Người đứng sau 6 đấu trường sắc đẹp lớn nhất thế giới

Julia Morley, Anne Jakkaphong, Nawat, Akemi Shimomura là những cái tên đang xây dựng các đế chế sắc đẹp quốc tế hiện nay.

Những ngày vừa qua, cộng đồng sắc đẹp quan tâm, bàn luận nhiều hơn về các đấu trường sắc đẹp quốc tế lớn hiện nay. Miss Universe vừa có cuộc đổi chủ gây bất ngờ. Miss Grand International chao đảo với loạt ồn ào sau dịp kỷ niệm 10 năm.

Tỷ phú chuyển giới Anne Jakkaphong mua Miss Universe

2022 là một năm lịch sử với Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ). Giữa năm nay, cuộc thi gây bất ngờ khi thông báo kể từ năm 2023, phụ nữ đã kết hôn hoặc đang mang thai có thể tham gia cuộc thi. Cuối tháng 10, một lần nữa Miss Universe có bước ngoặt khi được doanh nhân Thái Lan Anne Jakkaphong Jakrajutatip (Anne JKN) mua lại với giá 20 triệu USD.

Đây là lần đầu tiên Miss Universe thuộc sở hữu của một người phụ nữ chuyển giới và cũng là lần đầu tiên trụ sở của Miss Universe được mở rộng ra bên ngoài nước Mỹ. “70 năm qua, Hoa hậu Hoàn vũ thuộc về Mỹ. Nhưng từ nay, nó là của chúng ta” là cách nữ doanh nhân thông báo với cả thế giới về quyết định của mình.

Theo Forbes năm 2020, Anne Jakkaphong Jakrajutatip là người chuyển giới giàu thứ 3 thế giới với khối tài sản ước tính khoảng 210 triệu USD, đứng trên cựu vận động viên Olympic Caitlyn Jenner và đạo diễn The Matrix Lana Wachowski.

Doanh nhân Anne Jakkaphong Jakrajutatip đang nắm quyền đối với Miss Universe. Ảnh: Instagram Anne.

Anne JKN từng theo học ngành quan hệ quốc tế ở Australia và bắt đầu sự nghiệp bằng công việc ở trạm xăng của gia đình. Cô trở thành Giám đốc điều hành của JKN Global Media - công ty phân phối và quản lý nội dung hàng đầu ở Thái Lan. Không dừng ở đó, cô mở rộng JKN và hiện có hơn 15 công ty kinh doanh ở các lĩnh vực sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, sản xuất đồ uống...

Anne JKN là người có ảnh hưởng của cộng đồng chuyển giới Thái Lan khi thành lập Tổ chức Cảm hứng sống cho người chuyển giới (LIFT) nhằm đấu tranh cho quyền của cộng đồng này.

Thông qua Miss Universe, tỷ phú 43 tuổi muốn truyền cảm hứng để mọi người biến khó khăn, áp lực thành sức mạnh chiến đấu và thành công.

Tuy nhiên, chủ tịch tổ chức Miss Universe hiện vẫn là bà Paula M. Shugart.

Chủ tịch Miss World - Julia Morley

Năm 1951, Miss World (Hoa hậu Thế giới) lần đầu được tổ chức với vai trò là một phần của Festival of Britain nhằm đẩy mạnh niềm tự hào quốc gia và tạo sự chú ý trên thế giới. Từ 26 thí sinh tham gia trong năm đầu tiên, 15 năm sau, Miss World có 86 thí sinh và đến nay khoảng 150 thí sinh mỗi năm.

Ở thời điểm đỉnh cao, chỉ tính riêng ở Anh, đêm chung kết Miss World có tới 27,5 triệu người người xem - con số cho thấy Miss World có sức hấp dẫn công chúng tương đương đám cưới hoàng gia.

Từ năm 1972, Eric Morley cùng vợ Julia Morley đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch Miss World. Sau khi Eric Morley qua đời vào năm 2000, những cột mốc của Miss World gắn với tên tuổi của vợ ông.

“Khi đó, tôi chỉ là một người mẹ, một người nội trợ, chẳng biết gì về thế giới kinh doanh và Eric nói tôi nên thử sức” - bà Julia chia sẻ trên Telegraph.

Ngay khi đảm nhận công việc, Julia Morley đã tạo ra sự thay đổi đầu tiên khi khởi động chương trình Beauty with a Purpose - Sắc đẹp song hành với sứ mệnh. Mỗi thí sinh Miss World mang đến cuộc thi một dự án thiện nguyện ở quê nhà nhằm tăng sự nhận thức của cộng đồng và gây quỹ. Đó chính là tầm nhìn của bà dành cho những phụ nữ trẻ với mong muốn họ sẽ sử dụng năng lực của mình để giúp những mảnh đời kém may mắn.

