Người giữ hồn Hà Nội trong ngôi nhà cổ

(PL&XH) - Công việc của ông hằng ngày chính là ngồi lặng lẽ bên khoảng "sân trời" để vẽ nên những bức tranh thủy mặc cho khách tham quan du lịch.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi guốc mộc đã mòn theo thời gian vẫn theo ông trên mỗi chuyến xe bus…

Người có "duyên" với nghề

Ông là nghệ nhân Nguyễn Bá Dần, năm nay đã 73 tuổi nhưng ở ông vẫn toát lên vẻ minh mẫn của một nhà nho xưa. Ông gắn bó với ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây đã hơn 14 năm, đây không phải chỉ vì miếng cơm manh áo, mà quan trọng hơn đó là lòng yêu thích viết thư pháp và vẽ tranh thủy mặc.

Ông kể, mình đến với nghề như là một sự ngẫu nhiên. Ngày bé, khi theo mẹ ra Hồ Gươm chơi, vô tình gặp một ông đồ ngồi viết chữ đã làm ông say mê từ đó. Ông đồ ấy chính là người đầu tiên và là người thầy duy nhất dạy cho ông sự say mê và cách thổi hồn mình vào những nét chữ. Chính bởi vậy mà ông đã nói với tôi "phải chăng đó là cái duyên với nghề". Từ ấy đến giờ đã qua nửa đời người, ở cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng dường như sự say mê vẽ tranh và bình thơ của ông vẫn như ngày ông còn là cậu bé đầu để tóc trái đào.

Tranh thủy mặc và dòng chữ thư pháp được bắt nguồn từ Trung Quốc, được vẽ bằng bút lông, dùng thuốc nước hoặc mực nho trên giấy xuyến chỉ (loại giấy làm thủ công nhưng rất cao cấp, trắng, mịn, chứ không phải hơi vàng ngà và sần như giấy dó của tranh Đông Hồ), họa sĩ vẽ thủy mặc phải tích đủ nội công lại đầy cảm xúc, ý tưởng rồi mới hạ bút, vì đặc điểm của giấy xuyến chỉ là rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy, không thể sửa chữa. Sắc màu của mực đậm hay nhạt tùy vào nét bút đưa đường nét và tạo hình thế nào, tạo ra thay đổi bất ngờ.

Những bức tranh mà ông vẽ ở đây chính là hình ảnh Thăng Long xưa, hình ảnh những người thân yêu của ông trong quá vãng, người cha "culi" ngày ngày kéo xe với đôi vai trần khỏe mạnh, hình ảnh người mẹ nhỏ nhắn, hao gầy… Hay còn có bức, ông vẽ hình ảnh cây tre, bến đò, con thuyền đứng đợi... Theo ông, cây tre là hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ, cứng cáp và con thuyền trên sông là hình ảnh những người phụ nữ biết lo toan, vun vén cho gia đình. Hầu hết những bức họa của ông đều trích dẫn một vài câu thơ, thậm chí cả tác phẩm trọn vẹn của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…

Mỗi lần khách du lịch đến xem những bức tranh mà ông vẽ, ngừng bút, ông lại say sưa giải thích ngữ nghĩa và nét vẽ của ông, không chỉ giỏi thơ, văn chữ nôm, chữ hán mà ông còn thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông diễn giải cho các vị khách nước ngoài về những bức tranh của ông, họ gật đầu ra chiều tán thưởng. Tôi giật mình tự hỏi: "Liệu ở Việt Nam mình còn bao nhiêu ông đồ như thế?".

Không biết có phải nghệ sĩ thì họ "phóng túng" không nhưng khi tiếp xúc với ông điều đầu tiên tôi không chỉ ấn tượng bởi giọng nói, nếu như ở thời xưa người ta hay dùng cho các thi sĩ đó là lối "ngông", vừa sâu sắc triết lý vừa tếu táo, ông nói với tôi rằng, ông cứ hay "nói vo" vậy đó. Trước kia có một ông vua người Thụy Điển ngồi xe xích lô đến ngôi nhà cổ này và ông đã từng tiếp chuyện rôm rả...

