Người mang cầu truyền hình Olympia về Hải Phòng sau 11 năm

Sau khi mang cầu truyền hình Olympia về cho quê hương, Vũ Bùi Đình Tùng tự hào vì hoàn thành tâm nguyện của ông nội từ nhiều năm trước.

Đạt 320 điểm nhưng vụt mất vòng nguyệt quế ở trận tuần sau phần thi câu hỏi phụ, chiến thắng ở vòng tháng với cách biệt điểm số, giành cầu truyền hình đồng thời lập kỷ lục Về đích trong trận quý II.

Đó là hành trình đến với chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 của Vũ Bùi Đình Tùng, học sinh lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Lần gần nhất TP Hải Phòng có đại diện góp mặt ở chung kết là cách đây 11 năm, khi Phạm Thị Ngọc Oanh vô địch năm 2011. Trường chuyên Trần Phú cũng phải chờ đợi 14 năm mới lại có học sinh đạt thành tích này.

“Em cảm thấy tự hào vì rất lâu rồi Hải Phòng mới đón cầu truyền hình. Em cũng vui vì đã làm được điều xứng đáng với nỗ lực của bản thân”, Tùng nói với Zing sau chiến thắng vừa qua.

 Với 310 điểm, Vũ Bùi Đình Tùng có chiến thắng cách biệt ở trận thi quý và giành vé vào chung kết năm. Ảnh: Fanpage Olympia.

Với 310 điểm, Vũ Bùi Đình Tùng có chiến thắng cách biệt ở trận thi quý và giành vé vào chung kết năm. Ảnh: Fanpage Olympia.

Học tập có khoa học

Trường THPT chuyên Trần Phú nổi danh với truyền thống học tập tốt, có nhiều học sinh giành giải cao trong các cuộc thi. Cá nhân đại diện trường tham dự Olympia phải trải qua những vòng tuyển chọn gắt gao.

Năm vừa qua, vì một số lý do, nhà trường không tổ chức thi loại trực tiếp. Các học sinh tự đăng ký và được xét dựa vào thành tích, điểm số trên lớp, đánh giá của giáo viên bộ môn để lựa chọn người xứng đáng nhất.

Tùng được thầy, cô đánh giá cao nhờ thành tích tốt trong năm học trước khi điểm trung bình các môn đứng đầu lớp. Nam sinh cũng từng giành giải nhất cuộc thi Toán bằng tiếng Anh cấp thành phố năm 2021 và được Thành Đoàn trao tặng danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp thành phố.

Ngay từ năm cấp 2, Tùng cũng giành nhiều giải thưởng về học tập và được tuyển thẳng vào các trường công lập của Hải Phòng. Tuy nhiên, cậu quyết tâm theo học trường chuyên Trần Phú.

“Trước cuộc thi quý, em không đặt áp lực quá lớn cho mình là phải chiến thắng. Em chỉ cố gắng chơi hết mình và có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo từ trước”, nam sinh nói.

 Tính đến hết quý II, Đình Tùng hiện giữ 2 kỷ lục gồm thí sinh có tổng điểm cao nhất (320 điểm) và giành nhiều điểm Về đích nhất (170 điểm). Ảnh: VTV.

Tính đến hết quý II, Đình Tùng hiện giữ 2 kỷ lục gồm thí sinh có tổng điểm cao nhất (320 điểm) và giành nhiều điểm Về đích nhất (170 điểm). Ảnh: VTV.

Theo đó, để có khối lượng kiến thức đầy đủ cho cuộc thi, Tùng đặt ra cho mỗi môn học phương pháp khác nhau.

Ví dụ, với các môn tự nhiên, Tùng học cách tính toán, ghi nhớ khái niệm, giải thích hiện tượng trong thực tế. Còn với các môn xã hội, cậu tập trung ghi nhớ tác giả, tác phẩm, nhân vật, sự kiện tiêu biểu và ghi nhớ một cách có hệ thống các bảng biểu, câu hỏi trắc nghiệm.

Ngoài ra, Tùng còn tích cực trau dồi vốn ngoại ngữ bằng cách học từ vựng, nghe thêm bài hát tiếng Anh.

“Em đặt ra thời gian biểu thích hợp cho từng giờ trong ngày. Em thường dậy lúc 5h sáng để học các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi sự tỉnh táo, minh mẫn nhất. Những bộ môn khác em có thể học vào buổi chiều, tối kết hợp giải trí, thể dục thể thao. Có thời gian em cũng xem lại các chương trình Olympia đã phát sóng để luyện lại đề của anh, chị khóa trước. Em thường học tới 22h rồi đi ngủ để đảm bảo sức khỏe”, nam sinh cho hay.

Tại Olympia, bên cạnh kiến thức xã hội, đa số câu hỏi có nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa THPT. Bởi vậy, trên lớp, ngoài làm bài tập, Tùng tích cực nghe giáo viên giảng. Với phần đọc thêm trong sách bài tập, chàng trai thường hỏi thầy, cô hoặc ghi lại trong sổ tay riêng để học.

Trường THPT chuyên Trần Phú cũng có mạng lưới kết nối học sinh và cựu học sinh rộng lớn do Lê Trung Hiếu, cựu học sinh từng vào chung kết Olympia năm 2008, lập ra. Qua đó, Tùng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ đàn anh cho chặng đường sắp tới.

 Đình Tùng vừa giành giải nhất cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ IV. Ảnh: NVCC.

