Người khuyết tật rất cần được tham gia các không gian công cộng hòa nhập

là kết luận được rút ra từ hoạt động tham vấn, đóng góp ý kiến cho thiết kế và quy hoạch không gian công cộng hòa nhập trong công viên rừng tại khu vực bờ vở sông Hồng, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Không gian công cộng tại các thành phố lớn rất cần được thiết kế thân thiện với người khuyết tật.

Ý kiến của người khuyết tật chưa thực sự được quan tâm

Theo mục tiêu phát triển bền vững số 10 và số 11 của Liên hợp quốc, tất cả mọi người, bất kể khả năng hay giới hạn, đều có quyền bình đẳng sử dụng và thụ hưởng các dịch vụ công cộng.

Tuy nhiên, thực tế là không gian công cộng và đặc biệt không gian chơi trong các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất ít quan tâm đến sự tham gia đóng góp ý kiến của người khuyết tật.

Đây là một trong những lý do khiến rất nhiều không gian công cộng tại các thành phố lớn được thiết kế không thực sự thân thiện với người đi xe lăn, các nhóm khuyết tật vận động, người khiếm thị, người khuyết tật trí não và tự kỷ, vốn là các nhóm chiếm đa số trong các dạng khuyết tật ở đô thị.

Vì vậy, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) đã quyết định tổ chức một hoạt động tham vấn, đánh giá và đóng góp ý kiến cho mô hình không gian công cộng hòa nhập dành cho người khuyết tật trong công viên rừng tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Công viên rừng tại phường Phúc Tân được cải tạo từ một bãi rác lớn.

Trước đây, khu vực này vốn là một bãi rác lớn, cây cỏ mọc dại khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người dân. Nhưng sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn, chính cộng đồng dân cư sống tại phường Phúc Tân đã tự tay xây dựng lên công viên rừng của riêng họ với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đáng chú ý, Think Playgrounds đã thiết kế không gian tại công viên rừng Phúc Tân bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Tại đây có thiết kế đường dốc dành cho xe lăn để hỗ trợ người khuyết tật, người già và trẻ nhỏ di chuyển dễ dàng hơn. Các thiết bị chơi cũng có tính hòa nhập cao để người khuyết tật có thể sử dụng được.

Cần tạo ra không gian gắn kết người khuyết tật với cộng đồng

Bạn Lưu Thị Hiếu (thuộc nhóm khuyết tật bại não) đang làm việc cho cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, một trong những điều mà bạn thích nhất trong công viên rừng Phúc Tân là đường dốc dành cho người đi xe lăn được thiết kế rất tốt, dễ dàng cho xe lăn quay đầu.

Bạn Hiếu cũng có thể chơi được với một số thiết bị trong sân chơi như xích đu, nhưng sẽ cần phải có người hỗ trợ.

Bạn Lưu Thị Hiếu đề xuất bổ sung các thiết bị chơi kích thích giác quan.

“Giá mà sân chơi có thêm các thiết bị kích thích giác quan cho hai tay thì còn tốt hơn nữa vì người ngồi xe lăn như em chỉ có thể dùng tay để chơi. Nhưng điều quan trọng nhất đối với những người khuyết tật như em là một không gian rộng rãi, nhiều màu sắc, có các hoạt động đa dạng và nhiều người cùng tham gia chơi.

Việc giao tiếp với người khác là quan trọng nhất đối với người bại não để chúng em cảm thấy mình vẫn là một phần của xã hội, không bị tách biệt một mình trong phòng riêng”, bạn Lưu Thị Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, bạn Yến Anh là một người khiếm thị, cán bộ dự án tại Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đánh giá, độ dốc và độ phẳng tại sân chơi rất dễ chịu.

Đối với người khiếm thị, khi đi vào một không gian rộng lớn và xa lạ mà không có người dẫn đường thì chỉ có thể dùng gậy để dò đường, nhưng cũng có thể bị mất phương hướng.

Bạn Yến Anh đã đề xuất bổ sung các điểm gờ cảnh báo tại sân chơi để hỗ trợ người khiếm thị tốt hơn.

Vì vậy, bạn Yến Anh đã đề xuất Think Playgrounds xem xét việc bổ sung các điểm gờ cảnh báo trước và sau bậc thang, hoặc các điểm có thể tiếp cận không gian chơi để hỗ trợ tốt hơn cho người khiếm thị.

