Người được mệnh danh 'tiến sĩ trẻ nhất Trung Quốc' bây giờ ra sao?

Từng học tiến sĩ khi chỉ mới 16 tuổi, Trương Hân Dương lại trượt dài vì được nuông chiều quá mức và hiện phải ăn bám cha mẹ, không có công việc ổn định.

Trương Hân Dương có bằng thạc sĩ tiến sĩ nhưng lại không có công việc ổn định. Ảnh: Sohu.

Năm 2005, ở Trung Quốc, một đứa trẻ 10 tuổi được nhận vào đại học. Ba năm sau, cậu được nhận vào chương trình thạc sĩ của Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Sau đó, ở tuổi 16, chàng trai này trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất Trung Quốc.

Thiên tài phá kỷ lục tiến sĩ trẻ nhất đại lục chính là Trương Hân Dương, sinh năm 1995 ở Liêu Ninh (Trung Quốc).

Lớn lên cùng danh hiệu "thiên tài", "thần đồng", "tiến sĩ nhỏ nhất Trung Quốc"..., thế nhưng ở tuổi trưởng thành, Trương Hân Dương lại trượt dài trong sự thất vọng của mọi người. Tiền đồ bấp bênh, không có lý tưởng, Trương Hân Dương ngày nay phải sống dựa vào tiền chu cấp của cha mẹ dù đã gần 30 tuổi.

Cha của Trương Hân Dương là người quyết tâm cho con trai học vượt. Ảnh: Sohu.

Sai lầm của người cha

Không ai nghĩ rằng con đường học vấn phát triển quá nhanh lại là một con dao hai lưỡi đối với đứa trẻ Trương Hân Dương ngày ấy.

Theo The Paper, khi mới 2 tuổi, Hân Dương đã bộc lộ tài năng phi thường vì chỉ cần nhìn mặt chữ một lần là có thể thuộc lòng. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, cậu bé 2 tuổi đã có thể thuộc hơn 1.000 chữ Hán trong khi nhiều đứa trẻ cùng tuổi thậm chí còn chưa nói tròn chữ.

Thấy con thông minh hơn người, cha của Trương Hân Dương bắt đầu dạy con nhiều chữ hơn. Khi con trai lên 5 tuổi, ông quyết định cho con vào tiểu học. Trường tiểu học cũng là nơi khởi đầu cho sự nghiệp học hành "nhanh như tên lửa" của Trương Hân Dương.

Chỉ trong một tháng, cậu đã hoàn thành chương trình lớp 1 với điểm số xuất sắc. Dưới sự hướng dẫn của cha, Hân Dương tiếp tục học "nhảy cóc" và hoàn thành chương trình tiểu học chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm.

Một giáo viên nói với cha mẹ Trương Hân Dương rằng cậu còn quá nhỏ, dù trí tuệ vượt trội, tuổi tâm hồn của em vẫn chưa thể theo kịp. Giáo viên này khuyên cặp vợ chồng nên cho con học chậm lại để con tận hưởng tuổi thơ của mình.

Dù được giáo viên khuyên nhủ, người cha vẫn quyết tâm muốn con học vượt. Theo đó, ngay sau khi con tốt nghiệp tiểu học, ông đã gửi con trai vào trường THCS tại địa phương.

Gần 20 năm sau, nhớ lại quãng thời gian vào THCS, Trương Hân Dương cười khổ, nói rằng thực ra thành tích của anh khi vào THCS rất kém và luôn xếp hạng bét.

Không muốn con bị tụt lại, cha Trương tiếp tục cho học và tin rằng IQ của con mình đủ cao để xử lý những nội dung này.

Dưới kỳ vọng của cha, Hân Dương - khi đó mới 9 tuổi - lại tiếp tục học vượt và chỉ mất 2 năm để hoàn thành cấp THCS. Tuy nhiên, cậu bé năm đó thường xuyên bị giáo viên phàn nàn vì không chịu nghe giảng, gây mất trật tự trong lớp.

Cha của Hân Dương chỉ nghĩ rằng con mình là thiên tài, tính cách khác biệt nên không có ý định dạy lại con. Sau khi học xong THCS, ông cho con trai học tại nhà và chỉ trong vài tháng, cậu đã hoàn thành chương trình THPT.

Thời gian cuối cấp, Trương Hân Dương bị cha nhồi nhét đủ loại sách ôn thi đại học. Tuy nhiên, cậu vẫn chỉ là một đứa trẻ, không hiểu rõ ý nghĩa của kỳ thi đại học. Cậu chỉ cố đọc sách rồi nhớ tất cả kiến thức.

Trước thềm kỳ thi gaokao, cha mẹ Trương Hân Dương lên kế hoạch cho con trai nộp đơn vào các trường 985 - các trường thuộc dự án đại học hàng đầu thế giới do Chính phủ Trung Quốc đặt ra, bao gồm Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

Tuy nhiên, khi nhận kết quả thi, Hân Dương chỉ đạt 505 điểm, đủ trúng tuyển Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thiên Tân - một trường đại học hạng hai.

