Người đi 'góp' màu xanh cho đời

Hơn 50.000 người đang được dùng nước sạch, hơn 136.000 cây trồng được phủ xanh thêm cho những cánh rừng và còn nhiều điều hơn nữa được anh Nguyễn Siêu Hạnh, người sáng lập Joy Foundation ở TPHCM đã vận động quyên góp và góp phần thay đổi cuộc sống ở những nơi anh đặt chân tới trong suốt 15 năm qua.

Tôi được chọn để làm

Xuất phát là sinh viên của ngành công nghệ thông tin của một chương trình liên kết với Ấn Độ tại Trường Đại học Hoa Sen. Anh Hạnh nhận thấy vốn tiếng Anh của mình còn kém, thế là anh tìm đến các câu lạc bộ tiếng Anh ở TPHCM. Tại đây, anh làm quen với những người bạn và biết được hoạt động dạy học cho những trẻ em đường phố vào cuối tuần. Anh cũng tham gia giảng dạy cho các em, từ đây, anh bén duyên với các hoạt động thiện nguyện.

Khi bắt đầu dạy trẻ, anh lại quen một người bạn làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Đức. Hạnh bắt đầu tìm hiểu và tham gia, anh được chọn vào trại hè của tổ chức trong khoảng thời gian 2 tháng. Anh đại diện cho người trẻ Việt Nam chia sẻ về văn hóa của dân tộc. Kết thúc khóa hè, một lần nữa anh lại được chọn để ở lại cùng làm việc với tổ chức này. Vậy là song hành với việc học, anh làm việc tại Đức trong 5 năm.

Trong khoảng thời gian làm việc tại Đức, anh học thêm ngành quản trị kinh doanh một chương trình liên kết của Bỉ, anh vẫn hay về Việt Nam. Nhóm tình nguyện dạy học cho các trẻ em đường phố cũng dừng lại nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, những trẻ em lang thang được nhận về các trung tâm giáo dục, được dạy học và chăm lo. Năm 2009, lúc này Hạnh tập hợp và thành lập nhóm tình nguyện Journey Of Youth (Joy) với các chương trình hỗ trợ học bổng và nhu yếu phẩm cho trẻ em nghèo ở Tây Ninh.

Sau những năm làm việc tại Đức, năm 2012, Nguyễn Siêu Hạnh mang trong mình những ấp ủ giúp đỡ quê nhà nên quyết định trở về Việt Nam. Dù vậy anh vẫn mất một khoảng thời gian loay hoay tìm cho mình một công việc ổn định để cống hiến tài năng và sức trẻ.

“Đang có công việc ổn định nhưng tôi về nước, tôi thất nghiệp tận 3 năm. Công việc tôi muốn làm vẫn còn là một khái niệm mới, đa phần mọi người vẫn nghĩ trách nhiệm xã hội là một hoạt động từ thiện chứ không phải là công việc. Mặc dù đã biết trước nhưng vẫn bị sốc, trong khi những bạn bè thời sinh viên của tôi họ đã đi làm và có mức thu nhập cũng cao, nhiều khi còn hơn lương của cả nhà mình cộng lại”, anh nói.

Dự án nước sạch ở Tây Nguyên của Joy Foundation. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dự án nước sạch ở Tây Nguyên của Joy Foundation. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dẫu vậy anh vẫn kiên trì, làm thêm những công việc vặt vãnh để sống và duy trì các hoạt động của Joy. Rồi trong một lần Joy đến Đắk Lắk, những thành viên đã có những trải nghiệm không ổn về nguồn nước, vậy là Joy bắt đầu làm những dự án về nước sạch.

“Ban đầu chúng tôi làm dự án nước sạch nhỏ ở trường học để học sinh và thầy cô có nước sạch để uống. Sau khoảng vài công trình nước sạch trường học thì nhiều doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ. Joy đã thực hiện những công trình nước sạch lớn hơn, phục vụ cho cả thôn, làng”.

