Người hiện thực hóa ước mơ tạo việc làm cho người khuyết tật

'Tôi có một ước mơ, đó là mang đến việc làm cho người yếu thế Việt Nam. VBPO là hiện thực hóa giấc mơ tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho những người yếu thế và người khuyết tật'.

Anh Trần Mạnh Huy hướng dẫn nhân viên Công ty VBPO xử lý công việc. Ảnh: VGP/Minh Trang

Đó là tâm sự của anh Trần Mạnh Huy (44 tuổi), một người khuyết tật nhưng đã vươn lên xây dựng sự nghiệp riêng, là Giám đốc Công ty phần mềm VBPO - công ty cung cấp dịch vụ thuê ngoài cho doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Và xuyên suốt câu chuyện về sự nghiệp của mình, ông chủ của VBPO đều hướng đến một tôn chỉ, đó là mang lại cơ hội nghề nghiệp cho người khuyết tật.

Khi tiếp xúc với Trần Mạnh Huy, nhìn phong thái nhanh nhẹn, tự tin, khó có ai ngờ anh bị liệt nửa người ngay từ lúc nhỏ, các chi bên trái hầu như rất yếu.

Quãng thời gian đi học, Trần Mạnh Huy luôn mặc cảm vì thấy bản thân khác biệt, bị bạn bè trêu chọc. Nhưng với ý chí vươn lên, anh vượt qua nỗi mặc cảm đó để nỗ lực học tập. Chàng trai đầy nghị lực ấy không chỉ đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), rồi Trường đại học Bách khoa TPHCM, mà còn trở thành giảng viên Khoa Công nghệ thông tin của Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM.

Với mong muốn được học hỏi những điều mới, được trải nghiệm thách thức, Trần Mạnh Huy tiếp tục ứng tuyển vào làm việc tại một công ty phần mềm của Mỹ tại TPHCM và có một thời gian làm quản lý tại Công ty FPT. Giờ đây, anh đã là tiến sĩ kinh tế, tốt nghiệp tại một trường đại học của Mỹ vào năm 2016.

“Tuy ông trời không cho mình lành lặn về thể xác, nhưng vẫn cho mình lành lặn về khối óc, thế nên mình không được đầu hàng số phận”, anh Huy tâm sự.

Giấc mơ mang tên VBPO

Vào năm 2006, trong một chuyến công tác đến Đà Nẵng, chứng kiến nhiều người dân chịu cảnh mất nhà cửa, tài sản sau đợt hoành hành của cơn bão Xangsaen, Trần Mạnh Huy mong muốn làm một điều gì đó để tạo công ăn việc làm cho người nghèo nơi đây. Và anh trở lại Đà Nẵng, thành lập Công ty VBPO (trụ sở đặt tại Trung tâm Công viên phần mềm) vào năm 2010.

Là một trong những cánh chim đầu đàn về dịch vụ BPO tại Việt Nam, VBPO làm toàn bộ những công việc liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, từ những công việc đơn giản nhất như nhập dữ liệu, số hóa văn bản… cho đến những công việc phức tạp hơn như dịch vụ kế toán-tài chính, chăm sóc khách hàng, xử lý đồ họa…

Từ những bước chập chững đầu tiên, VBPO đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành nhà cung cấp dịch vụ mang chất lượng quốc tế. Với lợi thế quản lý quy trình sản xuất chất lượng cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản, VBPO là một trong những trung tâm thu hút các đơn hàng và khách hàng lớn từ Nhật Bản, mở rộng thêm nhiều trung tâm vệ tinh khắp miền Trung.

Ngày đầu thành lập, Công ty chỉ có vỏn vẹn 15 người. Cứ sau mỗi năm, nhân sự cũng như doanh thu, lợi nhuận lại tăng gấp đôi năm trước. Từ năm 2012-2014, Công ty đã mở thêm các chi nhánh tại Huế, Phú Yên và Đắk Lắk. Đến nay nhân sự của VBPO đã lên con số gần 300 người.

Anh Huy cho biết, tôn chỉ trong công tác tuyển dụng của VBPO là tạo việc làm cho người khuyết tật, nên Công ty luôn dành số lượng tối thiểu 30% nhân sự là người khuyết tật. Sau khi được nhận vào làm, các nhân viên sẽ được đào tạo khoảng 3 tháng và hỗ trợ bổ trợ thêm các kỹ năng cần thiết để phát triển công việc như ngoại ngữ, kỹ năng xử lý đồ họa, hình ảnh…

“Hiện nay, VBPO có gần 100 nhân viên là người khuyết tật, các nhân viên có mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2019 sẽ đạt doanh thu 35 triệu USD với số lượng 2.500 nhân viên. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều bạn trẻ khuyết tật sẽ được đào tạo và có việc làm ổn định hơn”, anh Huy cho biết.

Gắn bó với VBPO từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh Nguyễn Văn Nhân (30 tuổi) trải lòng: “Khi mới ra trường, không ít công ty khi gặp người khuyết một tay như tôi đều lắc đầu. Lúc đó tôi rất buồn và chán nản. May mắn tôi được nhận vào VBPO và được được đào tạo thêm cho phù hợp với yêu cầu của công việc. Giờ đây cuộc sống của tôi khá như ý, không trở thành gánh nặng của gia đình. Không những thế, tôi còn gặp được ‘người bạn đồng hành suốt cuộc đời’ ngay chính tại Công ty”.

Nói về những kế hoạch ấp ủ cùng VBPO trong tương lai, Trần Mạnh Huy tiết lộ, anh và đội ngũ cộng sự đang dồn tâm huyết cho dự án giúp ngư dân phán đoán vị trí, tọa độ đánh bắt. Dự án này dựa vào việc thu thập, nghiên cứu dữ liệu lớn về đặc thù vùng biển cả nước, với kỳ vọng sẽ giúp ngư dân xác định những vùng tọa độ mang lại nguồn cá lớn trong điều kiện thời tiết thích hợp, giúp ngư dân giảm rủi ro thiên tai, tiết kiệm chi phí xăng dầu…

Trong thời gian tới, công việc xử lý số liệu của VBPO sẽ không dừng lại ở việc nhập liệu, mà phải hướng tới việc thống kê, phân tích, tổng hợp. Nghề kế toán cũng sẽ phát triển từ việc bút toán giao dịch đơn thuần chuyển sang việc thực hiện quyết toán, báo cáo thuế. Dịch vụ kế toán lương sẽ được cung cấp trọn gói cho khách hàng. Đi kèm với việc tính lương sẽ là dịch vụ quản trị nhân sự, quản lý chi phí nhân công…

“Mục tiêu của VBPO là cung cấp những dịch vụ cao cấp, tạo nên điểm khác biệt giữa VBPO với các nhà cung cấp khác ở Trung Quốc, Ấn Độ…”, người đàn ông nghị lực bày tỏ khao khát.

Với những thành tích nổi bật nói trên, Trần Mạnh Huy đã được các cơ quan, đơn vị tặng nhiều bằng khen, giấy khen, được Hội đồng Dải băng xanh tôn vinh doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho cộng đồng người khuyết tật.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/nguoi-hien-thuc-hoa-uoc-mo-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat/303479.vgp