“Tôi không quan tâm vòng 3 của người này lớn hay nhỏ hơn 5 cm so với người khác. Chúng tôi không nhìn vào vòng 3 của cô ấy. Chúng tôi lắng nghe cô ấy nói. Miss World trao quyền cho phụ nữ, cuộc thi cho phép họ lên tiếng. Và tiếng nói đó không chỉ là của 130 thí sinh - những người được kết nối, được học hỏi, phát triển và có những niềm vui trong suốt một tháng của cuộc thi, mà còn hơn thế nữa, tiếng nói này đại diện cho phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới”, bà Julia Morley phát biểu.

Chủ tịch Julia Morley và đương kim Hoa hậu Thế giới Karolina Bielawska. Ảnh: Miss World.

Sau 50 năm, chương trình Beauty with a Purpose hoạt động ở 142 quốc gia với quỹ quyên góp hơn 1 tỷ USD và ít nhiều giúp Miss World tránh được những chỉ trích vật hóa phụ nữ.

Từ năm 2015, Julia Morley quyết định loại bỏ phần thi bikini trên sân khấu chung kết. Bà được đánh giá là tạo bước chuyển cho nền công nghiệp sắc đẹp, để việc đánh giá phụ nữ không đơn thuần bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài hay đường cong cơ thể.

Chủ tịch Miss International - Akemi Shimomura

Miss International - Hoa hậu Quốc tế ra đời vào năm 1960, được tổ chức lần đầu tiên tại Mỹ và từng đến Trung Quốc. Nhưng trong hơn 60 tồn tại, phần lớn thời gian Miss International diễn ra tại Nhật Bản và cũng thuộc sở hữu của tập đoàn Miss Paris Group.

Bà Akemi Shimomura (bìa trái) là người phụ nữ đứng sau Hoa hậu Quốc tế.

Chủ tịch Miss International là giám đốc điều hành Miss Paris Group - bà Akemi Shimomura. Khác với chủ tịch của các cuộc thi hoa hậu khác, bà Akemi Shimomura là một doanh nhân kín tiếng. Người phụ nữ quyền lực này hiện điều hành hơn 150 cơ sở làm đẹp trên khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, và trường đào tạo.

Bản thân bà Akemi Shimomura cũng chính là cảm hứng tạo ra sự khác biệt của Miss International. Bà khởi xướng thực hiện Diễn đàn Doanh nhân của Phụ nữ quốc tế ngay trong khuôn khổ cuộc thi Miss International, xoay quanh các cuộc thảo luận về vai trò của phụ nữ trong thế giới kinh doanh.

Gần đây, fan sắc đẹp lan truyền thông tin Miss International có thể sắp có chủ mới, tuy nhiên chưa nguồn tin nào khẳng định.

Người đứng sau Miss Earth

"Hoa hậu có thể là những đại sứ xuất sắc, họ giống như các ngôi sao điện ảnh vậy. Nhưng khi gặp lại, chúng tôi hỏi các hoa hậu đã làm những gì, họ nói họ cắt vài chiếc băng khánh thành hay khai trương một vài siêu thị. Chúng tôi muốn tiến bước xa hơn thế, biến vẻ đẹp của họ thành một lý tưởng" - đó là cách Ramon Monzon tạo ra Miss Earth (Hoa hậu Trái Đất) vào năm 2001.

Doanh nhân người Philipines tin rằng sức mạnh của sắc đẹp có thể góp phần bảo vệ “ngôi nhà chung” Trái Đất. Miss Earth đề cập trực tiếp đến các vấn đề biến đổi khí hậu và trách nhiệm với cộng đồng.

Xuất thân trong một gia đình khốn khó và phải bươn chải sớm từ năm 17 tuổi để cáng đáng kinh tế gia đình sau khi cha mất, Ramon Monzon đã xây dựng được một cơ đồ vững chắc. Ramon Monzon hiện đứng đầu hơn 10 công ty hoạt động trong các lĩnh vực giải trí, gia dụng, du lịch, chứng khoán... Trước khi tạo ra Miss Earth, ông đã có hơn 1 thập kỷ chuyên tổ chức các cuộc thi hoa hậu.

Ramon Monzon và Lorraine Schuck (bìa phải) điều hành Miss Earth.

