Người nâng tầm mật ong Chí Linh

Với niềm yêu thích loài ong, sống 'du cư' cùng đàn ong khắp trong Nam ngoài Bắc, chị Thanh Huyền đã lựa chọn Chí Linh làm điểm dừng chân. Chị đã xây dựng thương hiệu, đưa mật ong Chí Linh chinh phục nhiều thị trường nước ngoài khó tính.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền mang mô hình nuôi ong mật tới các khu du lịch để giới thiệu với du khách

Nhận thấy Chí Linh có điều kiện tự nhiên phù hợp nghề nuôi ong, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh năm 1973), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Mật ong Việt Ý ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) đã quyết định ở lại lập nghiệp và coi đây như quê hương thứ hai của mình.

Khởi nghiệp từ đàn ong

Lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), bố làm nghề nuôi ong nên chị Huyền đã sớm quen với những chú ong. Những ngày còn học phổ thông, thay vì tìm tới các cuốn tiểu thuyết để giải trí như đa số bạn bè cùng trang lứa, chị Huyền lại say mê những quyển sách viết về loài ong... Dần dần tình yêu với đàn ong cứ thế lớn lên theo cô gái ấy. Khi thi đại học, chị đã chọn Khoa Chăn nuôi thú y Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để được thỏa đam mê.

Được nhà trường cho phép, chị Huyền đã xin gia đình 1 trại ong nhỏ đặt tại Khoa Trồng trọt của trường để có thể vừa học, vừa vận dụng luôn kiến thức chăm sóc đàn ong. Nhận thấy hệ sinh thái ở khu vực hồ Núi Cốc phù hợp việc nuôi ong, chị Huyền đã xin bố cho làm một trại ong khoảng 300 đàn để tự mình chăn nuôi, chăm sóc. May mắn hơn khi ngay năm học đầu tiên, chị đã gặp được một vị giáo sư người Canada cùng có niềm say mê với loài ong và được thầy hướng dẫn, chuyển giao công nghệ nuôi ong hiện đại ở châu Âu. Mô hình đầu tiên đã mang lại hiệu quả, ngoài việc thu hoạch mật ong, chị còn xuất bán ong giống.

Vì thích nuôi ong theo chuẩn tự nhiên nên chị Huyền rất muốn tìm những nơi có hệ sinh thái còn tự nhiên, ít bị tác động bởi con người để chăn thả đàn ong. Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì chọn một công việc nghiên cứu ổn định, chị Huyền đã chọn nghề nuôi ong. Công việc nuôi ong vốn dĩ vất vả, nhưng nuôi theo phương pháp “du cư” như chị Huyền thì kỳ công hơn rất nhiều. Nay đây mai đó, “du mục” theo đàn ong đã trở thành cuộc sống của chị. Dù là con gái nhưng khắp các vùng sinh thái trong Nam ngoài Bắc gần như nơi đâu cũng có dấu chân của chị.

Năm 2020, Công ty CP Ong mật Việt Ý có 3 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Trong ảnh: Đại diện công ty đón nhận danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh

Đưa mật ong Chí Linh ra thị trường thế giới

Đầu những năm 2000, biết tới Chí Linh là vùng đất có điều kiện phù hợp nuôi ong, hơn nữa có nhiều hộ nuôi ong lấy mật, chị Huyền đã quyết định di chuyển đàn ong về đây. Thương con gái xa nhà, lại một mình ở vườn đồi nên cả nhà cũng khăn gói theo chị về Chí Linh lập trại. “Lần đầu tiên đặt chân tới Chí Linh, tôi đã nghĩ đây sẽ là nơi mình an cư lạc nghiệp với đàn ong. Bởi ở đây không chỉ có điều kiện tự nhiên phù hợp, mà khu vực này còn nằm trong vùng trung tâm kinh tế đồng bằng sông Hồng, chắc chắn nghề nuôi ong sẽ phát triển”, chị nói.

Để trại nuôi ong phát triển một cách bài bản, năm 2005 chị Huyền cùng bố mẹ và các anh thành lập HTX Ong mật Chí Linh. Nhờ áp dụng phương pháp nuôi ong tiên tiến trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, HTX đã thu hoạch được rất nhiều mật ong chất lượng. Nhưng tại thời điểm đó, chị vẫn chưa nghĩ ra cách bán sản phẩm như thế nào. Có thời điểm, mỗi năm trại ong của chị Huyền thu hoạch 100-200 tấn mật, nhưng đầu ra chưa ổn định nên HTX gặp nhiều khó khăn.

