Người đi đường bất ngờ vì bị tạt nước

Lễ hội Làm Chay từ ngày 24 - 26/2 (14 đến 16 tháng Giêng hàng năm) tại khu di tích Đình Tân Xuân (khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An) nhằm tưởng nhớ hai chí sĩ yêu nước Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự bị thực dân Pháp xử tử. Ở phần hội, người dân tạt nước vào những người hóa trang thành ma quỷ khiến nhiều người đi đường bị vạ lây.

Lễ làm chay với không gian kéo dài từ đình Tân Xuân đến chùa Linh Phước, chùa Ông, miễu Điền, miếu Âm Nhơn, Thánh Thất Phương Quế Ngọc Đài, sông Tầm Vu... Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban Quản trị đình Tân Xuân thành lập các tiểu ban, triển khai các công việc, như: dựng giàn Ông Tiêu, làm Long Đình - Tứ Châu, dựng giàn thầy, dựng đài liệt sĩ, làm ghe phóng đăng, làm hình Ông Tiêu.

Trong ngày lễ chính sẽ có nghi thức Chiêu U (triệu hồi cô hồn vất vưởng, các vong linh ma quỷ để chúng không làm hại con người và cầu an cho bá tánh, làng xóm). Người dân tham gia rước lễ đi dọc các tuyến đường của thị trấn với nhiều kiểu hóa trang ma mị.

Nhiều nhà dân chuẩn bị sẵn nước để tạt vào người đi đường như một kiểu cầu may mắn và tạt vào những người hóa trang thành ma quỷ...

Nhiều người dân cho biết, tục lệ này gần đây đang có dấu hiệu "biến tướng" vì trước kia được làm rất đơn giản. Theo ông Nguyễn Văn Mười (Khu phố 2, thị trấn Tầm Vu), trước kia người dân không có nhiều xe máy, chủ yếu tạt nước vào xe đò. "Tôi cúng lễ từ năm 1989 đến nay, mấy cảnh chạy xe nẹt pô, lạng lách trước kia không có... Vì vậy, vào những ngày này, người dân hạn chế chạy xe, chỉ đứng trên vỉa hè theo dõi".

Các bạn trẻ hóa trang thành ma quỷ thường sử dụng các loại xe máy phân khối lớn, độ chế để lạng lách, hò hét để thu hút người khác tạt nước vào mình "Tạt cho bốc khói máy xe luôn", một người tạt nước nói.

Tạt nước ở lễ hội Làm Chay.

Một số người đi đường gặp vạ lây khi bị tạt nước như đối với những người hóa trang thành ma quỷ.

Những nạn nhân bị tạt nước có cả các cô gái, phụ nữ, trẻ em vô tình đi ngang qua lễ hội...

Một đôi "quỷ" bị tạt nước hội đồng ngay trước cổng UBND huyện Châu Thành.

"Những ngày này dễ ướt mình lắm, mình phải chuẩn bị áo mưa mà chơi, mặc dù trời rất nóng" - một bạn trẻ nói.

Đường ướt sũng nước, khá trơn trượt, nguy hiểm. Nhiều người đi đường bị té ngã sau những cú tạt nước.

Sau phần tạt nước là phần ném bột mì. Do người tham gia rước lễ quá đông nên lực lượng chức năng địa phương rất vất vả trong điều phối giao thông đi lại.

"Lúc mới hết dịch, mấy vụ tạt nước, chạy xe lạng lách, nẹt pô... gần như bị kiểm soát, khống chế không hiểu sao bây giờ xuất hiện trở lại. Tôi chỉ mong lễ hội diễn ra chuẩn mực, an toàn"- một người dân chia sẻ.

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-di-duong-bat-ngo-vi-bi-tat-nuoc-post1614909.tpo