Người mang tham vọng biến thư viện thành trung tâm tri thức cộng đồng

'Dù khó khăn, tôi vẫn chọn theo học ngành thư viện đến cùng. 10 năm đồng hành cùng thư viện Dương Liễu dựa trên đam mê', Phùng Bá Hưng chia sẻ.

- Hạt mầm với sách và Thư viện Dương Liễu đã nảy nở trong anh thế nào?

- Sách chính là cơ duyên đưa tôi đến với ngành thư viện. Ngày bé, tôi mê sách vô cùng, sang cấp 2, lượng sách đọc ngày một tăng thêm. Lên đại học, tiền dành dụm được, tôi đều bỏ ra mua sách và tới khi ra trường, mô hình Thư viện Dương Liễu được ra đời.

- Trên hành trình đưa Dương Liễu từ một thư viện nhỏ trong căn phòng khách của một thành viên trở thành điểm hẹn văn hóa của nhiều thế hệ độc giả, anh và cộng sự gặp thuận lợi và khó khăn gì?

- Thời gian đầu, chúng tôi bắt đầu chỉ với không gian phòng khách nhỏ, vài giá sách và khi ấy bạn đọc cũng chỉ có trẻ con và các bạn trẻ trong xóm. May mắn thay, dự án được các anh chị, bạn bè giúp đỡ nhiệt tình. Tạm khắc phục được cái khó về cơ sở vật chất, chúng tôi lại đau đầu với bài toán thiếu hụt tình nguyện viên. Thời điểm đó, thư viện tư nhân ở xã Dương Liễu vẫn còn là thứ gì đó xa lạ với người dân nên khi họ nhìn thấy mô hình thư viện hoạt động miễn phí, không tránh khỏi sự tò mò.

Khi đi vào hoạt động, dự án dần nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, thu hút một số tình nguyện viên. Khoảng năm thứ 3, thứ 4, thư viện có 30-40 người. Đến giờ đã lên đến 100 tình nguyện viên.

- Khái quát về chặng đường 10 năm ý nghĩa của thư viện Dương Liễu trong 3 từ, anh sẽ chọn từ nào?

- Theo tôi, thứ nhất là “Trưởng thành”, vì từ con số 0, đến nay Thư viện Dương Liễu đã lớn mạnh hơn rất nhiều, không những trưởng thành về số lượng mà cả chất lượng. Vượt qua mục tiêu ban đầu tạo ra không gian đọc riêng cho trẻ em, Thư viện Dương Liễu đã trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động, sự kiện góp phần làm giàu đời sống tinh thần của người dân trong xã.

Thứ hai là “Nhiệt huyết”. Thời đại học và sau đại học, khi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều mô hình tình nguyện khác, tôi nhận thấy các bạn sinh viên thường chỉ tham gia 1-2 tháng, đồng hành lâu hơn cũng chỉ được 1-2 năm. Nhưng tại Thư viện Dương Liễu, chúng tôi không thiếu những thành viên đã tham gia 3-4 năm trở lên, thậm chí lâu hơn. Kể cả khi có gia đình, một số thành viên vẫn dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho thư viện.

Từ thứ ba là “Tham vọng”, xuất phát từ nhóm người sáng lập và đứng đầu Thư viện Dương Liễu. Ban đầu, chúng tôi dự định tạo ra một mô hình đọc sách, nhưng trong quá trình học hỏi, nghiên cứu, nhận thấy giá trị của thư viện không chỉ dừng lại ở phát triển văn hóa đọc nên đặt ra một tham vọng lớn hơn: biến thư viện trở thành trung tâm tri thức cộng đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tham vọng mọi người sẽ thu về những giá trị tốt đẹp để phát triển bản thân. Tôi vẫn thường dùng từ “localize” và “globalize” (địa phương hóa nhưng vẫn toàn cầu hóa) để nhấn mạnh rằng mặc dù đây là mô hình nhỏ, chỉ nằm trong phạm vi xã Dương Liễu và huyện Hoài Đức, nhưng chất lượng công việc, hoạt động hướng tới cộng đồng, truyền thông… phải đạt đến sự chuyên nghiệp nhất định.

