Người dân TP.HCM mua hàng hóa bằng cách nào?

Hiện nay, ngoài các chợ truyền thống, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi được phép hoạt động, người dân TP.HCM có thể mua sắm hàng hóa thiết yếu trên các nền tảng thương mại điện tử, chợ online, hoặc các điểm bán hàng lưu động.

40 chợ đang hoạt động

Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến chiều 19/7, trên 10 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, có tất cả 40/234 chợ truyền thống đang hoạt động. Trong đó, thành phố Thủ Đức có 9 chợ, như chợ Cát Lái, Linh Xuân, Tam Hải;...

Quận 5, quận 10 và quận Bình Tân có duy nhất 1 chợ đang hoạt động, lần lượt là chợ An Đông, chợ Nguyễn Tri Phương và chợ Kiến Thành.

Tại quận 5, chỉ có duy nhất chợ An Đông được phép hoạt động.

Các quận 11, Bình Thạnh, Gò Vấp có 2 chợ; quận 12 có 3 chợ. Các chợ còn lại nằm ở các huyện ven đô TP.HCM. Trong khi đó, có 9 quận/huyện tại TP.HCM không còn chợ nào hoạt động là quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và 2 huyện Hóc Môn, Nhà Bè.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, về việc mở cửa của các chợ truyền thống trên địa bàn, hiện thành phố đã có chủ trương theo đó, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu có tính bắt buộc, có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K.

Các chợ phải tổ chức mua bán theo cách tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá… Ngành hàng bán phục vụ thực phẩm tươi sống, rau củ quả.

Hàng nghìn điểm bán hàng từ online tới offline

Bên cạnh các chợ truyền thống được phép hoạt động, toàn thành phố còn có 101 siêu thị, 2.787 cửa hàng tiện lợi và 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động được phân bổ khắp các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Đồng thời, TP.HCM còn triển khai nhiều điểm bán hàng trực tuyến, tại các sàn thương mại điện tử được phép hoạt động.

Riêng Sở Công Thương TP.HCM còn có website “chính chủ”, để đưa các mặt hàng nông sản bán trực tuyến phục vụ người dân thành phố trong những ngày giãn cách.

Người dân có nhu cầu có thể truy cập vào https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn, để lựa chọn các mặt hàng cần thiết.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với Thành đoàn TP.HCM để ra mắt chợ trực tuyến “chợ nghĩa tình”, nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm miễn phí dành riêng cho người dân đang sinh sống tại các khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa tạm thời trên địa bàn TP.HCM do liên quan ca lây nhiễm dịch COVID-19.

Dự án "Chợ Nghĩa Tình" đã triển khai thí điểm thành công tại huyện Hóc Môn (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm; ấp Tân Tiến, xã Xuân Thới Đông và ấp Tân Thới 1, xã Tân Hiệp) và quận Bình Tân (Khu lưu trú Văn hóa số 38 - phường Tân Tạo). Trong thời gian tới, dự án tiếp tục nâng cấp quy mô triển khai tại Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Được biết, Sở Công Thương TP.HCM đang có dự định mở các cửa hàng bán thực phẩm tại các chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-tphcm-mua-hang-hoa-bang-cach-nao-post145469.html