Tương tự như gia đình Morley của Miss World, đồng hành với Ramon Monzon trong việc điều hành và xây dựng Miss Earth chính là vợ ông - bà Lorraine Schuck. Bà từng đăng quang cuộc thi Hoa hậu quốc gia Philippines Mutya ng Pilipinas Asia 1979, đại diện cho đất nước tham gia Miss Asia Quest cùng năm và giành giải Á hậu 1. Lorraine Schuck từng là tiếp viên hàng không của Korean Air. Sau khi chiến thắng ở đấu trường sắc đẹp, Lorraine Schuck bắt đầu lấn sân sang phim ảnh và truyền hình.

Năm 2004, vợ chồng Ramon Monzon và Lorraine Schuck thành lập Quỹ Miss Earth nhằm củng cố mục tiêu của cuộc thi và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng như địa phương hoạt động bảo tồn và cải thiện môi trường.

Trong khoảng nửa thập kỷ trở lại đây, Miss Earth vướng nhiều tai tiếng, bị phàn nàn về khâu tổ chức cũng như chất lượng cuộc thi.

Người sở hữu Miss Supranational

Miss Supranational (Hoa hậu Siêu quốc gia) là cuộc thi hoa hậu quốc tế thường niên, khởi xướng từ năm 2009, thuộc sở hữu của công ty sản xuất Nowa Scena. Chủ tịch Miss Supranational cũng chính là chủ tịch Nowa Scena - ông Gerhard Parzutka Von Lipinsky.

Là giám đốc quốc gia của nhiều cuộc thi sắc đẹp ở Ba Lan, từng gửi rất nhiều cô gái tham gia đấu trường quốc tế, Lipinski mong muốn tạo ra một sân chơi mới, đem đến những giá trị khác biệt.

“Châu Âu không có nhiều cuộc thi hoa hậu. Là một người châu Âu, tôi muốn cho thế giới thấy lục địa này rất đẹp và cũng có thể tổ chức các cuộc thi sắc đẹp”, ông Lipinski chia sẻ.

Cái tên Miss Supranational cũng được ông Lipinski lấy cảm hứng từ Liên minh châu Âu - một tổ chức đa quốc gia - với mong muốn xóa nhòa những khác biệt về quốc gia, văn hóa hay ngôn ngữ.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Lipinski cho biết đang ấp ủ tạo ra nhiều thay đổi ở cuộc thi, như bỏ giải hình thể đẹp nhất vì lỗi thời, khai thác các nền tảng xã hội để xây dựng một cuộc thi sôi động hơn, nâng cao giới hạn tuổi.

Minh Tú chụp ảnh cùng Chủ tịch Hoa hậu Siêu quốc gia.

Nawat Itsaragrisil nắm quyền Miss Grand

Là “em út” của sân chơi hoa hậu nhưng Miss Grand International lại trở nên ồn ào nhất bởi chính vị Chủ tịch Nawat Itsaragrisil.

Nawat Itsaragrisil sinh năm 1973, được biết đến đầu tiên với vai trò là người dẫn chương trình của các show truyền hình về du lịch. Sau này, Nawat tham gia nhiều chương trình trò chuyện tạp kỹ và sản xuất các chương trình truyền hình trước khi bước chân sang sân chơi sắc đẹp.

Sau 5 năm đảm nhận vị trí Giám đốc và Nhà sản xuất Miss World Thái Lan và là Giám đốc quốc gia của Miss Earth Thái Lan, Nawat Itsaragrisil tách ra sáng lập Miss Grand International vào năm 2013. Sứ mệnh mà doanh nhân người Thái đặt ra cho cuộc thi của mình là chấm dứt chiến tranh và mọi hình thức bạo lực.

Sau một thập kỷ hoạt động, Miss Grand International nhiều lần vướng lùm xùm. Ngoài ra, Nawat Itsaragiril cũng gây không ít sóng gió cho cuộc thi bởi các phát ngôn và hành động bị cho là đi ngược với sứ mệnh hòa bình.

Trước khi “khẩu chiến” với cộng đồng mạng Việt Nam khiến trang Instagram của Miss Grand International mất hơn 2 triệu người theo dõi, Nawat từng tranh cãi với khán giả Philippines vào năm 2018. Bên cạnh đó, Nawat còn công khai coi Miss Universe là đối thủ và bày tỏ thái độ sẵn sàng đối đầu.

Phương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dung-sau-6-dau-truong-sac-dep-lon-nhat-the-gioi-post1371991.html