Người lao động đặc biệt quan tâm s ức khỏe và an toàn lao động

Sáng 3-5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Oai tổ chức đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách chuyên đề 'Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc'.

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh PV

Sự kiện là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân năm 2024.

Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lao động, chính sách An toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp: Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga; ông Nguyễn Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Trong chương trình, sức khỏe của người lao động và bảo đảm an toàn lao động là những điều được cả người lao động và chủ sử dụng lao động chú trọng.

Liên quan đến phản ánh trong quá trình làm việc, nếu người lao động phát hiện môi trường làm việc có nguy cơ cao, không bảo đảm an toàn lao động, có quyền từ chối công việc đó không, chuyên gia Nguyễn Việt Đức cho hay: Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động nêu rõ, người lao động có quyền rời khỏi nơi làm việc khi phát hiện rõ nơi đó có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của mình. Tuy nhiên, khi người lao động rời khỏi nơi làm việc đó thì phải có trách nhiệm thông báo với người quản lý biết để họ khắc phục những mối nguy hại đó. Và người quản lý cũng có trách nhiệm khắc phục môi trường làm việc, bảo đảm an toàn. Khi môi trường an toàn, mới cho người lao động làm việc.

Về độ tuổi làm việc của người lao động, luật sư Nguyễn Văn Hà khẳng định: Bình thường người dân tham gia giao dịch dân sự khi từ đủ 18 tuổi trở lên. Còn với lĩnh vực lao động, có nhiều mảng lao động, với nhiều ngành nghề đặc thù. Có những ngành nghề, lĩnh vực lao động đặc thù thì người dưới 18 tuổi vẫn có thể xác lập các quan hệ lao động và người sử dụng lao động phải lưu ý không được giao cho họ công việc nặng nhọc, độc hại.. Khi xảy ra các quan hệ pháp luật khác, ví dụ như xảy ra tai nạn lao động, phải có người đại diện, người giám hộ...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguoi-lao-dong-dac-biet-quan-tam-s-uc-khoe-va-an-toan-lao-dong-665268.html