Người dân TP.HCM kín lịch đá bóng, đạp xe

Khi Chỉ thị 18 ban hành, các cầu thủ nghiệp dư lập tức gọi điện đặt sân. Tuần này, nhiều sân bóng đã kín lịch, có người nhận 'kèo' giao hữu nguyên tuần.

Hai ngày đầu nới lỏng giãn cách, câu lạc bộ bóng đá của Huy Hoàng (quận 7) thận trọng dò hỏi xem liệu đã có chỉ thị chính thức chưa. Đến ngày 3/10, Chỉ thị 18 được ban hành, đội của Hoàng mới tự tin ra sân.

Theo chỉ thị của TP.HCM, các hoạt động ngoài trời được tập trung tối đa 15 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì được tập trung tối đa 90 người.

Từ cuối tuần trước, các sân bóng đã kín lịch đặt chỗ nguyên tuần. Ngoài đường, người đạp xe thể dục, dạo phố tấp nập hơn.

Đá bóng trong "bình thường mới"

Ngày cuối siết chặt giãn cách, đội bóng của Hoàng đã hồi hộp đợi thông tin thành phố cho phép hoạt động thể dục thể thao ngoài trời. Các thành viên đều bồn chồn đôi chân sau hơn 3 tháng "treo giò".

“Khí thế cả đội hừng hực như được giải phóng năng lượng. Lâu không vận động, anh em đá hụt hơi suốt. Mấy khoảnh khắc đó tự dưng tạo tiếng cười sảng khoái, trước đây hiếm có cảm giác này”, Huy Hoàng chia sẻ.

Huy Hoàng ăn mừng cú sút sau mấy tháng không đá bóng. Ảnh: NVCC.

Hoàng cho biết như thường lệ sân phải đặt trước. Dù là sân quen, đội trưởng vẫn phải gọi điện cho chủ sân để trình bày tình hình tiêm chủng và số lượng người.

Câu lạc bộ của Hoàng có 16 thành viên thường đá bóng với nhau. Để đảm bảo an toàn, đội lên danh sách những người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh. Ai chưa đủ điều kiện đều vui vẻ chấp nhận ở nhà.

Trận bóng hôm cuối tuần của các chàng trai diễn ra vào 20h30. Có điều khác trước là xong trận ai về nhà nấy, không thể rủ nhau đi nhậu trong thời điểm này.

Còn Quý Tiến (28 tuổi, quận 10) cũng có trận bóng sảng khoái hồi chiều 3/10. Đội anh đặt chỗ ở sân quen bên quận 8, được ưu tiên giữ chỗ vì có nhiều nhóm khác đặt kín.

“Các thành viên trong đội ở nhiều quận trong thành phố, có người ở xa. Nhưng đá bóng thì không quan trọng xa hay gần, miễn là được đá và có chỗ đá”, Tiến hồ hởi nói.

Trận bóng cuối cùng của Tiến cách đây 4,5 tháng. Thèm ra sân tới nỗi anh nhận kèo nguyên tuần, ai rủ là đi. Anh chàng này tham gia nhiều đội đá bóng của bạn bè, đồng nghiệp.

“Những ai đam mê chơi thể thao, nhất là bóng đá, thì chắc sẽ thèm như tôi sau khi ở trong nhà quá lâu. Tuy lâu rồi không vận động mạnh nhưng đá vẫn vui và hăng lắm”, Tiến nói.

Quý Tiến ra sân các buổi chiều hoặc tối, đội nào rủ là có mặt ngay. Ảnh: NVCC.

Quý Tiến ra sân các buổi chiều hoặc tối, đội nào rủ là có mặt ngay. Ảnh: NVCC.

Tranh thủ đạp xe nhiều hơn

“Lần cuối mình đạp xe là hồi đầu tháng 7. Xe đạp mới mua được 2 tuần, bắt đầu tạo được thói quen thì phải bỏ xó, bánh xe mềm luôn. Nay được đạp lại và ra đường, cảm giác xúc động lắm”, Châu Yến Nhi (26 tuổi) bày tỏ sự vui mừng.

Mấy hôm đầu nới lỏng giãn cách, cô gái trẻ đạp xe một mạch đi nhiều nơi. Hôm đầu cô đi loanh quanh chung cư mình sống ở quận Bình Thạnh, rồi đi vòng vòng thành phố từ Thảo Điền, cầu Thủ Thiêm, khu Sala (TP Thủ Đức) cho đến những con đường, điểm tham quan quen thuộc ở quận 1.

“Mình thấy đường phố đông vui khác lạ, lúc đi ngang công viên thấy các loại dây và rào được gỡ, mọi người tụ tập chơi bóng rổ, trượt ván các kiểu, cảnh tượng lâu lắm rồi không được thấy”, Nhi kể.

Tuy nhiên, cô gái trẻ mới tiêm mũi 2 vaccine chưa lâu còn hơi e ngại, chỉ dám âm thầm đi một mình, không dám tụ tập, gặp gỡ hội bạn cùng đạp xe.

Châu Yến Nhi tranh thủ đi ngắm phố phường vào ban ngày và lúc sáng đèn. Ảnh: NVCC.

Châu Yến Nhi tranh thủ đi ngắm phố phường vào ban ngày và lúc sáng đèn. Ảnh: NVCC.

Trước đây, mỗi tuần Yến Nhi dành thời gian đạp xe 3-4 lần, tùy thuộc vào thời tiết. Cô thường đi vào buổi sáng khoảng 6-7h hoặc buổi chiều 5h30-6h30. Đây là những khung giờ có bình minh, hoàng hôn và không khí mát mẻ, khiến cô gái trẻ thích thú.

Yến Nhi dự định sử dụng xe đạp nhiều hơn trong thời gian tới, không chỉ để tập thể dục, mà còn đi mua sắm gần nhà, đi chơi với bạn bè hoặc đi làm nếu không vội.

“Tôi hay di chuyển bằng xe công nghệ. Nhưng giờ tôi nhận ra xe đạp có thể thay thế đáng kể, không chỉ để tập luyện, mà còn tiết kiệm tiền xe, hạn chế tiếp xúc”, nữ nhân viên văn phòng bày tỏ.

 Minh Trúc thích đạp xe đến những nơi có thể ngắm hoàng hôn cùng hội bạn. Ảnh: NVCC.

Minh Trúc thích đạp xe đến những nơi có thể ngắm hoàng hôn cùng hội bạn. Ảnh: NVCC.

Cũng đã lâu không đạp xe ra đường, Minh Trúc (29 tuổi) dựng chiếc xe ở quán cà phê anh làm, thỉnh thoảng dắt qua dắt lại trong sân. Anh đã chôn chân tại chỗ làm từ ngày đầu siết chặt giãn cách 9/7.

Lần cuối anh đạp xe là từ trước lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16. Cuối tuần đầu tiên nới lỏng, anh cùng hội bạn đạp xe đi ngắm hoàng hôn.

Theo bánh xe lăn dọc cầu Sài Gòn qua đến Landmark81 rồi các con đường trung tâm, chàng trai kể thành phố có phần khác trước, nhiều khung cảnh lạ lẫm hơn, cây cối xanh mát hơn.

“Lâu không ra đường, nay dù hơi đông nhưng mình thấy không khí trong lành hơn hẳn. Ước gì thành phố mãi trong lành thế này và không còn dịch bệnh, để mình được bỏ khẩu trang ra”, Minh Trúc nói.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Ý Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-tphcm-kin-lich-da-bong-dap-xe-post1268569.html