Người mẹ hiền thứ hai

'Nếu cho tôi một cơ hội lựa chọn nghề khác, tôi vẫn chọn nghề giáo viên mầm non. Vì ở đây tôi tìm thấy niềm vui và có được động lực phấn đấu trong cuộc sống cũng như trong công việc'.

Cô Mi luôn tự hào vì mình là một giáo viên mầm non

Đó là lời tâm sự rất đỗi chân thành của cô giáo mầm non có cái tên khá ấn tượng Gịp Quỳnh Thu Mi - một trong những gương mặt nhà giáo tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mời về Thủ đô Hà Nội dự Lễ tuyên dương.

Nhiều trải nghiệm thú vị

Cô Mi là người dân tộc Nùng, hiện là giáo viên dạy giỏi của Trường mầm non Măng Non (Di Linh, Lâm Đồng). Mới đó mà đã 16 năm, cô Mi gắn bó với công việc “cô nuôi dạy hổ” và cô đã trở thành người mẹ thứ hai của không biết bao nhiêu thế hệ măng non.

Cô tâm sự: Hạnh phúc nhất là thấy các cháu tiến bộ từng ngày, nhanh nhẹn, hoạt bát, có kỹ năng ứng xử trong giao tiếp và phát triển toàn diện về các mặt giáo dục”.

Từ kinh nghiệm của bản thân, cô tâm niệm: Làm việc gì cũng cần sự tâm huyết. Riêng đối với giáo viên mầm non, ngoài tinh thần trách nhiệm, cần phải có cái tâm của người thầy, đòi hỏi tình thương, hết lòng quan tâm lo lắng đến các em, bởi các em chính những chồi non, là tương của quê nhà.

“Hãy hết mình vì trẻ, trẻ sẽ cho ta niềm vui trong cuộc sống. Người ta bảo “cùng sào mới nhào vô mầm non”, toàn hát múa vớ vẩn chẳng khác gì là osin… nhưng với tôi, đó là một nghề cao quý, và tôi luôn tự hào vì mình là một giáo viên mầm non”- cô Mi trải lòng và cho biết:

Đúng là làm giáo viên mầm non tuy có vất vả, nhưng lại có nhiều niềm vui và nhiều trải nghiệm thú vị. Vui nhất là hàng ngày được chứng kiến các em líu lo như những chú chim non, ríu rít bên cô, cùng cô trang trí lớp học, cùng cô chuẩn bị đồ dùng học tập…

“Làm giáo viên mầm non cũng giúp tôi học thêm được chữ “Nhẫn”. Tôi cũng trở nên nền nã hơn, nhẹ nhàng hơn và tỉ mỉ hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Với đặc thù của công việc này, nếu không kiên trì, kiên nhẫn và nhẹ nhàng với các em thì rất dễ bị tác dụng ngược, tức là phản giáo dục” – cô Mi chia sẻ.

Cô Mi hướng dẫn học sinh làm quen với thiên nhiên

Sáng làm ca sỹ, chiều làm y tá

Theo kinh nghiệm của cô Mi, để có thể lôi cuốn trẻ hứng thú, tham gia vào các hoạt động học tập một cách tích cực, đồng thời giúp trẻ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, giáo viên cần nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến chương trình học.

Từ đó xây dựng các bài soạn phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Chẳng hạn như, các đồ dùng dạy học hoặc các giáo cụ trực quan, giáo viên nên chú ý đến thẩm mỹ, màu sắc để thu hút trẻ tham gia vào các hoạt động học.

Hay như với những trẻ còn nhút nhát thì cần động viên các em thường xuyên tham gia vào các hoạt động nhóm và khuyến khích các em giao tiếp ở mọi lúc, mọi nơi.

Cũng theo cô Mi, làm giáo viên mầm non phải làm tròn nhiều vai: Sáng làm ca sỹ, chiều chuyển sang làm y tá; Hôm nay làm diễn viên, mai trở thành đạo diễn; có lúc thì vừa phải làm mẹ, vừa phải làm bạn với các bé… nói chung là muôn màu, muôn vẻ và vô vàn các cung bậc cảm xúc.

Mục đích cuối cùng vẫn là vì sự phát triển toàn diện của các em học sinh; để các em không chỉ chăm ngoan, biết nghe lời cô giáo, bố mẹ, ông bà và người thân mà con phát triển được nhiều kỹ năng mềm như: Ứng xử trong giao tiếp, kỹ năng nói chuyện, làm việc nhóm và tự tin nói ở những chỗ đông người.

Từ đó, phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình cho cô giáo. Đồng thời xã hội sẽ có cái nhìn khác hơn, thiện cảm hơn về nghề “cô nuôi dạy hổ.

Tập làm “cô nuôi dạy hổ” từ thủa vỡ lòng

“Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để níu chân tôi lại, đủ để tôi nguyện mãi làm cô giáo mầm non. Tôi chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình, mà trái lại tôi thấy rất vui, rất hạnh phúc khi được làm công việc mà mình yêu thích” – cô Mi bộc bạch và “bật mí”:

Cô ước mơ làm giáo viên mầm non từ khi còn nhỏ. Nhớ lại ngày còn là học sinh tiểu học, trong xóm có mấy em bé tuổi mẫu giáo, chiều nào cô cũng tập hợp các em lại để dạy hát, dạy múa và ê, a tập đọc những chữ “i tờ”.

Ước mơ của Mi lớn dần theo năm tháng. Cho đến năm 1997, sau khi đỗ “Tú tài”, cô quyết định từ Lâm Đồng xuống Sài Gòn ứng thí vào Trường Cao đẳng sư phạm Mẫu Giáo TW3.

“Ngày cầm giấy triệu tập nhập học trên tay, tôi mừng rơi nước mắt, khoe hết mọi người trong gia đình. Lúc này, tôi tự nhủ ước mơ làm cô giáo mầm non của mình đã thành hiện thực.

Vậy nên mình phải cố gắng học tập thật tốt, để có được những kiến thức phục vụ cho công việc sau này. Mình cũng sẽ là một cô giáo tốt, là người mẹ hiền thứ hai của các em” – cô Mi tự nhủ.

Giờ đây, cô không chỉ là giáo viên dạy giỏi của Trường mầm non Măng Non mà còn là giáo viên cốt cán của phòng GD&ĐT huyện Di Linh (Lâm Đồng).

Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen của phòng GD&ĐT, UBND huyện Di Linh; Sở GD&ĐT và UBND tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, ngay trong năm học 2016 – 2017, cô vinh dự là một trong những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc nhất của cả nước được Bộ trưởng BộGD&ĐT tặng Bằng khen, được mời dự Lễ tuyên dương khen thưởng tháng 10/2016 tại Hà Nội vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, nhất là trong công cuộc đổi mới giáo dục.

"Hạnh phúc của giáo viên mầm non chúng tôi rất giản dị. Hạnh phúc ấy không thể đong đếm bằng vật chất, tiền tài, danh vọng mà phải được cảm nhận từ trong sâu thẳm trái tim dựa trên chất liệu là lòng yêu nghề, mến trẻ và niềm tin của phụ huynh, đồng nghiệp.

Nhìn các con ngoan ngoãn, khôn lớn từng ngày, nhiều em đã trở thành những con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội đã tiếp thêm động lực để tôi hoàn thành sứ mệnh của một nhà giáo".

Cô Gịp Quỳnh Thu Mi

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nguoi-me-hien-thu-hai-2448098-b.html