Người mở đất lập thôn xứ Trảng

Trước thế kỷ thứ XVII, Trịnh-Nguyễn phân tranh, nội chiến kéo dài, nhiều đồng bào miền Trung rời quê hương vào phương Nam khai hoang lập nghiệp, làm ăn sinh sống. Trong đó có ông Đặng Văn Trước (húy hiệu Đặng Úy Dừa), người gốc tỉnh Bình Định.

Đình Gia Lộc

Ngược dòng lịch sử

Năm 1811, ông Đặng Văn Trước dừng chân ở Bến Đồn (ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng ngày nay) để khai khẩn đất đai làm ăn sinh sống. Nhưng vì đất đai ở Bến Đồn có nhiều sỏi cát, khó trồng trọt, năm 1818, ông Trước và một số thân hào nhân sĩ đến làng Bình Tịnh (thị xã Trảng Bàng ngày nay) làm đơn xin nhượng lại một số lô đất để khai khẩn lập làng với tên gọi là Phước Lộc thôn.

Những năm sau đó, lưu dân các nơi tụ về Phước Lộc thôn sinh sống. Thời điểm đó, Trảng Bàng là một vùng đất rừng rậm hoang vu, nhiều thú dữ. Năm 1821, ông Trước chỉ huy dân chúng đào một con kênh thông ra rạch Trảng Bàng để mở đường buôn bán và lập một ngôi chợ tại đây.

Ông cho mở mang thêm đường sá, lập chợ, biến một vùng đất hoang vu trở thành một khu vực trù phú về nông nghiệp và phát triển về thương nghiệp. Cùng với nhu cầu phát triển của cư dân, ông Trước mua thêm một phần đất nữa để mở rộng địa giới của Phước Lộc thôn.

Năm 1836, Minh Mạng thứ XVII, Phước Lộc thôn đổi thành “Gia Lộc thôn”, thuộc huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng). Vào thời điểm này, giặc Miên thường hay vượt biên giới sang quấy nhiễu và cướp tài sản của nhân dân, nhưng đều bị ông Đặng Văn Trước và dân binh dẹp tan.

Ngày 5.3 năm Bính Tuất (1826), ông Cả Đặng Văn Trước qua đời. Để tưởng nhớ người có công mở đất, đào kênh, lập chợ cùng với nhân dân chống giặc giữ làng, sau khi ông mất, nhân dân trong vùng an táng và xây dựng một ngôi mộ tại nơi ông dừng chân đầu tiên ở Bến Đồn.

Hằng năm, vào đêm 11 rạng sáng 12.10 âm lịch, nhân dân địa phương kéo nhau về tảo mộ và thắp hương tưởng nhớ ông. Nhân dân tôn ông Đặng Văn Trước là thành hoàng và cùng với chính quyền địa phương xây dựng đình Gia Lộc (phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng hiện nay) để thờ ông.

Ngôi đình thờ ông cả Đặng Văn Trước được sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” năm Bảo Đại thứ 8, ngày 29.8.1933; được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 3211/QĐ-BT, ngày 12.12.1994.

Bên trong Đình Gia Lộc.

Ngoài đình Gia Lộc, con cháu dòng họ Đặng còn lập đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước tại phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Năm 2004, đền thờ ông Cả được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (theo Quyết định số 179/QĐ-CT).

Hằng năm, vào 2 ngày mùng 5 và mùng 6.3 âm lịch, Ban Quý tế đền tổ chức lễ cúng giổ ông Cả. Sau lễ giỗ ông Cả, vào các ngày 14-16.3 âm lịch, đình Gia Lộc tiếp tục tổ chức lễ Kỳ yên. Để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công mở mang bờ cõi, lập thôn, giữ đất, chính quyền địa phương lấy tên của ông đặt tên cho trường tiểu học và tên đường ở thị xã Trảng Bàng.

Nhắc về ông Cả Đặng Văn Trước, ông Đặng Văn Tách, 83 tuổi, ngụ phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, Trưởng Ban Quý tế Đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước, cho biết thêm, nhiều người dân trước đây ở Trảng Bàng hiện đang sinh sống ở nước ngoài mỗi lần về thăm quê hương đều đến đền thờ cúng viếng ông.

Lưu truyền hậu thế

Ông Phí Thành Phát- hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về gia tộc họ Đặng ở thị xã Trảng Bàng cung cấp thêm, thời gian đầu, đình Gia Lộc được xây dựng ở khu vực Bàu Đình, nay thuộc khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng.

Vì địa thế không xứng tầm với ngôi đình, năm 1929, ông Nguyễn Hữu Trí- người dân Trảng Bàng mến mộ tài đức ông Cả Đặng Văn Trước nên đã hiến một phần đất rộng rãi để xây dựng đình. Mặc dù mang tên đình Gia Lộc nhưng ngôi đình này tọa lạc trên địa giới hành chính của phường Trảng Bàng ngày nay.

Trong lễ Kỳ yên đình Gia Lộc có nghi thức rước sắc thần ông Cả từ đền thờ về đình, lễ hồi sắc vào chiều ngày 16.3. Năm 2012, lễ Kỳ yên đình Gia Lộc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo chu kỳ, ba năm tổ chức lễ cúng đình với quy mô lớn một lần. Trong những dịp lễ lớn, bên cạnh những nghi thức thông thường còn tổ chức hát bội. “Có người dân không thuộc dòng họ Đặng cũng lập miếu thờ ông Cả tại gia đình, để tưởng nhớ công lao của người có công khai phá vùng đất hoang sơ lập nên Trảng Bàng phát triển như hôm nay”- ông Phí Thành Phát nói thêm.

Mộ ông Cả Đặng Văn Trước.

Theo bà Chung Thị Thu Trang- chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Trảng Bàng, người dân địa phương, đặc biệt là tiểu thương thường xuyên đến đền thờ ông thắp hương cúng bái. Hằng năm, đến ngày giỗ của ông, đông đảo người dân đến thắp hương để tưởng nhớ công đức của ông đã khai mở vùng đất này.

Bà Trang cho biết thêm: “Vào dịp Đại lễ Kỳ yên, Ban Quý tế đình Gia Lộc phải nấu khoảng 3 tấn xôi để tặng người dân. Những kỳ lễ hội Kỳ yên bình thường cũng nấu khoảng 1,3 tấn xôi mới đủ phục vụ bà con”.

Từ một vùng đất hoang sơ, các vị tiền hiền của gia tộc họ Đặng đã khai khẩn và từng bước xây dựng để trở thành thị xã Trảng Bàng phát triển phồn thịnh như ngày hôm nay. Gia tộc họ Đặng ở Trảng Bàng đã ghi một dấu son không thể nào quên trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nguoi-mo-dat-lap-thon-xu-trang-a156607.html