũng bó tay bất lực.

"Họ nghiền thật nát những đồng xu cổ rồi bắn vào đồ vật nên khi thử các-bon, nó sẽ trở thành cổ vật có từ hàng trăm năm trước" - Tuấn nói.

Có lẽ chính vì niềm đam mê, hiểu biết và cả sành sỏi của một doanh nhân mà giờ đây, Tuấn có một gia tài đồ sộ, lập nên một bảo tàng tư nhân tầm cỡ với hàng vạn cổ vật có giá trị kinh tế được đo bằng nhiều ngàn đôla. Theo lời một vị lãnh đạo Hội cổ vật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương của Tuấn là một trong số bảo tàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Tại phòng Bảo tàng Nghệ thuật, nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái hay Lê Thiết Cương, Thắm Poong, Phương Bình, Đỗ Phấn… được treo một cách trang trọng.

Có thể nói, bất cứ ai cũng yêu quê hương nhưng có lẽ Cao Văn Tuấn là người yêu Hải Phòng nhất mà tôi từng gặp. Yêu Bến Bính, yêu Sáu Kho, yêu Cầu Rào, Cầu Đất… và anh đặc biệt yêu sông Bạch Đằng với "Đằng Giang tự vổ huyết do hồng". Anh khoe với tôi rằng chiến thuyền chống quân Nam Hán của Đức vua Ngô Quyền hiện nay chỉ còn 7 chiếc thì anh sở hữu 6 chiếc và đang rắp tâm mua nốt chiếc thứ 7 với giá hàng mấy trăm triệu đồng.

Gần đây, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương đã trở thành điểm tham quan nhiều người yêu thích và đồng thời, làm phong phú cho văn hóa của "thành phố hoa phượng đỏ".

Ngang tàng, lãng tử và… cực đoan nên phụ nữ nhiều người mê anh, nhất là mấy chị, mấy em có trong mình tâm hồn văn chương hay máu me nghệ thuật.

Giàu cá tính nên nhiều khi thành… "tính cá". Tuấn yêu ai thì thủy chung hết mực nhưng ghét ai thì cũng "ghét cả đường đi lối về". Anh sẵn sàng làm sang cho bạn mình mà không hề tiếc công, tiếc của.

Viết về Cao Văn Tuấn mà không viết doanh nhân "Tuấn cá sấu" sẽ là một "khiếm khuyết" không nhỏ. Có biệt danh thân mật này bởi nhiều năm anh là "Vua cá sấu Bắc Hà". Trang trại của anh có thời điểm lên tới mấy chục ngàn con. Trong xưởng giày da, hàng chục công nhân làm ngày, làm đêm không hết việc. Thế nhưng cũng như hầu hết doanh nhân của đất nước này, Tuấn đã hơn một lần "lên chó… xuống voi".

Có một Tết, Tuấn lên Hà Nội mời tôi ra quán bia hơi Hải xồm Lê Trọng Tấn "tất niên". Anh vừa đi chúc Tết một số văn nghệ sĩ, những người mà anh kính trọng, tặng quà bạn bè mà anh yêu mến nhân đầu xuân mới.

Nhìn vẻ mặt thoáng tư lự của anh, tôi hỏi có chuyện gì. Mãi rồi, anh mới thổ lộ rằng vừa phải cầm xe ôtô để trả lương cho nhân viên và chi tiêu cho Tết. Tôi chợt thương anh, thương cảm những doanh nhân nước nhà và đó là nguồn cảm xúc để tôi viết bài thơ "Đời doanh nhân mồ hôi hòa nước mắt" với lời đề tặng anh. Tuấn kể một lần nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), khi anh lên đọc bài thơ, cả hội trường ôm nhau khóc!

Cách đây khoảng chục năm, tôi đăng bài thơ trên Dân trí và được hàng vạn bạn đọc đón nhận, comment, nhiều cơ quan thông tin đại chúng và mạng xã hội đã chia sẻ bài thơ này và có nhạc sĩ đã phổ nhạc.

Yêu mến văn nghệ sĩ, tôn trọng tài năng và tôn thờ nghệ thuật, Cao Văn Tuấn - con ngựa hoang ngang tàng và lãng tử của miền đất "hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu".

Đời doanh nhân mồ hôi hòa nước mắt

Anh nâng cốc giữa mùa thu Hà Nội
Lời trầm ngâm như gió thoảng qua chiều:
“Đời doanh nhân mồ hôi hòa nước mắt
Đã bao giờ đong để biết bao nhiêu…”

Tôi đâu biết sáng nay anh dậy sớm
Chỉ kịp dằn lòng một gói mì tôm
Rồi vội vã lao ra đầu phố
Gọi cho mình một cuốc xe ôm.

Tôi đâu biết anh vừa đem nữ trang ngày cưới
Cùng với chiếc xe của con gán cho hiệu cầm đồ
Ghim tủi nhục, anh lao vào bàn tiệc
Cùng với bạn bè cao giọng zô.. zô!

Tôi đâu biết có chiều ba mươi Tết
Anh cắm xe và cắm cả ngôi nhà
Trả hết thưởng lương cho người lao động
Anh vẫn không quên tặng họ mấy phần quà

Tôi đâu biết trong năm chỉ có ba ngày Tết
Anh được thảnh thơi thoát khỏi nợ nần
Mồng bốn Tết lại lao đầu vào việc
Lại dập dìu chủ nợ đứng ngoài sân…

Tôi đâu biết anh chỉ thầm mong ước
Có một ngày không điện thoại, email
Một mình đến một nơi xa lạ
Nằm quay lơ, ngủ một giấc dài…

Tôi đâu biết đời doanh nhân cơ cực
Chỉ thấy nhà cao, hàng hiệu, xe sang
Và mỗi bận thiên tai, bão lũ
Lại thấy các anh hô: Xin được sẵn sàng!

Nhưng tôi biết doanh nhân như người lính
Đã lên yên là chỉ tiến, không lùi
Bởi đằng sau các anh không chỉ là tiền bạc
Mà còn có biết bao số phận những con người.

Tôi còn biết nếu anh nhụt chí
Là nhân viên tháng đó không lương
Có người già bệnh không có thuốc
Có em thơ dang dở chuyện đến trường…

Và tôi biết giữa chiều thu Hà Nội
Anh nâng cốc bia, đôi mắt mơ màng
Tôi biết có bao điều anh đang nghĩ
Bởi đời doanh nhân không có phút thư nhàn.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nguoi-ngang-tang-va-lang-tu-cua-mien-dat-hoa-phuong-do-i724691/