Người dân Triều Tiên đón Tết Nguyên đán như thế nào?

Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, có rất nhiều nước khác cũng đón Tết Nguyên đán, trong đó bao gồm cả Triều Tiên.

Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Seollal, là dịp lễ truyền thống quan trọng và được tổ chức ở cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên. Tuy nhiên, gần 77 năm chia cắt hai miền đã dẫn đến cách ăn Tết khác nhau giữa 2 nước.

Thành phố Kaesong nhìn từ khi vực DMZ. Ảnh: AP

Bài liên quan

Triều Tiên xác nhận phóng tên lửa Hwasong-12, Mỹ hối thúc đàm phán

Triều Tiên lại bắn tên lửa, với tầm xa nhất kể từ năm 2017

Triều Tiên xác nhận bắn tên lửa lần thứ 6 trong tháng này

Trung Quốc, Nga ngăn cản Mỹ trừng phạt Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc

Ở Triều Tiên, các ngày lễ xã hội chủ nghĩa, bao gồm ngày kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, ngày quốc khánh 9/9 và ngày thành lập Đảng 10/10, có ý nghĩa vượt xa các ngày lễ truyền thống.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người Triều Tiên kỷ niệm ngày Tết Nguyên đán bằng cách thể hiện lòng trung thành với các nhà lãnh đạo. Sau đó trong ngày, mọi người tổ chức các nghi lễ cúng tổ tiên, thưởng thức bữa ăn gia đình và xem các buổi biểu diễn nghệ thuật với thông điệp ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và sự lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Vào buổi sáng, người dân Triều Tiên đặt hoa và bày tỏ sự kính trọng trước các bức tượng hoặc chân dung của các cố lãnh đạo Triều Tiên, Kim Nhật Thành và Kim Jong-Il.

Người dân Bình Nhưỡng đến thăm Cung điện Mặt trời Kumsusan, nơi cất giữ thi hài được ướp của hai nhà lãnh đạo, đồng thời leo lên Đồi Mansu để cúi đầu trước những bức tượng đồng khổng lồ của các nhà lãnh đạo quá cố.

Nhưng không có phong tục đến thăm gia đình ở Triều Tiên. Khung cảnh này hoàn toàn trái ngược với nước láng giềng Trung Quốc, nơi thường diễn ra cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới trên khắp đất nước vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Người dân Triều Tiên phải có giấy phép di chuyển để đi ra ngoài nơi cư trú. Ngoài ra, hiện ông Kim Jong Un cũng tăng cường hạn chế đi lại trong nước để ngăn chặn và kiểm soát sự bùng phát của Covid-19.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, người dân Triều Tiên lặng lẽ đón Tết Nguyên đán, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật bao gồm các buổi hòa nhạc, “các vở opera cách mạng” và rạp xiếc được tổ chức riêng lẻ ở mỗi khu vực.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng không phải là ngoại lệ. Trong hai năm qua, ông và các quan chức cấp cao đã xem một buổi hòa nhạc kỷ niệm với các bài hát và buổi biểu diễn ca tụng sự vĩ đại của Đảng Công nhân cầm quyền và các nhà lãnh đạo Triều Tiên trong dịp Tết.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin các bài hát như “Chúng ta sẽ cùng đi trên con đường trung thành” và "Chúng ta sẽ mãi cùng đi” đã gây tiếng vang trong phòng hòa nhạc vào tháng Một năm ngoái.

“Khán giả một lần nữa cảm nhận sâu sắc chân lý rằng đất nước và nhân dân ta có một tương lai tươi sáng, dù có gian khổ, khó khăn gì trên con đường thăng tiến, miễn là Tổng Bí thư còn lãnh đạo Đảng”, tờ KCNA viết.

Không giống như Hàn Quốc, người dân Triều Tiên ít coi trọng ngày tết âm lịch. Nhà sáng lập Kim Nhật Thành đã coi thường phong tục ăn mừng Tết Nguyên đán như một “dấu tích của xã hội phong kiến” và coi ngày Tết Dương lịch là một ngày lễ chính thức vào năm 1946.

Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, phong tục Tết Nguyên đán từng gần như biến mất hoàn toàn tại CHDCND Triều Tiên. Do ông Kim Nhật Thành cho rằng đó là tàn tích của chế độ phong kiến.

Tuy nhiên, sau đó cố lãnh đạo Kim Jong-il vào năm 2003 đã chỉ thị người dân kỷ niệm 3 ngày Tết Nguyên đán thay vì Tết Dương lịch, như một phần trong chiến dịch thúc đẩy "Tinh thần dân tộc". Ông nhấn mạnh ý nghĩa của Tết Nguyên đán là kế thừa truyền thống dân tộc.

Do vậy, người dân Triều Tiên đã tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống bao gồm thả diều, quay vòng, jegichagi và trò chơi bàn cờ yunnori trong những ngày nghỉ Tết.

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-trieu-tien-don-tet-nguyen-dan-nhu-the-nao-post179857.html