Vừa làm dự án, vừa kiếm việc làm, năm 28 tuổi, anh Hạnh được nhận vào một công ty bảo hiểm và làm về lĩnh vực phát triển bền vững. Công việc ở đây giúp người sáng lập Joy nhận ra nhiều điều về trách nhiệm xã hội, nhất là góc nhìn từ phía doanh nghiệp mà trước đây anh chưa có được.

Sau 2 năm làm việc, anh rời công ty để tự mình thực hiện những dự án riêng. “Tôi từng nghĩ mình là người chọn làm nghề này nhưng thật ra giờ nghĩ lại mình được chọn để làm những điều này nhiều hơn. Nhưng từ lúc bắt đầu và dẫn đến công việc hiện tại hầu như mình toàn được rủ, được mời để làm. Từ những lần được chọn đó đã mở ra cơ hội và thấy nó dẫn mình đi những bước đi thú vị, nó giúp tôi không bị mất giữa vòng lẩn quẩn mình là ai, mình làm gì và đến hiện tại thấy bản thân đã đi đúng”, người sáng lập Joy cho biết.

Mọi thứ đều may mắn

Joy ban đầu chỉ là một nhóm tình nguyện, từ năm 2020 Joy chuyển đổi thành một doanh nghiệp xã hội. Cũng bởi các dự án ngày một lớn, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân tìm đến nên rất khó để lấy tư cách cá nhân để nói chuyện với các doanh nghiệp ủng hộ. Anh cho biết: “Chúng tôi thành lập một doanh nghiệp xã hội và dĩ nhiên số tiền thu được 100% được dành cho việc thực hiện các dự án xã hội”.

Sau 15 năm, từ một vài người ban đầu, đến nay, Joy Foundation đã có hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia và 40 điểm đến có dấu chân của doanh nghiệp này. Hiện có hơn 50.000 người Tây Nguyên được sử dụng nước sạch, hơn 136.000 cây xanh được trồng ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn như Khu dự sinh quyển Đồng Nai, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Tà Đùng, Khu bảo tồn Thiên nhiên Núi Ông, Bình Châu – Phước Bửu, rừng phòng hộ ở huyện Đạ Oai, Đạ Tẻh ở Lâm Đồng.

Hơn 136.000 cây xanh đã được Joy Foundation vận động trồng thêm vào các cánh rừng ở Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hơn 136.000 cây xanh đã được Joy Foundation vận động trồng thêm vào các cánh rừng ở Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm ngoái, doanh nghiệp quy động được hơn 4 tỉ đồng, trồng được thêm hơn 65.000 cây xanh, vượt mục tiêu tiêu ban đầu gấp 2 lần. Tháng 5 này, Joy đang ráo riết chuẩn bị cho các hoạt động trồng rừng ở Đồng Nai, sắp tới nữa là Tà Đùng, Núi Ông và có kế hoạch ra Huế. Mục tiêu 30.000 cây xanh năm nay, nhờ sự ủng hộ của các mạnh thường quân, đến nay lượng cây huy động cũng hơn gấp đôi mục tiêu, mỗi cây xanh có giá 35.000 đồng.

“Nhìn thấy Joy nhận được niềm tin và tín nhiệm của nhiều người, tạo ra được nhiều giá trị cho cộng đồng tôi rất vui và thấy may mắn, nhất là trong khi nhiều doanh nghiệp đang “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay. Nhưng đã có lúc bản thân tôi xem đây không phải là sự nghiệp của mình mà là chương đầu của một tuổi trẻ hừng hực muốn cống hiến cho cộng đồng. Đến lúc tôi phải dừng để có một công việc đúng nghĩa, vẫn kiếm tiền, vẫn có thể giúp đỡ cộng đồng như làm từ thiện, cúng dường. Ít nhất 2 lần, tôi muốn từ bỏ. May mắn có những “cú gọi” kêu tôi nên tiếp tục”, nhà sáng lập Joy Foundation nhớ lại.