Cũng đóng góp ý kiến để cải thiện không gian chơi tại công viên rừng Phúc Tân, bạn Nguyễn Thị Minh Châu, một người khuyết tật sản sụn đang sinh hoạt tại Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động giao lưu cộng đồng đối với người khuyết tật.

“Trước kia, nhà mình ở gần công viên Cầu Giấy nên thỉnh thoảng có ra chơi. Mình nhận thấy rằng, có rất ít người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục vì định kiến người khuyết tật nên ở trong nhà để an toàn.

Nhưng thực tế là người khuyết tật rất cần tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng để giao tiếp, trò chuyện. Vì vậy, một không gian được thiết kế hòa nhập cho người khuyết tật như thế này là vô cùng tuyệt vời.

Bạn Minh Châu khẳng định, người khuyết tật rất cần tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng để được giao tiếp, trò chuyện với mọi người.

Không gian công cộng hòa nhập không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều trang thiết bị để phục vụ cho việc tập luyện vận động mà quan trọng hơn là cần tạo ra không khí giao lưu, gắn kết mọi người.

Người khuyết tật hoàn toàn có thể mang các vật dụng đến đây để vui chơi, tập luyện, quan trọng hơn là họ được kết nối, được hòa nhập và những người xung quanh cũng được nâng cao nhận thức việc việc người khuyết tật cũng rất năng động. Không gian này rất hợp với các gia đình có cả con khuyết tật và bình thường để mọi người cùng vui chơi với nhau”.

Trên thực tế, đối với những người khuyết tật sản sụn bị hạn chế về chiều cao như Minh Châu sẽ gặp khó khăn để sử dụng các thiết bị thể dục. Do đó, bạn Minh Châu có đề xuất với Think Playgrounds xem xét bổ sung các thiết bị phù hợp với nhiều nhóm người khuyết tật khác nhau.

Công viên rừng Phúc Tân có thiết kế đường dốc dành cho người đi xe lăn di chuyển dễ dàng hơn.

Trong khi đó, chị Mai Anh, mẹ của bạn Nguyễn Trung Hiếu thuộc nhóm trẻ tự kỷ đánh giá, không gian tại công viên rừng Phúc Tân khá tách biệt nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của các quán xá như các công viên lớn. Do đó, trẻ em có thể tập trung chơi nhiều hơn tại đây.

Chị Mai Anh cho rằng, không gian này rất phù hợp với những trẻ tự kỷ thích vận động, nhưng cần nghiên cứu bổ sung các trò chơi về cảm giác, trị liệu và thiết kế hàng rào ngăn cách sân chơi với khu vực bờ vở sông Hồng để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và người khuyết tật.

Đồng tình với những ý kiến đóng góp của mọi người, kiến trúc sư Chu Kim Đức, Giám đốc và cũng là người đồng sáng lập Think Playgrounds cho rằng, không gian công cộng tại các công viên sẽ là nơi cải thiện tâm lý rất tốt cho mọi người, đặc biệt là trẻ khuyết tật.

Kiến trúc sư Chu Kim Đức (ngoài cùng, bên phải) đánh giá các góp ý thực sự hữu ích và hoàn toàn khả thi để áp dụng, cải thiện không gian công cộng tốt hơn với người khuyết tật.

Kiến trúc sư Chu Kim Đức nhấn mạnh: “Khi cùng vui chơi trong các không gian công cộng, trẻ khuyết tật và trẻ em bình thường hoàn toàn có thể giao lưu, kết nối với nhau. Điều này còn tốt hơn nhiều việc tham gia các khóa học cải thiện tâm lý”.

Giám đốc của Think Playgrounds đánh giá các góp ý thực sự hữu ích và hoàn toàn khả thi để áp dụng, nhưng sẽ cần thời gian để từ từ cải thiện các sân chơi tốt hơn, có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu của nhiều đối tượng người khuyết tật khác nhau.

Hữu Mạnh (ảnh: Think Playgrounds)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nguoi-khuyet-tat-rat-can-duoc-tham-gia-cac-khong-gian-cong-cong-hoa-nhap-371981.html