Người lao động không thể về hưu vì doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm xã hội

Có những người lao động không thể về hưu, nhiều trường hợp người lao động mất không được nhận tiền tử tuất; sinh con, khi con đã lớn vẫn chưa được nhận tiền thai sản… Nguyên nhân là do doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội nhiều năm, trong khi vẫn chưa có chế tài xử lý dứt điểm tình trạng này. BHXH Việt Nam đề xuất phương án cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên.

6 năm ròng rã đi đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động là câu chuyện mà chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may của Nhà máy dệt kim Haprosimex (Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex) bắt đầu kể lại hành trình từ năm 2017 đến hết tháng 3 năm nay, khi công ty đã trả 15 tỷ đồng nợ BHXH từ tháng 7/2011 của gần 500 công nhân.

Kinh doanh trên cả nỗi đau của người lao động

Nhớ lại hành trình "đòi" quyền lợi chính đáng của công nhân, chị Huyền thở dài "quá gian nan". Người lao động phải đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ, trước và sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, câu trả lời mà người lao động nhận được là những lời nói vô cảm "doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả".

Chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may của Nhà máy dệt kim Haprosimex bật khóc khi chia sẻ về những hoàn cảnh éo le.

Suốt thời gian đó, quyền lợi của hàng trăm lao động của công ty bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trong số gần 500 công nhân nhà máy Dệt kim, có hoàn cảnh của 2 chị em chị Lê Thị Là vô cùng khó khăn. Trước tháng 3, chị Là đã 2 lần sinh con nhưng chưa được nhận chế độ thai sản. Đáng buồn hơn, em gái chị Là là chị Ngân không may qua đời năm 2012. Tới trước tháng 3, gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất.

"Thấu hiểu hoàn cảnh của Ngân, cùng cảnh công nhân nghèo với nhau, nên anh chị em trong nhà máy đã cùng nhau ủng hộ một ngày lương để hỗ trợ gia đình làm đám tang cho Ngân", chị Huyền nghẹn ngào.

Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, người lao động đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo công ty để đòi quyền lợi… nhưng đáp lại người lao động là những lời hứa suông. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đọng BHXH của người lao động. Phía cơ quan BHXH thành phố Hà Nội đã tiến hành chốt sổ cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với 200.000 lao động đang bị trốn đóng BHXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã từng nhiều lần kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ, Quốc hội có các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho họ; nếu không, họ đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những người lao động không thể về hưu.

“Tôi còn nhớ trong một diễn đàn, tôi nghe được câu chuyện có người lao động về hưu mà không có lương hưu mang về cho vợ. Người vợ không thể hiểu được tại sao làm bao nhiêu năm mà khi nghỉ hưu lại không có lương hưu”, ông Hiểu kể.

Đề nghị cấm xuất cảnh với chủ DN nợ BHXH từ 12 tháng trở lên

Ngoài ra, ông Hiểu cho biết, có những trường hợp người lao động mất không được nhận tiền tử tuất; sinh con, khi con đã lớn vẫn chưa được nhận tiền thai sản. “Duy trì cuộc sống bình thường đã khó, khi có sự kiện lớn như sinh con thì người lao động đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu bị nợ đọng xã hội, khi về lâu dài sẽ có nhiều người không có lương hưu.

Cơ quan BHXH đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, không ít doanh nghiệp nợ BHXH do khó khăn nhưng cũng có những doanh nghiệp cố tình chây ì khoản tiền này, “kinh doanh trên cả nỗi đau của người lao động” - ông Hiểu nói.

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) chia sẻ, cơ quan BHXH hết sức thấu hiểu, trăn trở trong việc thực hiện chức năng của Chính phủ giao. Cơ quan BHXH có 2 nhiệm vụ cơ bản: Tổ chức thực hiện chính sách và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chính sách.

Trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng BHXH cũng như gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ doanh nghiệp.

Theo đó, người lao động đều được xác nhận quá trình đóng BHXH của năm đó. Điều này thể hiện sự công khai thông tin với người lao động và chủ thể doanh nghiệp. Đặc biệt, triển khai sử dụng bảo hiểm xã hội số, hiện nay, tỉ lệ người lao động được cài đặt VSSID hơn 90%, người lao động có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT,... Khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, BHXH Việt Nam được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện đóng BHXH.

Việc nợ BHXH hiện nay vẫn còn tiếp diễn nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có tiền trả lương, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan BHXH đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm...

Nên trao quyền khởi kiện cho công đoàn cơ sở cấp trên

Xử lý tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng đến nay chưa vụ nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan BHXH củng cố hồ sơ gần 400 vụ trốn đóng BHXH chuyển công an song gần một nửa số vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, khó làm rõ tội trốn đóng. Có doanh nghiệp mang tiền nợ đến đóng ngay khi công an vào cuộc.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các chế tài mà pháp luật quy định, áp dụng, hành lang pháp lí xử lý nợ đọng BHXH đều đã có và đầy đủ. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc áp dụng luật.

Đầu tiên, vướng mắc khi chưa thể xử lý hình sự là điều kiện trước đó phải có xử lý hành chính trong việc trốn đóng BHXH. Hiện nay, cơ quan xử lý hành chính không bao quát được việc này, chưa làm hết trách nhiệm. Do đó, hành lang pháp lí xử lý hành chính là điều kiện để xử lý hình sự.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cơ quan cao nhất đại diện cho người lao động có ý kiến với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tích cực đẩy mạnh việc này.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Công ty Luật Hừng Đông cho biết, nợ đọng BHXH không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động mà còn gây hệ lụy rất xấu cho xã hội.

Nêu lên những khó khăn của người lao động khi khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đến Tòa án, ông Huế cho biết, ngành BHXH chỉ được phép kiểm tra ở một số điểm, khi phát hiện doanh nghiệp sai phạm, ngành BHXH lại phải đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt. Nhưng khi cơ quan quản lý vào cuộc, họ lại không thể dùng kiến nghị của ngành BHXH để xử phạt mà lại phải thanh tra lại từ đầu nên rất rắc rối.

Thêm vào đó, ông Huế cho rằng, nên trao thêm quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên. Phương án này sẽ tránh được tâm lý e ngại của công đoàn cơ sở cấp dưới khi phải trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp vì thực tế là cán bộ công đoàn cơ sở đang nhận lương từ chính doanh nghiệp.

Đồng thời, BHXH là cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các doanh nghiệp để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất.

“Điều quan trọng hơn, mỗi lao động cần mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về BHXH, nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho mình”, ông Huế nói.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/nguoi-lao-dong-khong-the-ve-huu-vi-doanh-nghiep-con-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-1094164.html