Mỗi bức tranh thủy mặc này ông chỉ tốn 15 - 20 phút để vẽ, mỗi bức tranh mà ông cắt nghĩa ra thì thâm thúy và sâu xa lắm. Nếu như cầm bức tranh lên để ngắm nghía thôi thì chỉ thấy nó đẹp một phần ở hình thức thôi, còn nếu như hiểu được bức tranh đang nói gì thì đó mới chính là người biết cảm thụ tranh - chữ. Mỗi bức tranh như thế, ông bán cho du khách khoảng 100 ngàn. Số tiền nếu so sánh công sức và tâm huyết của ông bỏ ra tôi nghĩ nó chưa cân xứng.

Ông Dần diễn giải cho du khách ý nghĩa của những bức tranh. Ảnh:Đ.Nguyễn

Nghề ngày càng mai một…

Công việc vẽ tranh thủy mặc này cũng kì công lắm, khi viết cho những người nho nhã, thư sinh thì nét bút phải mềm mại, uyển chuyển, nếu người đó là một vị tướng thì nét bút phải dứt khoát, khỏe mạnh như chính con người của họ. Nghề vẽ tranh thủy mặc cũng như viết thư pháp cũng chìm nổi lắm, ngoại trừ những dịp lễ Tết có mấy ai quan tâm đâu, lớp trẻ ngày nay cũng hiếm khi tìm về cội xưa lắm.

Ông nói, học viết chữ này trước hết là phải say chữ, nếu ai không có cái tâm và không say được thì tốt nhất không nên học, vì mỗi câu thơ, mỗi nét bút vẽ trong đó là cả một tâm hồn, tình cảm, nếu không có cảm xúc và tâm huyết thì nét chữ khô và ít có hồn lắm. Chính bởi vậy mà ông lo rằng mai này có ai còn nhớ đến thứ chữ nho nhã này nữa không?

Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến loại hình nghệ thuật này, bởi ngay các cháu của ông cũng không ai theo học chữ ông cả. Vì việc học của chúng đã bận rộn quá rồi, học thêm học nếm, tây ta nhiều quá, thậm chí ông bảo tôi thỉnh thoảng lui tới đây ông dạy chữ miễn phí cho, nhưng phải say chữ đã, nếu không say mà muốn tung hoành thì thôi đừng đến. Ông bộc bạch "mong rằng thế hệ trẻ sau này sẽ có người "say chữ" và "giữ được lửa" của thế hệ như ông để lại". Đúng là nhiều khi bận bịu con người ta quên hẳn những gì của quá khứ, con cháu nước mình bây giờ có ai giỏi sử ta như sử tàu đâu, nhưng cũng có mấy đứa trẻ nào có kiên nhẫn mà học chữ tàu đâu. Tôi ngẫm lại, cũng phải thật, phim tàu nhiều hơn phim Việt Nam, võ vẽ trong phim cũng nhìn thích mắt hơn nên giới trẻ thích xem cũng đúng. Còn nhà nho xưa bây giờ hiếm nên thế hệ trẻ cũng dần dần không biết...

Không gian phố cổ xưa như được đựng đầy, thu hẹp lại trong ngôi nhà cổ. Dưới mái ngói rêu phong, bên bức tường cổ kính, những cảnh trí sinh hoạt xưa như vẫn thấp thoáng ẩn hiện với chiếc vại sành, chiếc nồi đất, rổ tre con con... Tất cả đều thấm đẫm nét tinh tế, thi vị mà cổ kính. Và hơn thế nữa đó là hình ảnh một cụ đồ nho, ngày ngày "say chữ", ngâm thơ, giảng đạo, vui thú với cây cảnh, bàn cờ.

Đức Nguyễn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120303090519237p1043c1055/nguoi-giu-hon-ha-noi-trong-ngoi-nha-co.htm