Người 'ghi chép' đại dịch COVID-19 bằng hình ảnh

Triển lãm ảnh Sài Gòn COVID-19 năm 2021 và cuốn sách cùng tên của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ra mắt công chúng ngày 15/4 tại TPHCM. Đây là lần thứ hai Trần Thế phong ra sách và triển lãm ảnh về đại dịch COVID-19.

Ðương đầu trong bão dịch COVID-19

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Trần Thế Phong chọn con đường dấn thân vào những nơi nóng bỏng nhất để tìm kiếm những khoảnh khắc ấn tượng. Năm 2020, khi làn sóng dịch lần đầu xảy ra tại TPHCM, Trần Thế Phong đã làm được bộ sách ảnh Sài Gòn COVID-19 và tổ chức triển lãm ảnh cùng tên, thu hút đông đảo người xem bởi tính hiện thực, thời sự và phản ánh nhiều góc cạnh của cuộc sống dưới góc nhìn đầy nhân văn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 năm 2021

Cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 năm 2021

Năm 2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng nổ tại TPHCM, một lần nữa bất chấp những hiểm nguy, Trần Thế Phong lại vác máy đi khắp các điểm nóng trong đại dịch như các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, các con hẻm có đông người nhiễm... để ghi lại những khoảnh khắc đau thương nhưng vẫn kiên cường của người dân trong những ngày tháng đầy đau thương, ảm đạm.

“Tôi đã lặng người bởi trong đời mình chưa bao giờ thấy và chứng kiến những hình ảnh đau thương, mất mát đến chạnh lòng như thế. Có nhiều người trong những giờ phút cuối đời đã ra đi lặng lẽ, không gia đình, bạn bè, người thân bên cạnh. Có những em bé mới chào đời, không được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời... Chưa bao giờ Sài Gòn lạ như thế!”, Trần Thế Phong trải lòng.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 năm 2021 với 155 tấm ảnh tiêu biểu được Trần Thế Phong lựa chọn từ hơn 6.000 tấm ảnh anh chụp. Theo Trần Thế Phong, rất khó khăn để có những tấm ảnh này, bởi sự quyết tâm dấn thân chưa đủ, người chụp còn phải vượt qua các quy định chống dịch phức tạp.

Để có một tấm “thẻ đi đường” trong thời gian đó cũng là một quá trình gian nan với biết bao nhiêu thủ tục giấy tờ. Nhưng với sự quyết tâm và lòng nhiệt thành yêu nghề, Trần Thế Phong đã vượt qua những trở ngại đó để ghi lại nhiều hình ảnh về cuộc sống, con người Sài Gòn.

Vì thế ảnh của Trần Thế Phong cho người xem thấy một Sài Gòn vắng vẻ, ánh mắt sâu thẳm của một người phụ nữ sau rào kẽm gai, những chiếc xe cứu thương chạy trên đường vắng, gương mặt căng thẳng của bác sĩ khi đang chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân. Nhưng ở một góc khác, những bức ảnh của Trần Thế Phong cũng cho thấy được sự bao dung, bảo bọc nhau của người Sài Gòn khi họ cho nhau từng mớ rau, đĩa cơm, hộp cá... Những khoảnh khắc hiếm có của Sài Gòn đã được Trần Thế Phong lưu lại như một lời minh chứng lịch sử: Sài Gòn đã từng như thế.

Ðau thương nhưng lấp lánh tình thương

Cảnh chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến

Cảnh chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến

Cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) không chỉ đơn thuần tập hợp hình ảnh, tái hiện hành trình tác nghiệp đặc biệt của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong mà đây còn là thành quả tâm huyết được tác giả trưng bày với dụng ý về nghệ thuật của sự sắp đặt. Trong 155 bức ảnh có nhiều tác phẩm được tác giả lựa chọn màu đen trắng như tạo độ lắng về cảm xúc. Một số bức ảnh khác mới xem qua người xem có cảm giác như tác giả chỉ chụp chơi và dường như thông điệp được tác giả lựa chọn ẩn dụ bên trong. Nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho biết, anh thích nhất bức ảnh chụp bùng binh Phan Đình Phùng (quận 5, TPHCM).

Trong lúc Sài Gòn đã giãn cách vì COVID-19, bùng binh vốn tấp nập này đã vắng vẻ một cách lạ thường. Bức ảnh phản ánh được nhiều khía cạnh hay và dở của một đại đô thị, như sự đua tranh giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa vật thể và phi vật thể, giữa thế tục và tâm linh. Bức ảnh như một tín hiệu, biển hiệu khác trong bức ảnh này biến thành biểu tượng, mang đến những ẩn dụ mới, ngữ nghĩa mới.

Lý Đợi cho biết: “Việt Nam hiếm có nhiếp ảnh ý niệm (conceptual photography), nên khi gặp bức ảnh của Trần Thế Phong, tôi thấy nó thực sự thu hút vì những ẩn ý. Trong sách này còn có nhiều bức ảnh ý niệm như vậy. Xét về nghề nghiệp, đây là một bước tiến đáng kể của Trần Thế Phong trong nghệ thuật nhiếp ảnh”. Nhiếp ảnh gia Nick Út đánh giá: “Thế Phong là con người can đảm khi xông pha đi chụp COVID-19 mà không ngại nguy hiểm cho mình. Tôi xem qua mà cảm động rơi nước mắt, những hình ảnh lịch sử rất có giá trị không chỉ về tính thông tin mà còn đậm chất nghệ thuật”.

GS Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam: “Bộ ảnh cuộc chiến chống dịch COVID-19 của nghệ sĩ Trần Thế Phong sẽ để lại cho thế hệ mai sau một cách nhìn về sức mạnh của tình yêu, tình nhân loại, tình đồng chí, bà con anh em ruột thịt tại Sài Gòn - Gia Định, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Cuộc chiến thầm lặng thế kỷ không tiếng súng, không bom đạn của các thầy thuốc giành giật mạng sống cho từng con người”.

Trần Thế Phong thừa nhận, cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 năm 2021 là cuốn có “nhiều chữ nhất” của anh bởi trong đó. Mỗi bức ảnh anh lại đưa vào những chia sẻ thật tâm của các cá nhân đang công tác tại ngành nghề, họ có những trải nghiệm khác nhau trong cao điểm dịch tại Sài Gòn, từ bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia, cô con gái không may có ba mẹ qua đời vì COVID-19...

“Tôi muốn chạm vào cảm xúc của người xem một cách vừa đủ, nghĩa là từng bức ảnh vẫn cho thấy đau thương thật nhưng chúng không quá nặng nề đến mức gây ám ảnh. Dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát và đây là thời điểm gần tròn một năm Sài Gòn trải qua năm tháng khốn cùng, đau thương nhưng lấp lánh tình thương. Đây là dịp để mọi người nhìn lại một lần nữa những gì đã trải qua, để nguyện cầu cho những người không may rời cõi tạm được thanh thản, để người còn sống nén nỗi đau mà bước tiếp hành trình của mình”- Trần Thế Phong nói.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-ghi-chep-dai-dich-covid-19-bang-hinh-anh-post1431134.tpo