Người mua vàng cần chủ động yêu cầu xuất hóa đơn

Câu chuyện mua bán vàng phải có hóa đơn, chứng từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Và để thực hiện được điều này, ngoài sự nhập cuộc của các cơ sở kinh doanh vàng, cơ quan chức năng liên quan, người mua vàng cũng cần nhận thức và đòi hỏi quyền được xuất hóa đơn khi mua hàng.

 Khách hàng cần chủ động yêu cầu cửa hàng xuất hóa đơn khi mua hàng

Khách hàng cần chủ động yêu cầu cửa hàng xuất hóa đơn khi mua hàng

Từ ngày 15/6 mua bán vàng phải xuất hóa đơn

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay trên địa bàn có 28 địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng; 75 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong bối cảnh giá vàng trong nước biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang tăng cường phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong công tác quản lý, giám sát; đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, hiện giá vàng có những biến động “khó lường”, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn được nới rộng. Cụ thể, trong phiên giao dịch mới đây, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn niêm yết ở ngưỡng mua vào 88,6 triệu đồng/lượng, bán ra 90,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại cũng được giao dịch ở mức 75,7 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 77,4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 74,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3 triệu đồng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 16 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch mua vào – bán ra cũng gia tăng khoảng cách ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng, có thời điểm còn cao hơn con số này. Trong khi những năm trước, mức chênh lệch mua vào - bán ra vàng SJC trong nước chỉ dao động quanh ngưỡng 550 đến 700 ngàn đồng/lượng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người mua vàng khi mua, bán trong thời gian này.

Để ổn định thị trường vàng, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đồng thời yêu cầu đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện xuất hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Người mua hàng phải yêu cầu cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn

Mua bán, hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ được đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm qua. Nhất là sau khi, ngành thuế đẩy mạnh thực hiện triển khai thành công hóa đơn điện tử với 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện hóa đơn điện tử từ 1/7/2022.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Giám đốc DOJI chi nhánh Huế, Công ty đang thực hiện nghiêm quy định hóa đơn, chứng từ. Nhất là từ sau 1/7/2022 khi ngành thuế thực hiện chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, các khách hàng khi mua hàng đều được xuất hóa đơn mua hàng có mã của cơ quan thuế.

Quan sát thực tế tại cửa hàng DOJI trên đường Trần Hưng Đạo cũng khẳng định điều này. Sau khi lựa chọn được món hàng ưa ý, khách hàng được đưa đến quầy thanh toán và được yêu cầu các thông tin cần thiết như tên, số điện thoại để xuất hóa đơn. Khách hàng sẽ nhận hóa đơn trực tiếp từ nhân viên thu ngân và sẽ được gửi về số điện thoại hoặc email nếu có yêu cầu.

Tại nhiều cửa hàng có kinh doanh vàng SJC, quy trình mua bán vàng cũng tương tự. Tuy nhiên tại một số cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ, nhất là các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, việc xuất hóa đơn vẫn đang trong quá trình tiếp cận. Một số cửa hàng vẫn áp dụng việc ghi giấy tay, giấy đảm bảo.

Theo lý giải của một số cơ sở, muốn xuất hóa đơn thì phải có hóa đơn đầu vào. Trong khi các cơ sở kinh doanh, chế tác vàng nhỏ lẻ, vàng trang sức chủ yếu sử dụng vàng mua bán trong dân để chế tác. Vì thế, muốn thực hiện nghiêm quy định xuất hóa đơn khi mua vàng sẽ gặp chút khó khăn. Chúng tôi rất mong được các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn thực hiện để đảm bảo thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan.

Thực tế, trước khi có yêu cầu này của Thủ tướng Chính phủ, Cục Thuế tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền thúc đẩy áp dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế từ máy tính tiền đối với mặt hàng vàng cũng như nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản đề nghị các cục thuế tiếp tục rà soát toàn bộ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh vàng và tạo thói quen mua hàng lấy hóa đơn của người mua vàng.

Trong các buổi tiếp xúc với người nộp thuế, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đều đưa ra thông điệp, để đảm bảo quyền lợi cho chính mình, người mua hàng cần phải yêu cầu các cửa hàng kinh doanh phải xuất hóa đơn khi mua hàng, hoặc kiên quyết từ chối mua hàng tại những cơ sở kinh doanh từ chối xuất hóa đơn để đảm bảo quyền lợi cho mình. Đây cũng chính là căn cứ để khách hàng tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nguoi-mua-vang-can-chu-dong-yeu-cau-xuat-hoa-don-141093.html