Người Lân Quan năng động vượt khó

Lân Quan là xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Long (Đồng Hỷ) với trên 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp, người dân nơi đây đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động trong phát triển kinh tế.

Người dân Lân Quan đã bước đầu làm dịch vụ du lịch.

Đó là những chia sẻ của Trưởng xóm Trần Văn Hồ với chúng tôi về những đổi thay ở xóm, không chỉ từ những con đường, mỗi nếp nhà mà cả trong suy nghĩ của bà con nơi đây. Trong số 147 hộ (702 nhân khẩu) thì số hộ nghèo và cận nghèo hiện còn 72 hộ (giảm 64 hộ so với năm 2021). Thời gian qua, bà con trong xóm đã đồng lòng, nỗ lực để phát huy hiệu quả các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn.

Đơn cử như cuối năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ hỗ trợ người dân Lân Quan hạt giống; xóm đã lên kế hoạch triển khai mô hình trồng hoa tam giác mạch, hoa cải phục vụ lễ hội xuân. Sau khi tổ chức họp, 13 hộ dân có đất liền thửa đăng ký trồng trên tổng diện tích hơn 2ha. Học hỏi trên Internet, người dân đào luống, gieo trồng hoa cải, hoa tam giác mạch thành dòng chữ “Chúc mừng năm mới 2024”, hình ngôi sao... tạo cảnh quan đẹp.

Đúng dịp hoa nở rộ, Lân Quan tổ chức lễ hội xuân quy mô lớn nhất từ trước đến nay, bà con trong xóm cùng xúng xính váy áo, biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian, ẩm thực, tạo nên một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa người Mông. Đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trao đổi hàng hóa.

Chỉ trong 2 ngày tổ chức lễ hội, một số hộ dân như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh bán hoa quả, anh Ngô Văn Kỳ, Đào Văn Sùng bán món thắng cố, mèn mén hay chị Trương Thị Lương cho du khách thuê trang phục dân tộc cũng thu lãi vài triệu đồng.

Chị Trương Thị Lương chia sẻ: Nhà ở gần vườn hoa nên tôi đã mượn nhiều váy áo của bà con người Mông địa phương để cho du khách thuê chụp ảnh. Với giá 70-100 nghìn đồng/bộ, trong thời gian 1 tháng vườn hoa mở cửa đón khách, số tiền thu về gấp mấy lần làm nương.

Được Nhà nước hỗ trợ giống cây đào, nhiều hộ dân trong xóm đã tham gia phát triển mô hình để tăng thu nhập.

Còn với 13 hộ dân tham gia trồng hoa, 30 triệu đồng thu được từ việc bán vé và các hoạt động khác của lễ hội, sau khi trừ các chi phí, mỗi gia đình cũng thu được số tiền lãi kha khá. Bà Lý Thị Sống phấn khởi nói: Tôi nghĩ, huyện đã cho hạt giống thì bà con chúng tôi cần nhiệt tình tham gia. Thấy thu nhập tốt nên cuối tháng 3 vừa qua, bà con đã tự bỏ vốn mua hạt giống gieo trồng lứa mới để tiếp tục mở cửa vườn hoa đón du khách dịp 30-4 tới.

Không chỉ nhanh nhạy làm kinh tế “thời vụ”, người dân Lân Quan cũng kiên trì, chủ động nhân rộng, phát triển kinh tế từ các dự án, chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Ví như các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2018-2023, từ 34 con trâu bò được cấp, đến nay người dân đã tăng đàn lên 70 con; từ mô hình hỗ trợ 2ha hoa đào ban đầu, đến nay đã mở rộng lên 3ha.

Gia đình anh Trương Văn Mãi, một trong những hộ được hỗ trợ 100 cây đào giống vào năm 2018, chia sẻ: Bán quả và cây đào, trung bình mỗi năm tôi thu được 10-15 triệu đồng, một phần tôi dùng để mua thêm cây giống, đến nay vườn đã có tổng 200 gốc. Thu nhập dần ổn định, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách cận nghèo từ năm ngoái...

Trưởng xóm Trần Văn Hồ chia sẻ thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án Nhà nước hỗ trợ, thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202404/nguoilan-quan-nang-dong-vuot-kho-ccf0499/