Người lao động bị tra tấn và bắt làm nô lệ gây chấn động Ấn Độ

Vào một đêm tháng 6 nóng như thiêu đốt, Bhagwan Ghukse giật mình thức dậy và quyết định chạy trốn...

Trong tháng qua, ông Ghukse đã bị giam giữ trong một căn nhà lụp xụp tồi tàn ở bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ cùng với 6 người làm công ăn lương khác. Những công nhân này được thuê bởi một số nhà thầu ở huyện Osmanabad của bang để đào giếng, nhưng sau đó bị ép làm lao động cưỡng bức, điều bị coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ.

Ông Ghukse mô tả điều kiện sống phi nhân tính, bị đánh đập, đánh thuốc mê và buộc phải lao động chân tay trong nhiều giờ với ít thức ăn và nước uống. Vào ban đêm, các công nhân sẽ bị xích vào máy kéo để họ không thể trốn thoát. Và khi họ không thể ngủ được, trằn trọc vì đau đớn, đói và mệt mỏi, những người từ nhà thầu sẽ dùng gậy đánh họ và sau đó chuốc rượu làm họ an thần.

"Tôi biết cái chết là không thể tránh khỏi ở đây. Nhưng tôi muốn thử trốn thoát ít nhất một lần" – ông nói.

Trong hầu hết các ngày, ông Gukse và những người bị bắt khác kiệt sức vì công việc, bị đánh đập và không có thức ăn đến mức họ không còn năng lượng để lên kế hoạch trốn thoát.

Nhưng vào ngày 15 hoặc 16 tháng 6 - ông Ghukse không thể nhớ ngày chính xác - ông quyết định thử. Cúi mình trong bóng tối, ông với lấy chiếc khóa nhỏ của sợi xích dưới chân, luồn một ngón tay vào trong và vặn liên tục hàng giờ cho đến khi nó bung ra.

Khi trèo ra khỏi khu nhà, ông nhìn thấy một cánh đồng mía rộng lớn và quyết định chạy về phía đó. "Tôi không biết mình đang ở đâu. Tất cả những gì tôi biết là tôi phải trở về nhà. Tôi đi theo đường ray cạnh cánh đồng và tiếp tục chạy".

Ông Ghukse đã đến được làng của mình và thông báo cho cảnh sát về vụ tra tấn, sau đó các quan chức đã giải cứu 11 công nhân khác từ hai giếng riêng biệt do cùng một nhà thầu điều hành.

"Lúc đầu chúng tôi không tin người lao động, nhưng khi đến địa điểm, chúng tôi đã bị sốc khi thấy tình trạng của những người đàn ông" - quan chức cảnh sát địa phương Jagdish Raut, người phụ trách vụ việc, nói với BBC.

Cảnh sát cho biết, những người đàn ông bị buộc phải làm việc từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày để đào giếng, sau đó họ bị xiềng xích và chịu nhiều lần tra tấn về thể chất và tinh thần. “Họ không có nhà vệ sinh, họ phải đi vệ sinh bên trong những cái giếng do họ đào và sau đó dọn sạch chất thải sau khi hoàn thành công việc” - ông Raut nói. Hầu hết họ đều bị phồng rộp và có vết thương sâu ở mắt và chân - một số đang được điều trị tại bệnh viện.

Maharashtra - một trong những nạn nhân của vụ việc - Ảnh: BBC

Bảy người, trong đó có hai phụ nữ và một trẻ vị thành niên, đã bị buộc tội buôn người, bắt cóc, lạm dụng và giam cầm. Vụ án đã gây xôn xao dư luận Ấn Độ suốt cả tuần. Bốn người trong số họ đang bị cảnh sát giam giữ, trẻ vị thành niên đang ở trong một trung tâm giam giữ vị thành niên và hai người đang bỏ trốn.

Cảnh sát thông tin, các nạn nhân đều là những người lao động nghèo và không có đất, hàng ngày họ đến thị trấn Ahmednagar gần Osmanabad để tìm việc làm. Tại đây, họ được một đại lý liên hệ, người này sau đó bán những công nhân này cho một số nhà thầu từ Osmanabad với giá 2.000 đến 5.000 rupee (24 đến 60 USD) mỗi người.