Đình Tùng vừa giành giải nhất cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ IV. Ảnh: NVCC.

Vì sức nặng khi tham gia Olympia, Tùng rút khỏi đội tuyển học sinh giỏi Toán - cũng là môn chuyên và sở trường của cậu. Tuy nhiên, nam sinh vẫn trau dồi kiến thức qua câu hỏi Toán của Olympia.

Ngoài ra, Tùng còn yêu thích môn Lịch sử. Từ nhỏ, cậu được truyền cảm hứng học môn này từ mẹ - từng là giáo viên dạy Lịch sử.

“Khi tham dự Olympia, em khám phá ra những cách học Lịch sử mới lạ. Đó là không tập trung đọc sách giáo khoa hay làm đề vì dễ khiến môn học này trở nên khô khan. Mỗi ngày, em xem một bộ phim tài liệu, ghi nhớ các sự kiện, lắng nghe nhân chứng chia sẻ trải nghiệm chân thực... Nhờ cách tiếp cận trực quan, sinh động mà em yêu thích môn học này hơn”, nam sinh nói.

Cũng nhờ nền tảng kiến thức Lịch sử tốt, Tùng vừa giành giải nhất cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ IV sau khi vượt qua 75 đại diện từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Biến áp lực thành động lực

Chia sẻ về hành trình đến với Olympia, Tùng cho hay ông nội đã truyền cảm hứng cho cậu.

Năm 2013, quê nội Tùng là huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có thí sinh Nguyễn Ngọc Anh mang cầu truyền hình Olympia đầu tiên về cho trường THPT Cầu Xe. Đây là cầu truyền hình thứ 2 của Hải Dương sau 7 năm.

“Anh Ngọc Anh đã truyền cảm hứng rất nhiều cho ông nội em. Từ nhỏ, em học khá tốt nên ông gửi gắm niềm tin rất lớn vào cháu nội. Trận chung kết năm thứ 8 trùng với sinh nhật em, ông đã mất nên em không còn cơ hội xem với ông. Sau này, mọi người thường nhắc về tâm nguyện của ông là cháu trai thành công như anh Ngọc Anh. Khi đạt được điều này, em biết ơn những gì ông đã để lại”, cậu nói.

Sau những thành công ở Olympia, Tùng trở lại là lớp trưởng mẫn cán. Ở trường, nam sinh được thầy, cô quan tâm, học sinh khóa dưới xin kinh nghiệm thi Olympia. Trang cá nhân của cậu cũng tăng 1.000 lượt theo dõi chỉ trong một ngày.

Với Tùng, việc được nhiều người chú ý sau khi tham gia cuộc thi kiến thức là áp lực vô hình. Tuy nhiên, cậu chuẩn bị tinh thần từ trước đồng thời tham khảo ý kiến từ mẹ, các tiền bối vào chung kết năm trước để có cách cư xử đúng mực trên mạng xã hội cũng như trường quay.

Đình Tùng tiếc nuối với sự thể hiện ở vòng Tăng tốc trong trận thi quý. Ảnh: NVCC.

Đình Tùng tiếc nuối với sự thể hiện ở vòng Tăng tốc trong trận thi quý. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, điều Tùng chú tâm là rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc thi quý.

“Ở cuộc thi tuần và tháng, phần thi Tăng tốc của em chưa bao giờ dưới 100 điểm. Tuy nhiên, khi thi quý, em đã bị hoảng và chỉ được 20 điểm. Em cần có chiến thuật để giữ tinh thần tốt hơn và chuẩn bị đều cho cả 4 vòng thi trong trận chung kết năm”.

Ngoài thu nhận kiến thức trên lớp, Tùng phân bổ thời gian học hợp lý để tiếp tục theo đuổi hành trình Olympia. Nam sinh cũng xem lại các trận chung kết năm trước đây để học hỏi đồng thời rèn luyện sức khỏe, trau dồi kỹ năng khác nhau.

Nói về đối thủ đã lộ diện là Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ nhân vòng nguyệt quế của quý I, Tùng cho hay 2 em quen biết và bắt đầu ôn luyện, học tập, trao đổi trong cộng đồng thí sinh Olympia từ cách đây vài năm.

“Khi Nguyên Vũ thắng quý I, em rất ngưỡng mộ bạn. Sau trận thi quý II, em đã tag tên bạn trên mạng và hẹn gặp vào ngày không xa. Thế mạnh của em là sự cố gắng, minh mẫn nếu chuẩn bị kỹ càng. Mỗi thí sinh vào chung kết đều có 25% cơ hội chiến thắng. Hiện em vẫn đánh giá đúng con số này còn thời gian tới, em cố gắng trau dồi để nâng cơ hội lên”.

Với Tùng, kỳ vọng từ gia đình, bạn bè, nhà trường, người dân Hải Phòng trong trận chung kết năm là áp lực nhưng cũng là động lực. Cậu quyết tâm mang vòng nguyệt quế thứ hai về cho quê hương sau 11 năm chờ đợi.

Trong tương lai xa hơn, Tùng chưa có mục tiêu hướng về du học mà thích học tập ở môi trường chuẩn quốc tế ở Việt Nam. Nam sinh mong muốn làm việc tại công ty lớn trong nước và đóng góp cho quê hương.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-mang-cau-truyen-hinh-olympia-ve-hai-phong-sau-11-nam-post1306357.html