Bị ép vào đại học

Dù điểm thi đại học ở mức trung bình, Trương Hân Dương vẫn nổi tiếng khắp cả nước vì thi đại học khi mới 10 tuổi. Nhiều người khuyên Hân Dương nên học lại thi lại ít nhất một năm, nhưng cha Trương vẫn quyết tâm cho con vào đại học.

Đã là sinh viên đại học, Hân Dương 10 tuổi vẫn chỉ là một đứa trẻ, thứ cậu thích nhất là hoạt hình, đồ chơi và các trò chơi giải trí. Trốn học, trượt môn liên tục, cậu mất đi cơ hội tiếp xúc với bạn bè cùng lớp. Thời gian đó, cậu đã phải sống một cuộc sống không bạn bè và không thể hòa hợp với môi trường đại học.

Học đại học ở độ tuổi còn quá nhỏ, Trương Hân Dương không biết sau khi tốt nghiệp bản thân sẽ phải đối mặt với điều gì, cũng không biết mình có thể làm gì nếu không đi học. Cậu không có mục tiêu, cũng không có sở thích hay trình độ chuyên môn.

Bị cha mẹ ép trưởng thành quá sớm, Hân Dương chỉ biết bám vào chiếc bè lá mang tên học tập, nên đã bỏ lỡ những khoảnh khắc và trải nghiệm đẹp nhất cuộc đời. Càng lớn, chàng trai sinh năm 1995 càng để lộ những khuyết điểm của mình.

Để con trai tập trung vào việc học, cha mẹ của Trương Hân Dương đã một tay lo hết cuộc sống của con. Sau khi tốt nghiệp đại học và học tiếp lên thạc sĩ, khả năng tự chăm sóc bản thân của cậu chỉ ngang với một đứa trẻ tiểu học.

Trong lúc điên cuồng tìm cách trốn khỏi sự kiểm soát của cha, Trương Hân Dương dọa sẽ bỏ học, đồng thời không ngừng đòi hỏi cha mẹ chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.

Thành công "đuổi" được cha khỏi ký túc xá, Hân Dương như chim sổ lồng. Cậu bắt đầu buông lỏng bản thân và lao vào những trò chơi giải trí, không tập trung vào việc học.

Kỳ diệu là đến năm 2011, cậu một lần nữa đứng đầu, đồng thời đòi cha mẹ mua nhà, nếu không sẽ bỏ tốt nghiệp thạc sĩ.

Bị con "đe dọa", cha mẹ Trương đành phải thuê một căn nhà ở Bắc Kinh rồi nói dối con đó là nhà mua. Được cha mẹ chiều lòng, Trương Hân Dương tốt nghiệp thạc sĩ rồi trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất cả nước thời bấy giờ, khi chỉ mới 16 tuổi.

Cha Trương từng vào ký túc xá để tiện chăm sóc con trai học đại học. Ảnh: Sohu.

Tụt dốc không phanh

Mọi người nghĩ rằng Trương Hân Dương sẽ trở thành một huyền thoại, nhưng không ngờ cậu lại tụt dốc trong học tập, tính cách cũng ngày càng tệ đi.

Khi mới trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ, Hân Dương rất chật vật vì bạn bè cùng khóa đều có năng lực nghiên cứu cao hơn. Vỡ mộng, cậu cũng càng bối rối vì không biết làm gì và phải thường xuyên thay đổi đề tài nghiên cứu. Đến lúc ra trường, cậu vẫn không thể nộp được một luận văn tử tế.

Kết quả, thiên tài nhỏ tuổi năm xưa phải mất đến 8 năm để hoàn thành luận văn và lấy được bằng tiến sĩ nhờ sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn.

Cái danh thiên tài biến mất, Trương Hân Dương chỉ nhận về những lời đàm tiếu chễ giễu vì kém cỏi.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Trương Hân Dương không còn động lực, cũng không có lý tưởng, cậu không biết phải làm gì tiếp theo.

Cuối cùng, dưới sự giới thiệu của giáo viên, cậu được nhận vào Đại học Sư phạm Ninh Hạ với tư cách giáo viên mời. Nhưng làm việc không lâu, cậu cũng nghỉ việc vì cảm thấy không phù hợp.

Nghỉ nghề giáo, cậu tham gia kinh doanh cùng bạn bè nhưng cũng không thành công, chỉ kiếm được một ít tiền lời.

Gần 30 tuổi, Trương Hân Dương không nhà, không xe, không việc làm ổn định và nhận trợ cấp từ cha mẹ mỗi tháng 1-2 lần. Dù sống phụ thuộc, cậu lại thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại vì không cần làm việc mà vẫn có tiền.

Ở độ tuổi này, nghiên cứu đối với Trương Hân Dương cũng chỉ là thứ xa vời. Khi được hỏi về cuộc sống tương lai, cậu chỉ tặc lưỡi và nói rằng "cứ kệ đi".

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-duoc-menh-danh-tien-si-tre-nhat-trung-quoc-bay-gio-ra-sao-post1460552.html