Lúc này, chị Huyền nhận định cần phải thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm và tìm cách đưa sản phẩm tới gần hơn với khách hàng. Tại thời điểm mọi người vẫn chỉ đựng mật trong những chai nhựa hoặc thủy tinh thông thường, chị Huyền đã tìm hiểu và sử dụng loại chai nhựa, lọ thủy tinh an toàn, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Một điều đặc biệt ở doanh nghiệp này là chỉ sản xuất các sản phẩm cùng một chất lượng, không phân biệt hàng xuất khẩu và hàng nội địa. “Tất cả sản phẩm của công ty xuất bán đều có tiêu chuẩn mật ong châu Âu. Tôi mong muốn mật ong Chí Linh vươn xa và chính người dân quê mình cũng được sử dụng những sản phẩm mật ong tiêu chuẩn châu Âu với giá thành nội địa”, chị Huyền chia sẻ.

Thời gian đầu do sản phẩm chưa được nhiều người biết tới nên chị Huyền phải gửi bán ở nhiều cửa hàng, thậm chí để các cửa hàng nhập sản phẩm về bán trước rồi thu hồi vốn sau. Dù có thời điểm rất khó khăn về vốn nhưng chị vẫn chấp nhận để sản phẩm được đến gần hơn với khách hàng.

Mỗi năm doanh nghiệp của chị Huyền bán trên 20 tấn mật ong, với 18 sản phẩm mang thương hiệu Việt Ý

Năm 2008, HTX được phát triển thành Công ty CP Mật ong Việt Ý với khu nhà xưởng rộng khoảng 300m2, giải quyết việc làm cho 30 công nhân. Từ đây, cách thức phân phối sản phẩm cũng đa dạng, chuyên nghiệp hơn, thị trường tiêu thụ của công ty ngày càng mở rộng. Chị Huyền thường mang các sản phẩm tới các hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu. Chị còn mở quầy giới thiệu sản phẩm tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng hoặc các điểm dừng chân của khách du lịch. Nhờ vậy, sản phẩm mật ong Chí Linh mang thương hiệu Việt Ý đã có mặt ở điểm dừng chân trên quốc lộ 18, khu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), Bà Nà Hill (Đà Nẵng)… Chưa dừng lại ở đó, chị Huyền còn kết nối với các khu du lịch xây dựng một điểm nuôi ong, thu mật để du khách được trải nghiệm thực tế. Hiện tại công ty đã xây dựng khu trải nghiệm tại khu du lịch Quảng Ninh Gate thuộc thị xã Đông Triều (Quảng Ninh)…

Bên cạnh việc chú trọng các quy trình sản xuất để có sản phẩm chất lượng, chị Huyền còn đầu tư xây dựng thương hiệu. 3 sản phẩm của công ty gồm mật ong Chí Linh, tổ sáp ong đặc biệt và sữa ong chúa là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh năm 2020.

Mỗi năm doanh nghiệp của chị Huyền bán trên 20 tấn mật ong, gần 5 tấn phấn hoa, 2 tấn sữa ong chúa... với 18 sản phẩm mang thương hiệu Việt Ý. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, công ty đã bán sản phẩm cho các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Đức, Mỹ... Và thông qua các khách du lịch đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, họ đã biết công dụng của sản phẩm nên mua về kinh doanh. Nhờ thế nhiều sản phẩm của công ty được xuất bán cho khách nước ngoài.

Tình yêu bất tận với ong

Trại nuôi ong của Công ty CP Mật ong Việt Ý đặt ở thôn An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh), với khoảng 500 đàn ong. Từng thùng gỗ là tổ ong được xếp ngay ngắn dưới gốc cây. Thăm thú nơi đây, đi tới đâu chị Huyền cũng say mê giới thiệu với chúng tôi về trại ong của mình. Chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời của mình, chị Huyền không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc. Đôi mắt của người phụ nữ ấy dường như sáng rực lên khi kể về những ngày tháng rong ruổi cùng đàn ong hay về những thành quả ban đầu… Trong suốt câu chuyện của mình, chúng tôi cảm nhận được tình cảm đặc biệt của chị Huyền với loài ong. Có lẽ với chị, trại ong này không chỉ là công việc mà đây là toàn bộ tâm huyết, là thanh xuân, là một điều gì đó gắn bó như máu thịt với chị… “Điều thu hút tôi ở loài ong chính là tính trật tự, kỷ luật. Mỗi loài ong lại có những đặc tính riêng. Như ong thợ thì chăm chỉ hút mật, ong chúa thì làm công việc duy trì nòi giống… Mỗi con đều có những vẻ đẹp riêng. Mỗi loại ong lại cho đời những sản phẩm quý giá, nên mình càng trân trọng chúng. Cũng vì thế mà tôi cảm thấy mình cũng cần học tính cần cù, tôn trọng trật tự của loài ong và hãy sống thật tốt để góp thêm những giọt mật cho đời”, chị Huyền nói.

Cũng chính nhờ tình yêu dành cho loài ong nên chị Huyền đã nhận được “mật ngọt” từ ong và tìm được bến đỗ của đời mình. Chồng chị có cùng đam mê nên đã trở thành điểm tựa để chị ngày ngày thêm nỗ lực, tâm huyết với từng đàn ong.

THANH HOA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/nguoi-nang-tam-mat-ong-chi-linh-214691