Có gì làm nấy

Năm 2024, doanh nghiệp Joy cho ra mắt một dự án mới về âm nhạc mang tên: Forest Harmony. Anh cho hay: “Năm nay dự án âm nhạc của tôi có 3 đêm diễn, gần đây nhất là đêm diễn thứ 2 với chủ đề là “Gieo”. Chúng tôi muốn gửi gắm đến khán giả thông điệp đó là các tác phẩm âm nhạc cổ điển đều dành cho tất cả mọi người, cũng giống như việc trồng một cây cho thiên nhiên, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể làm được”.

Dự án âm nhạc Forest Harmony được Joy Foundation bắt đầu triển khai từ năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dự án âm nhạc Forest Harmony được Joy Foundation bắt đầu triển khai từ năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi làm dự án này, Hạnh và những người cộng sự cũng rất lo lắng vì đây không phải là sở trường của họ, dù vậy họ vẫn làm một cách hết mình. Đêm diễn đầu tiên khán phòng đạt 98%, đến đêm diễn lần thứ hai khách lấp đầy phòng.

Từng đặt câu chuyện gây quỹ cho dự án âm nhạc này, nhưng rồi mọi người không còn đặt nặng điều đó nữa. Có một điều đặt biệt, sau đêm diễn lại rất nhiều người tìm đến Joy, “có thể đêm nhạc không mang đến lãi về tiền bạc nhưng ở góc độ kết nối chúng tôi đang có rất nhiều”, anh Hạnh nói.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới làm các dự án, Hạnh cũng gặp phải những thử thách: “Khi làm dự án nước sạch, hay dự án trồng cây, rất nhiều người nói đây là việc của Nhà nước hoặc những tổ chức lớn. Đi trồng rừng có 5-10 cây… thì thay đổi được gì. Nhưng Joy không đặt nặng điều đó, chúng tôi muốn mang những làm được, chuyện không nằm ở con số. Dự án nhỏ nhưng nó vẫn mang đến sự chuyển biến một phần trong xã hội, giúp cộng đồng, nâng cao đời sống, nhận thức”.

Đến nay, Joy đều nhận được sự ủng hộ của nhiều phía, đối với các địa phương nơi Joy có mặt họ điều hoan nghênh và sẵn lòng phối hợp. Trong 15 năm qua, họ chưa gặp vấn đề với chính quyền, thậm chí còn được bố trí đội an ninh đi cùng để đảm bảo trật tự, an toàn.

Còn đối với doanh nghiệp tài trợ, theo anh Hạnh, “chúng tôi không đi vận động hay chào mời mà được sự ủng hộ và đề xuất hợp tác. Có những doanh nghiệp và cá nhân đã đồng hành với chúng tôi hơn chục năm”, anh tâm sự.

Trong lúc say sưa nói những kế hoạch của Joy, người sáng lập cũng cho biết, anh cũng đang điều hành một làng homestay nhỏ mang tên Joy House ở Sapa, Lào Cai. Khu này có khoảng 17-18 phòng được tạo nên từ nhà của những người đồng bào dân tộc Mông bản địa trong làng.

“Cũng là một lần đi lạc, tôi được người Mông đưa về cho ăn, cho ở cùng. Rồi tôi bắt tay cùng các anh em trong làng để làm du lịch. Vừa tạo thêm thu nhập cho đồng bào, vừa giúp giữ lại những nét văn hóa của người dân bản địa. Thi thoảng tôi cũng về đây 2-3 tháng để chiêm nghiệm, rút bài học hoặc tìm những cái mới, sau tháng ngày với các dự án của Joy Foundation”, anh Hạnh, nói.

Là một người không thích những điều cũ, anh Hạnh cũng thường xuyên tạo thêm nhiều điều mới cho doanh nghiệp mình. “Tôi vẫn sẽ làm dự án nước sạch, với mục tiêu mỗi năm có thêm 2.000 người được sử dụng và có thêm 30.000 cây xanh cho rừng, 3.000 – 5.000 sách cho trẻ em. Ngoài ra, tôi cũng đang chuẩn bị và muốn đồng hành thêm với những dự án của những người trẻ vì cộng đồng, đầu tư cho những hạt mầm tiềm năng”.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nguoi-di-gop-mau-xanh-cho-doi/