- Là người Việt Nam thứ 2 nhận được học bổng Chương trình thạc sĩ Đại học Fulbright về ngành học Thông tin Thư viện, cảm xúc của anh thế nào? Vì sao anh chọn ngành học có vẻ "không thời thượng"?

- Được trở thành một trong 19 Fulbrighter của Việt Nam, tôi rất vui mừng, vì đó là cả một quá trình ấp ủ ước mơ và vỡ òa niềm vui khi nhận kết quả. Đầu năm 2020, tôi dự định theo học ngành thư viện nên đã tìm hiểu chương trình học bổng như Erasmus Mundus (Liên minh Châu Âu), hay Chevening (Anh). Sau đó, tôi nhận ra chỉ có học bổng Fulbright có đề cập trực tiếp về ngành học này.

Khi nghe kể những người đi trước rất giỏi, tôi phần nào thấy thiếu tự tin, so sánh bản thân với họ và nhận định đây là một lựa chọn “khó với tới”. Tra cứu trên web, tôi mới biết ở Việt Nam chỉ có một người đi học về thư viện, nhưng đó là câu chuyện của…. 18 năm trước (2005). Tôi cũng biết rằng đây là một ngành học ít được các bạn trẻ chọn lựa.

Bản thân tôi cũng tìm hiểu trước về ngành thư viện và tham gia một nhóm mà hầu hết thành viên làm ở các thư viện trường học Việt Nam. Có người kinh nghiệm trên 10 năm lương vẫn chỉ hơn 3-4 triệu đồng, phải làm thêm bên ngoài. Nguyên nhân là chính sách về thư viện và những người trong nghề không được nhìn nhận và đối xử thỏa đáng…

Thế nhưng, tôi vẫn quyết định chọn theo đến cùng. 10 năm nay, tôi đã đồng hành cùng Thư viện Dương Liễu dựa trên đam mê là chính, nên tiền bạc hay ngành học thời thượng không phải yếu tố quyết định khi tôi chọn học thư viện.

Mặt khác, đa số dự án thư viện ở Việt Nam phát triển theo chiều rộng như gây quỹ sách, xây dựng tủ sách, thư viện… Tuy nhiên, lại thiếu hụt các dự án để nâng cao năng lực về ngành hoặc hỗ trợ các cá nhân, nhất là khi mô hình thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng đang “nở rộ”. Thực tế, nếu không có hoạt động hay dự án nào hỗ trợ phát triển chuyên môn, tạo động lực cho những người trong nghề thì các thư viện được mở ra rồi cũng “chết yểu”.

Song dù thế nào, tôi vẫn chọn ngành thư viện, bởi khó khăn cũng tương ứng với cơ hội.

-Tương lai của Thư viện Dương Liễu trong 10 năm nữa sẽ thế nào, anh hãy giúp độc giả hình dung?

- Tôi hy vọng Thư viện Dương Liễu sẽ tìm được một địa điểm mới và xây dựng trụ sở riêng, vì hiện tại vẫn “nương nhờ” nhà dân nên mọi hoạt động gói gọn trong 50 mét vuông. Ước mơ của tôi là sẽ có một khu thư viện với các phòng ban riêng biệt cho từng dự án khác nhau, hệ thống cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn.

- Mạng lưới Thư viện địa phương tại Việt Nam - Local Bookable đang phát triển ra sao?

- Tháng 2/2019, Local Bookable ra đời nhằm hỗ trợ nhóm mạng lưới thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng về kinh nghiệm hoạt động, cách thức vận hành và truyền cảm hứng. Local Bookable hiện có 36 thành viên, có những thư viện được chúng tôi hỗ trợ từ khi chưa có gì trong tay. Local Bookable cũng là dự án phi lợi nhuận nên không thu phí tư vấn, thậm chí với các thư viện mới đăng ký, chúng tôi còn bỏ tiền túi đến tận nơi tìm hiểu tình hình và sẵn sàng hỗ trợ.

Dự án cũng kết nối với các cá nhân có chuyên môn theo từng lĩnh vực, ví dụ như phát triển văn hóa đọc hoặc truyền thông. Chúng tôi rất vinh dự đón nhận sự đồng hành của TS. Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

- Thư viện được coi là một trụ cột để phát triển văn hóa xã hội có phải là điều anh tâm đắc?