Người đại diện hứa với các công nhân rằng, họ sẽ nhận được 500 rupee với ba bữa ăn một ngày để đào giếng. Khi những người đàn ông đồng ý, anh ta gọi họ đến một địa điểm chung, nhét họ vào một chiếc xe tuk-tuk và chuốc say họ bằng rượu trước khi chở họ đến những địa điểm khác nhau.

Tại khu phức hợp giếng, các nhà thầu đã tịch thu điện thoại và thu giữ giấy tờ tùy thân của họ.

"Sau khi giữ họ trong điều kiện tồi tệ như vậy trong hai đến ba tháng, bị cáo sẽ thả những người đàn ông mà không trả cho họ một xu nào" - ông Raut nói và cho biết thêm rằng, họ đang điều tra xem có địa điểm nào khác trong huyện vẫn đang hoạt động theo kiểu bốc lột như thế này hay không.

Gia đình của ba lao động nói với BBC rằng, họ đã gửi đơn khiếu nại về những người mất tích.

Nhiều tuần sau khi trốn thoát, các công nhân nói rằng họ vẫn chưa thoát khỏi chấn thương tâm lý.

Nhiều người trong số họ đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống nhưng họ liên tục thấy mình rơi vào tuyệt vọng khi nghĩ về vụ việc.

"Chúng tôi bị đối xử như nô lệ" - Bharat Rathor, một trong những người lao động được giải cứu, cho biết khi anh cho thấy vết thương của mình - một con mắt sưng húp và những vết phồng rộp ở chân.

"Các nhà thầu sẽ đánh đập chúng tôi gần như mỗi ngày và cho chúng tôi ăn chapatis (bánh mì dẹt) ôi thiu với muối và một ít cà tím. Đôi khi nông dân từ những cánh đồng gần đó đến và nhìn thấy tình trạng thảm hại của chúng tôi nhưng không ai dám giúp đỡ chúng tôi" – nhân chứng này kể lại.

Ông Rathor nói, ông đến Ahmednagar sau cái chết của cha mình vì ông phải chăm sóc người mẹ ốm yếu. "Nhưng chỉ có trời mới biết làm thế nào tôi sống sót sau những gì tôi phải đối mặt ở đó".

Giếng nước - nơi những người lao động bị giam giữ bất hợp pháp - Ảnh: BBC

Câu chuyện của ông không khác câu chuyện của Maruti Jatalkar - người cũng phải rời quê hương ở huyện Nanded vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Một nông dân, con gái lớn của ông Jatalkar dự kiến sẽ kết hôn vào tháng 5. Vì làng của ông không có việc làm vào mùa hè, ông đã tìm đến Ahmednagar để tìm việc và được người môi giới thuê.

Kế hoạch của ông là, nếu ông tham gia đào giếng 15-20 ngày, anh sẽ có đủ tiền để tổ chức đám cưới cho con gái.

Nhưng rốt cuộc ông cũng không thể làm được - sau khi được giải cứu, ông phát hiện ra rằng con gái mình đã bị gả đi. "Tôi đã khóc rất nhiều vào ngày hôm đó" - ông nói.

Ông Jatalkar cho biết, ông vẫn còn sợ hãi mỗi khi nghĩ về khoảng thời gian - gần hai tháng - ông đã trải qua ở giếng nước.

"Họ đưa chúng tôi vào nhà từ sáng sớm và chỉ cho chúng tôi về khi đêm khuya. Chúng tôi thường đi tiểu tiện ở đó. Nếu chúng tôi đòi ăn, họ sẽ đánh chúng tôi và nói rằng chúng tôi chỉ được ăn một bữa".

Nhóm lao động được cảnh sát giải cứu - Ảnh: BBC

Trong khi nỗi đau vẫn còn, những người lao động cho rằng, họ bắt đầu hy vọng lại. Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (NHRC) cũng đã kêu gọi chính quyền bang và chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp cứu trợ cho người lao động theo luật lao động của đất nước.

"Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tìm việc làm trong làng của mình và kiếm bất cứ thứ gì có thể"- ông Rathor nói. "Có lẽ cuộc sống sẽ sớm tốt hơn".

Anh Duy (theo BBC)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/nguoi-lao-dong-bi-tra-tan-va-bi-bat-lam-no-le-gay-chan-dong-an-do_149115.html