Người hùng đã cứu hàng trăm trẻ em trong nạn diệt chủng ở Rwanda

Ông Damas Gisimba, người che chở và cứu sống hàng trăm người trong cuộc diệt chủng ở Rwandan vừa qua đời ở tuổi 61. Khoảng 30 năm về trước, trại trẻ mồ côi do gia đình Damas Gisimba điều hành đã trở thành nơi ẩn náu của những người chạy trốn cuộc diệt chủng tàn bạo ấy.

Ông Damas Gisimba hồi năm 2019 bên nhiều bức ảnh về những người đã được ông cứu sống trong nạn diệt chủng ở Rwanda

Người hùng được nhiều gia đình biết ơn

Năm 1994, Gisimba và em trai điều hành một trại trẻ mồ côi do cha mẹ họ thành lập ở Kigali, Thủ đô của Rwanda. Vào ngày 6-4 năm đó, chiếc máy bay chở Tổng thống Rwanda Juvénal Habyarimana bị bắn hạ và cái chết của ông được cho là do phiến quân Tutsi gây ra. Trong vòng vài giờ, Thủ đô Kigali bị bao vây. Đội quân Hutu bắt đầu cuộc tàn sát các gia đình người Tutsi.

Ngày hôm sau, mọi người bắt đầu tìm đến trại trẻ mồ côi để tìm nơi trú ẩn. Trong 3 tháng tiếp theo, Gisimba, người mang dòng máu lai giữa sắc tộc Hutu-Tutsi nhưng có thẻ căn cước của người Hutu, cùng em trai Jean-Francois, đã che giấu hơn 400 trẻ em và người lớn ẩn náu trên gác mái, tầng hầm và trong những căn phòng khóa kín của trại.

“Nhờ gia đình Damas Gisimba mà tôi và người thân còn sống được đến ngày hôm nay. Trong cuộc diệt chủng năm 1994, chúng tôi sống cạnh cô nhi viện. Ông ấy chào đón gia đình chúng tôi”, Sonia Mugabo, một nhà thiết kế thời trang 33 tuổi, trải qua nạn diệt chủng khi mới 4 tuổi cho biết.

Ông Pio Mugabo, cha của Sonia là luật sư và thành viên của đảng Tự do đối lập lúc đó nằm trong danh sách những người bị sát hại. Nhưng may mắn sống sót, ông Pio sau đó được bổ nhiệm là Bộ trưởng phúc lợi xã hội trong chính phủ quốc gia chuyển tiếp. Đáng nói, ông Gisimba đã giấu gia đình Mugabo trước nguy cơ rủi ro rất lớn đối với bản thân và những người khác trong trại trẻ mồ côi. Nếu dân quân phát hiện việc này, họ sẽ giết tất cả mọi người. “Gisimba là một người hùng mà chúng tôi sẽ luôn nhớ đến. Tôi sẽ kể cho các con tôi nghe về người hùng ấy”, chị Sonia bày tỏ.

Cuộc diệt chủng sau này được thống kê có số nạn nhân lên đến khoảng 800.000 người. Nhưng làm thế nào ông Damas Gisimba có thể giúp mọi người trong suốt nhiều tháng như vậy? Một mặt, Damas nhờ tới hàng viện trợ của Hội Chữ thập đỏ, mặt khác, ông tỏ vẻ gần gũi và thương lượng với lực lượng dân quân. “Anh trai tôi đi uống bia với những kẻ giết người. Anh ấy nói: “Đừng đến, đừng làm lũ trẻ hoảng sợ”, thực ra cũng là đang bảo vệ những người lớn đang trốn bên trong”, ông Jean-Francois kể vào năm 2011.

Bất chấp khó khăn về tài chính vẫn đảm bảo cho những đứa trẻ được ăn học

Patrick Gisimba Rutikanga, con trai cả của ông Damas, đã làm việc cho cha mình tại trại trẻ mồ côi, hiện được gọi là Trung tâm Tưởng niệm Gisimba với các chương trình ngoại khóa sau giờ học, nói: “Thật khó tìm được từ nào để mô tả về ông. Đó là một người rất tốt bụng, yêu quý trẻ em. Tiếng cười của ông thật tuyệt vời”. Trong những câu chuyện được người cha kể về thời kỳ diệt chủng, Patrick Gisimba Rutikanga nhớ rằng, một lần, một nhóm dân quân đến trại trẻ mồ côi với dao rựa và dọa giết Gisimba, vợ ông và Rutikanga, lúc đó mới chỉ là một đứa trẻ. Đứng che chắn cho vợ con, Gisimba trừng mắt nhìn những kẻ lạ mặt gầm gừ: “Các người muốn giết vợ và con trai tôi? Cứ tiếp tục, nhưng hãy giết tôi trước, thọc dao vào bụng tôi này”. Đám dân quân đành bỏ đi. Hay trong một lần khác, vào ban đêm, ông Damas Gisimba kéo hai người phụ nữ đang thoi thóp từ một ngôi mộ tập thể được đào gần trại trẻ mồ côi. Một trong số họ bị thương nặng đến mức phải cõng trên lưng.

Sau cuộc diệt chủng, những đứa trẻ mất cha mẹ tiếp tục đến trại trẻ mồ côi để tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo Jonathan Salt, một giáo viên ở Anh, người đang viết một cuốn sách về cuộc đời của Damas Gisimba cho biết, bất chấp những khó khăn về tài chính, ông Gisimba vẫn quan tâm đến chúng và đảm bảo chúng được ăn học đầy đủ. “Cái chết của ông ấy là một mất mát lớn. Đó là một trong những người dũng cảm nhất mà tôi biết”, Jonathan Salt nói.

Damas Gisimba đã được trao tặng Huân chương Umurinzi (Người bảo vệ) của Tổng thống Rwanda để ghi nhận những việc làm phi thường của ông trong cuộc diệt chủng. Ông Eustochie Sezibera, Giám đốc quốc gia của CorpsAfrica Rwanda, một tổ chức từ thiện tình nguyện, cho biết: “Damas Gisimba qua đời là một mất mát cho gia đình ông và cho người dân Rwanda nói chung”.

Người đàn ông có trái tim dũng cảm và bao dung đó đã phải sống chung với bệnh tăng huyết áp và các bệnh về thận trong những năm cuối đời. Ông qua đời tại nhà riêng ở Kigali hôm 11-6. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại Kigali vào cuối tuần này.

Theo Guardian

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-hung-da-cuu-hang-tram-tre-em-trong-nan-diet-chung-o-rwanda-post542749.antd