Người đồng bào Thổ ở Thanh Sơn, Phú Thọ

Người đồng bào Thổ sinh sống ở Thanh Sơn, Phú Thọ giữ gìn bản sắc.

Người đồng bào Thổ sinh sống ở khu Quất, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ hiện có 84 hộ với 344 nhân khẩu, trong đó 30 hộ là đồng bào Thổ, hạ sơn từ năm 1960, di cư từ Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đồng bào Thổ ban đầu sinh nhai bằng phát rẫy, trồng lúa nương. Về sau biết tìm những vùng đất thuận tiện hơn để dựng nhà, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Người đồng bào Thổ sinh sống ở khu Quất, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Những người già làng ở đây kể lại cuộc sống đồng bào Thổ trước đây rất nghèo, thức ăn chính là rau, hoa chuối hái trong rừng. Thực phẩm của những người đã trải qua gần một thế kỷ sống tại thung lũng này chủ yếu là khoai, sắn, ngô nhiều hơn gạo.

Đường đi chỉ là những lối mòn ven sườn núi và khe suối, các loài thú dữ thường xuyên về quấy phá bản làng, bắp ngô trên rẫy, cây lúa ngoài ruộng luôn bị lợn rừng và chuột vào phá hại, người dân phải thay nhau canh giữ suốt ngày đêm.

Người đồng bào Thổ vẫn giữ văn hóa thêu khăn đội đầu.

Văn hóa trang phục đồng bào Thổ có nhiều nét tương đồng với người Thái. Ngôn ngữ tương tự người Tày. Nhà ở của đồng bào Thổ hầu hết đều là nhà sàn bởi sinh sống gần rừng, cây cối rậm rạp, nhà sàn là một trong những cách tốt nhất để họ chống thú giữ. Đồng bào Thổ có nhiều loại thuốc quý từ cây rừng.

Trong y học dân gian của đồng bào dân tộc Thổ có những bài thuốc gia truyền chữa bệnh được kết hợp từ hàng trăm loại cỏ cây, lá rừng...những loại thuốc chữa bệnh được gia truyền từ đời này sang đời khác.

Trước kia trong văn hóa đồng bào Thổ có nhiều phong tục độc đáo như tục làm "ma góp" (tổ chức đám ma gộp) và tục ở rể. Về sau cuộc sống giao thoa và phát triển, một số phong tục tập quán lạc hậu được xóa bỏ.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay, phong tục cưới hỏi vẫn được đồng bào Thổ rất coi trọng. Đồng bào Thổ quan niệm khi người con gái đi lấy chồng sẽ được bố mẹ đẻ cho chăn, chiếu, gối, áo tự làm, khăn thêu, thậm chí là cả trâu, bò, lợn, gà....

Đồng bào Thổ vẫn giữ tục dựng cây nêu và trình diễn hát Ví, hát Đăng (hát đối), múa xòe khi đón Tết, thêu trang trí khăn đội đầu. Cũng như các dân tộc thiểu số khác văn hóa thêu khăn thể hiện thẩm mĩ, tình yêu cái đẹp của người phụ nữ Thổ.

Ngày nay, kinh tế phát triển và giao thoa văn hóa cuộc sống của đồng bào Thổ đã khác xưa. Từ chỉ biết sống bị động vào thiên nhiên đến biết cấy lúa một vụ trải qua 60 năm định cư đã thành thạo trồng lúa nước, cây lâm nghiệp như: Trẩu, bồ đề; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điện và nước sạch đã vào tận bản, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.

Mặc dù cuộc sống đồng bào Thổ nơi đây có nhiều sự phát triển đáng kể nhưng còn nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Đinh Văn Tuấn – Trưởng khu Quất cho biết: "Mặc dù người dân cũng đã chịu khó làm kinh tế tuy nhiên chưa thực sự có sức bật nên đời sống vẫn còn khó khăn. Hầu hết các hộ vẫn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo".

Đồng bào Thổ chiếm số ít trong số các đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ. Sự xuất hiện và phát triển đồng bào Thổ góp phần vào sự đa dạng và phong phú về dân tộc của đất nước. Với những chính sách về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN từ chính phủ. Hy vọng rằng văn hóa Thổ sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, đời sống người đồng bào Thổ ở Phú Thọ được cải thiện.

Như Thủy

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-dong-bao-tho-o-thanh-son-phu-tho-20231026175835576.htm