- Đúng vậy, đối với tôi, thư viện không chỉ là nơi chứa đựng những cuốn sách về mặt vật lý mà còn chứa đựng linh hồn, tinh hoa tri thức của cả cộng đồng. Khi đến thư viện, độc giả không chỉ học qua sách mà còn thu nhận kiến thức từ những cuộc trò chuyện, tham gia sự kiện. Mỗi thư viện là điểm giao thoa và lưu giữ nguồn chất xám theo từng khu vực.

- Gia đình hỗ trợ thế nào để anh dành nhiều tâm sức cho những hoài bão lớn như vậy?

- Gia đình giúp đỡ và động viên tôi rất nhiều. 10 năm qua, có những thời điểm tôi phải đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân, hỗ trợ gia đình mà vẫn song song hoạt động bên thư viện. Mặc dù đôi khi cũng có việc này, việc kia nhưng bố mẹ biết tôi gánh vác trách nhiệm đối với Thư viện Dương Liễu nên hết sức thông cảm. Nếu như không có gia đình ủng hộ, công việc của tôi chẳng thể phát triển được như ngày hôm nay.

- Đến ngày nào đó, thư viện sẽ có lợi nhuận giúp anh ổn định cuộc sống và tái đầu tư, anh có tin vậy không?

- Khi làm dự án thư viện, bản thân tôi cũng xác định đây là con đường mình đi lâu dài. Nhưng tôi mong rằng khi Việt Nam ngày càng phát triển, các thư viện sẽ được chú trọng đầu tư. Mọi người nhìn nhận và quan tâm đúng mức đối với ngành thư viện, các dự án được nhân rộng, nhiều nguồn hỗ trợ giúp những người trong ngành duy trì cuộc sống và theo đuổi đam mê.

- Anh nhận xét về hệ thống thư viện bên Mỹ?

Cá nhân tôi thấy Mỹ là một trong số các quốc gia đặc biệt dành sự quan tâm và đầu tư cho thư viện. Đối với những thư viện tôi có dịp đi qua, đa số nằm ở trung tâm các khu dân cư hoặc trường đại học. Mạng lưới thư viện trải rất rộng. Ví dụ, Missoula là thành phố nhỏ ở Montana, với dân số chỉ hơn 74.000 người (2021), nhưng có đến 6 thư viện chi nhánh.

Ở Việt Nam, đa số thư viện chỉ tập trung về lưu trữ sách, nếu có hoạt động xoay quanh văn hóa đọc. Trong khi đó, thư viện Mỹ đan xen nhiều chuỗi sự kiện đa dạng về giáo dục, gia đình, vui chơi cho trẻ em, ứng dụng công nghệ thông tin, thậm chí cả… lớp nấu ăn.

Hoạt động thư viện ở đây mang tính incluesive (toàn bộ) để không ai bị bỏ rơi. Các thư viện công cộng đều có chương trình thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng trong xã hội. Chẳng hạn như thư viện Missoula - nơi tôi từng thực tập có chương trình dành cho các bé 1 đến 3 tuổi chưa biết đọc thì bố mẹ sẽ đưa đến nghe đọc sách. Với nhóm học sinh cấp I - II, hàng tháng nhà trường sẽ tổ chức tham quan và làm thẻ đọc.

Đặc biệt, nhóm người khuyết tật cũng được thiết kế một chương trình đọc sách riêng. Với người già, thư viện Missoula sẽ mang sách đến tận tay các cụ tại trại dưỡng lão. Sách dành cho nhóm người cao tuổi cũng được thiết kế riêng, in chữ to hơn. Mỗi tuần, thư viện còn đưa xe bus đến khu vực người vô gia cư sinh sống, trên xe có cả sách và Internet giúp họ tiếp cận với kiến thức.

Đến với thư viện, ai nấy đều được chào đón, không phân biệt chủng tộc, màu da và hoàn cảnh sống.

Anh Nguyễn - Linh Đan/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn//nguoi-mang-tham-vong-bien-thu-vien-thanh-trung-tam-tri-thuc-cong-dong-post1449074.html