Người Hà Nội xưa gói bánh chưng tại Ngôi nhà di sản

Tại Ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây, hoạt động gói, luộc bánh chưng đón Tết cổ truyền theo cách của người Hà Nội xưa được tái hiện nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa Mừng Đảng - mừng Xuân với chủ đề "Tết Việt - Tết Phố 2024", tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đang diễn ra hoạt động gói, luộc bánh chưng đón Tết cổ truyền theo cách của người Hà Nội xưa.

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết với mong muốn truyền tải đến nhân dân, du khách một số nét đặc trưng của ngày Tết truyền thống tại khu phố cổ Hà Nội nên đã tổ chức hoạt động tái hiện này. Bánh chưng làm từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống người dân như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang...

Hoạt động được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tái hiện.

Qua thời gian, không ít phong tục ngày Tết phần nào mai một nhưng gói bánh chưng luôn là nét văn hóa truyền thống được các gia đình duy trì đều đặn hàng năm.

Tục gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam dùng để cúng lễ thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và nói lên sự mong cầu về một năm no ấm, đủ đầy.

Quy trình làm ra một chiếc bánh chưng được những người thực hiện thể hiện một cách chậm rãi để người xem có thể kịp nhìn.

Hình ảnh người Hà Nội xưa đón Tết thông qua sự sắp đặt trong không gian vô cùng ấm áp, trang trọng của Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và hoạt động gói bánh chưng, bánh tét đã thu hút nhiều khách du lịch và các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm.

Nguyên liệu để gói bánh chưng gồm lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ.

Đỗ xanh làm nhân được chọn lọc kỹ sau đó hấp chín rồi đánh tơi và vo thành cục có trọng lượng vừa đủ.

Thịt được chọn phải là loại thịt tươi mới, có phần thịt và phần mỡ đều nhau để khi nấu bánh mỡ sẽ chảy ra hòa quyện vào với lớp gạo, tạo độ ngậy cho bánh.

Hình ảnh người Hà Nội xưa mặc cổ phục, áo dài ngồi quây quần bên nhau gói bánh chưng được tái hiện rất rõ.

Bánh chưng vuông là loại bánh thường gặp nhất trong những mâm cỗ Tết. Bên cạnh đó còn có loại bánh chưng dài thường có lượng đỗ (đậu xanh) ít hơn, rất ít hoặc không có thịt, có thể để ăn lâu ngày sau Tết.

Những chiếc bánh chưng gói theo kiểu đùm lá, không cần dùng khuôn nhưng bánh vẫn vuông vức, đẹp mắt.

Các thành viên CLB Đình làng Việt trong trang phục áo dài truyền thống cùng gói bánh chưng Tết.

Du khách thích thú đến tham quan.

Lâm Thùy Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tai-hien-hinh-anh-nguoi-ha-noi-xua-goi-banh-chung-tai-ngoi-nha-di-san-post1610102.tpo