Người 'đơn thương độc mã' giữ nghề làm đồ chơi trung thu

“Người phải lòng ông tiến sĩ giấy”, “người vọng cổ đèn ông sao 5 cánh”... là những biệt hiệu mà người dân đặt cho nữ nghệ nhân duy nhất của làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội còn “đắm đuối” với nghề đồ chơi trung thu - cô Nguyễn Thị Tuyến.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đang miệt mài làm những đồ chơi trung thu truyền thống.

Giữ một chút gì rất quê

Làng Hậu Ái, xã Vân Canh vốn nổi tiếng là làng làm đồ chơi trung thu. Nhưng đó là câu chuyện từ xa xưa. Giờ đây, ở ngôi làng này, chỉ còn duy nhất một người vẫn giữ trọn cái nghề của cha ông.

Nói về nghề, cô Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ, trước đây, cứ mỗi dịp trung thu về là cả làng lại tất bật làm đồ chơi trung thu bán khắp các chợ phiên trong vùng. Vậy nhưng, vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, nghề làm đồ chơi trung thu bị cho là mê tín dị đoan, từ đó đi vào thoái trào. Người làm nghề trong làng cứ bỏ dần đi.

Tiếc cái nghề 3 đời của cha ông, cô Nguyễn Thị Tuyến vẫn duy trì làm những cánh đèn ông sao, những ông tiến sĩ giấy vừa đủ để ngắm và cho con của mình chơi vào mỗi đêm rằm tháng 8. Phải đến năm 1997, nhờ một cái duyên không hẹn trước, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến mới thực sự quay lại nghề cũ. Vào dịp trung thu năm đó, gia đình cô Tuyến đón 3 vị khách đặc biệt là chị Trần Thị Thủy, chị Trà và chị Nhi là cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Các chị đến đặt hàng cô làm các đồ chơi trung thu gồm đèn ông sao, ông đánh gậy, ông tiến sĩ giấy để treo khắp bảo tàng.

Trung thu năm ấy, những đồ chơi của cô Tuyến dành được sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan. Tiếng lành đồn xa, sự khéo tay của cô Tuyến được nhiều người biết đến. Năm 2001, cán bộ Trường quốc tế Unis đã tới tìm và nhờ cô tới dạy học sinh trong trường làm đồ chơi trung thu. Kể từ đó trở đi, dịp trung thu nào cô cũng có mặt ở trường với đồ nghề là những bộ khung đồ chơi, giấy màu và hồ dán để hướng dẫn các em. Với sự hướng dẫn tỉ mỉ của cô, các em học sinh Việt Nam và cả nước ngoài tỏ ra vô cùng thích thú.

Học tập mô hình của Trường Unis, sau này, nhiều trường đã mời cô Tuyến đến dạy các em, như Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam còn về tận nhà cô để học làm đồ chơi trung thu. Cô Tuyến chia sẻ, khi dạy các em làm đồ chơi, cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn nhận được sự tiếp sức sự đam mê để theo đuổi cái nghiệp này.

Nhiều người dân thờ ơ với đồ chơi trung thu truyền thống.

Niềm vui con trẻ và nỗi bâng khuâng của người lớn

Có mặt ở nhà cô Tuyến, chúng tôi thấy ngổn ngang những nan tre vót dở, những khung tre đã được dựng thành hình hay những tấm giấy màu bắt mắt. Những đồ chơi ấy rất an toàn và mang nhiều ý nghĩa vì nó chứa đựng cả tình thương, niềm hy vọng của người lớn gửi gắm cho thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng thật thà mà nói, dòng đồ chơi truyền thống ấy đang mất dần thị trường trước những đồ chơi hiện đại với tính đa dạng phong phú nhưng lại chứa nhiều hóa chất độc hại, thậm chí mang tính bạo lực .

Trẻ em không có lỗi, vì chúng chưa đủ lớn để nhận thức hành vi, chúng chọn đồ chơi hoàn toàn theo cảm tính. Nhưng điều đó thực sự khiến những người lớn như chúng ta không khỏi băn khoăn, suy nghĩ.

Hướng về nguồn cội để yêu và trân trọng cuộc sống hiện đại là một điều rất nên làm. Một món đồ chơi trung thu truyền thống tuy nhỏ nhưng thực sự mang một ý nghĩa lớn lao như thế. Vậy nhưng, trên thực tế, việc đó không hề dễ dàng. Ví như ở nơi vốn được coi là làng nghề làm đồ chơi trung thu này, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn đang phải “đơn thương độc mã” trên hành trình gìn giữ hồn quê.

Cô Tuyến chia sẻ: “Thú thực, tôi làm nghề này vì tình yêu trẻ nhỏ, chứ thu nhập chẳng đáng là bao”. Làm đồ chơi trung thu chỉ tập trung vào một tháng trước rằm tháng 8. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cô Tuyến khá chật vật mới tìm đủ nguyên vật liệu. Cô phải đi hàng chục cây số, tới những bản làng xa xôi tìm mua tre nứa rồi lại kỳ công tự đan vót. Hồ dán cũng phải tự nấu. Để làm đồ chơi trung thu đòi hỏi người làm phải rất tỉ mỉ, cẩn thận, vì các nan tre rất bé buộc không chặt, không cân đối là tuột ra ngay.

Những khó khăn ấy người nghệ nhân có thể khắc phục được song điều mà cô trăn trở nhất hiện nay là muốn truyền nghề mà chả ai muốn học. Cô Tuyến có 3 người con và đã là bà nội, bà ngoại, vậy nhưng con cháu cô chỉ có thể giúp cô một số công đoạn chứ không ai muốn theo cái nghiệp làm chẳng đủ ăn này.

Chia tay cô Nguyễn Thị Tuyến, chúng tôi bỗng thấy mình bâng khuâng, hoài niệm về những đêm rằm trung thu xưa. Ngày ấy tuy còn nghèo khó, vất vả, đồ chơi chỉ đơn thuần là đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy nhưng con trẻ thật sự cảm nhận được sự an toàn, ấm áp bởi tình thương của cha mẹ. Hy vọng rằng những món đồ chơi dân gian giản dị đó sẽ dành được sự quan tâm nhiều hơn của phụ huynh cũng như trẻ em trong mỗi dịp trung thu về.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/nguoi-don-thuong-doc-ma-giu-nghe-lam-do-choi-trung-thu-586666.bld